(Baonghean)- Được cấp trên đồng ý, chỉ huy quyết định tự đánh đắm tàu không số để vũ khí không rơi vào tay địch. Ông Bản dạt vào bờ, ăn cua sống, uống nước tiểu mình để sinh tồn giữa rừng U Minh.

Suốt đời gắn bó với biển, ông Ngô Trí Bản có một ‘kho ký ức’ về biển, nhất là ký ức về những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, khi ông là chiến sỹ của tàu không số.

“Tôi sinh ra ở làng biển Đông Lộc (Diễn Ngọc – Diễn Châu), học hết cấp 2 theo cha ra biển đánh cá. Chưa đầy 19 tuổi, tôi đăng ký nhập ngũ, rồi được biên chế vào quân chủng Hải quân, đời lính gắn với những con tàu và những chuyến hải trình...” – ông Ngô Trí Bản mở màn cho những dòng ký ức.

Đầu tháng 11/1970, ông được lên tàu Nhật Lệ có số hiệu C-69B với trọng tải 200 tấn và vài tháng sau, khi vừa ăn Tết Nguyên đán xong nhận được lệnh chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Trước lúc lên đường, 23 cán bộ, chiến sỹ của tàu được đơn vị làm lễ truy điệu với lời thề thà hy sinh chứ không để vũ khí rơi vào tay địch. Tàu C-69B vượt vĩ tuyến 17, theo hải phận quốc tế hướng vào Nam. Trên đường đi, tàu khu trục của Mỹ luôn bám đuổi, lại thêm máy bay quần thảo trên đầu.

images1966816_ong_ban_1.jpgÔng Ngô Trí Bản kể lại trận chiến tàu C-69B trên vùng biển Vũng Tàu năm 1970. Ảnh: Công Kiên

Thuyền trưởng Phan Xạ buộc phải chuyển hướng sang vùng biển Phippines, vòng xuống Indonesia, rồi Malaysia để đánh lạc hướng. Địch đeo bám quyết liệt, chỉ huy tàu nhận được lệnh trở về cảng xuất phát ban đầu

Về cảng ở miền Bắc, 15 ngày sau lại lên đường, hải trình vẫn như đã định. Tàu chiến và máy bay địch vẫn bám đuổi, tàu C-69B phải liên tục thay cờ và số hiệu, vòng ra hải phận quốc tế. Ngày 11/4, đang ở vùng biển Malaysia, BCH tàu nhận được lệnh chuyển hướng vào bờ, nhanh chóng cập biển Cà Mau. Khi còn cách bờ khoảng 25 hải lý, gặp tàu địch tuần tra, tàu C-69B vẫn tăng tốc lực. Địch phát tín hiệu, ta không trả lời. Tín hiệu đỏ phát ra từ tàu địch, ta vẫn không trả lời.

Khi còn cách bờ chừng 10 hải lý, địch nổ súng tấn công. Chỉ huy tàu báo cáo cấp trên và xin thực hiện phương án 2 là nổ súng chống trả. Tàu C-69B bị bao vây, uy hiếp bởi 7-8 tàu khu trục liên tục nã đạn cối, lát sau lại xuất hiện tốp máy bay bắn rốc- két xuống như mưa. Một mặt phải cơ động vòng tránh, mặt khác phải chiến đấu chống lại kẻ thù, các vị trí trên tàu đều sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Bức ảnh tàu không số được ông Ngô Trí Bản nâng niu cất giữ. Ảnh tư liệu

Chiến sỹ Ngô Trí Bản được giao nhiệm vụ nạp đạn pháo, pháo thủ hy sinh, ông vừa nạp đạn vừa bắn pháo. Cuộc chiến đấu không cân sức, tàu C-69B bị trúng đạn ở buồng lái, máy hỏng nặng, tàu trôi tự do, đồng chí Thuyền phó và 4 chiến sỹ hy sinh. Thuyền trưởng Phan Xạ xin điện xin cấp trên thực hiện phương án 3, tức là phá hủy tàu, không để vũ khí, hàng hóa rơi vào tay địch. Được cấp trên đồng ý, Thuyền trưởng ra lệnh cho thi hài 5 người đã hy sinh vào túi tử để đưa theo vào bờ, những người còn lại chuẩn bị rời tàu.

Ngay lúc ấy, 4,8 tấn bộc phá trên tàu được điểm hỏa, thời gian hẹn nổ là 45 phút. Ông Bản rời tàu với khẩu AK báng gấp, 5 băng đạn, áo phao, trong đêm tối tự mình vùng vẫy, vật lộn giữa biển khơi. Rời tàu được chừng 500 mét, một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, thân mình như có ai nhấc bổng lên không trung rồi ném xuống mặt biển, con tàu trở thành một đám lửa khổng lồ và cột khói bốc cao nghi ngút đến mấy cây số. Choáng váng vì sức ép của vụ nổ, ông Bản cố gắng lấy lại tinh thần và tiếp tục bơi vào bờ...

Ông Ngô Trí Bản sửa lưới giúp con cháu trước lúc ra khơi đánh cá. Ảnh: Công Kiên

Những con sóng cuốn chiếu đã đẩy Ngô Trí Bản dạt vào một vũng lầy, ông dùng toàn bộ sức bình sinh ôm chặt một gốc đước để khỏi bị sóng cuốn trở ra, rồi lê từng bước giữa sình lầy. Trời vừa sáng, địch dùng trực thăng quần thảo và đổ bộ xuống hai tiểu đoàn để truy lùng chiến sỹ tàu C-69B. Ông phải cởi hết quân phục, lấy bùn trát khắp người, nằm áp sát gốc đước. Đến chiều tối, khi địch rút quân, lại tiếp tục đứng dậy đi sâu vào rừng đước, đi mãi, đi suốt 3 ngày, 3 đêm.

Muỗi rừng U Minh Hạ bu khắp người như bầy ong bu vào tổ, đêm nghỉ phải đào hố dưới bùn, lấp toàn thân, chỉ trừ phần đầu để tránh muỗi. Mấy ngày không có cái gì vào bụng, toàn thân mệt lả, phải bắt cua ăn sống để có sức tiếp tục đi sâu vào rừng. Rồi đến lượt cơn khát hành hạ, giữa khu rừng ngập mặn, bất đắc dĩ phải lấy tay hứng nước tiểu của mình để uống, chống chọi với cơn khát kinh hoàng. Đêm cuối giữa rừng đước, sức lực đã kiệt, ông Bản thấy xa xa thấp thoáng ngọn đèn dầu.

Ông Ngô Trí Bản gặp lại đồng đội cũ ở Cần Thơ. Ảnh gia đình cung cấp

Lại gần, một cái lán nhỏ hiện ra, phía trong có 6 người mặc đồ bà ba đen, đeo khăn rằn nằm trên 6 chiếc bục nhỏ. Đoán chắc đây là cơ sở cách mạng, ông gõ vào vách, vừa trao đổi xong mật khẩu thì ngất lịm. Sáng mai tỉnh dậy, ông Bản thấy mình đã được gội rửa sạch sẽ, mặc bộ đồ bà ba đen, và được biết chiếc lán này là nơi trú chân của một đội cơ yếu của Quân khu 9. Ăn xong bát cháo bữa sáng, trong người thấy khỏe hẳn, gần trưa được đón về căn cứ của quân giải phóng.

Thời điểm ấy, địch kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường biển, tàu không số không thể cập biển Cà Mau, chiến sỹ Ngô Trí Bản không có cách nào trở lại đơn vị cũ nên gia nhập lực lượng giải phóng Quân khu 9, tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ông Bản tâm sự: “Được sống sót trở về với gia đình, quê hương là một niềm may mắn và hạnh phúc, bởi biết bao đồng đội đã vùi mình dưới biển cả hay nằm lại giữa chốn bùn lầy nơi đất mũi. Những lúc thấy khỏe khoắn, tôi thường lên đường đi thăm đồng đội và thăm lại chiến trường xưa...”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN