Một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,2-0,6% mỗi năm tuỳ kỳ hạn để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu cho vay cuối năm.

Sáng 14/12, chị Nga đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (TP HCM) để gửi số tiền tiết kiệm 700 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng. Nhân viên ở đây cho biết lãi suất là 6,2% một năm, tăng 0,2% so với mấy ngày trước đó.

"Cũng bằng ấy tiền nhưng em gái tôi gửi vào đầu tháng này với kỳ hạn tương tự chỉ được hưởng lãi suất 6%, tức tầm 3,5 triệu đồng một tháng. Nay số tiền lãi tôi nhận được tăng thêm gần 120.000 đồng mỗi tháng nên thấy vui", chị chia sẻ và cho biết còn được tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng cũng như chờ quay số may mắn trúng nhà 2,5 tỷ đồng.

Bà Hai Lan - cán bộ hưu trí tại quận Bình Tân cũng bộc bạch, những người về hưu như bà sống nhờ vào khoản tiền hưu và lãi gửi tiết kiệm là chủ yếu. Tuy mức lãi tăng lên không nhiều nhưng nó cũng là một khoản đáng kể để chi tiêu.

image_2625206.jpgNgân hàng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2-0,6% mỗi năm. Ảnh: PV.

Giai đoạn cuối năm, thường các ngân hàng hay có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động và khuyến mãi để hút khách gửi tiền. Theo đó, từ ngày 12/12, tại Sacombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,3% một năm; kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1% lên 5,5% mỗi năm.

Tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng của nhà băng này cũng tăng từ 6% lên 6,2% trong khi các kỳ hạn dài hơn đến dưới 12 tháng tăng thêm 0,4% so với trước, lên 6,4% mỗi năm. Các kỳ hạn một năm trở lên được áp dụng lãi suất từ 7,05% đến 7,4% mỗi năm, đặc biệt nếu khách hàng gửi 500 tỷ trở lên với kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất là 7,6% mỗi năm.

Tương tự, hôm 8/12 VPBank đã nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3% và nhiều nhất là 0,6%. Cụ thể, với các khoản tiền dưới 100 triệu đồng, ngân hàng áp dụng lãi suất 5,3% cho các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng nhưng cứ trên 100 triệu thì được lãi suất là 5,5% mỗi năm (mức cũ trước điều chỉnh là 5% một năm).

Kỳ hạn 6 tháng được VPBank điều chỉnh tăng mạnh nhất, từ 6,4% lên 7% một năm cho khoản tiền dưới 100 triệu và dao động từ 7,1 đến 7,4% mỗi năm cho khoản tiền lớn hơn. 

Cách đây gần một tháng, các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chi phối cũng đã có đợt tăng lãi suất huy động. Với BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn một tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất 4,8% mỗi năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2% một năm, tương đương với kỳ hạn 5 tháng.

Trong khi đó, với các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng của Vietinbank đã tăng từ mức 5,5-5,7% lên 5,8% một năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8% một năm.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông lý giải, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn, trong đó đặc biệt là kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.

Tuy nhiên, theo vị này, lãi suất tăng chỉ mang tính cục bộ và có yếu tố mùa vụ. “Dịp cuối năm người dân thường có nhu cầu chi tiêu lớn, ngoài ra nhu cầu vay để phục vụ cho dịp Tết của doanh nghiệp cũng cao", ông nói và cho rằng chỉ những ngân hàng nào còn room tín dụng thì mới đẩy mạnh hút vốn và cho vay dịp này.

Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được đẩy nhanh đáng kể trong những tháng cuối năm. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng 10, đồng thời tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Với diễn biến này, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong cả năm nay tối đa sẽ đạt mức 18-19%.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN