Người Anh đã chịu thua trước quyết tâm của Trung Quốc, chấp nhận trả lại Hong Kong trong một cuộc thương thảo bí mật trước năm 1997 và không có mặt người Hong Kong.
Trong đêm 30/6/1997 mưa như trút, lá cờ Vương quốc Anh được kéo xuống lần cuối cùng tại Hong Kong, nhường chỗ cho quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những người Anh rời khỏi thuộc địa lớn cuối cùng, kết thúc một thế kỷ "mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh".
Buổi lễ chuyển giao quyền lực và số phận Hong Kong được định đoạt vào ngày 19/12/1984, trong khi những cuộc đàm phán bí mật của Anh và Trung Quốc bắt đầu từ trước thập niên 1980.
Hợp đồng thuê đất hết hạn
Vùng đất ngày nay là Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc được đặt dưới quyền cai trị của Vương quốc Anh thông qua 3 hiệp ước vào các năm 1842, 1860 và 1898.
Sau khi nhà Thanh bại trận trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất và thứ hai, đảo Hong Kong và đảo Cửu Long lần lượt được cắt nhượng cho Anh. Đến năm 1898, nhà Thanh tiếp tục cho Vương quốc Anh thuê vùng đất sẽ trở thành Tân Giới (Hong Kong) với thời hạn 100 năm.
Khác với đảo Hong Kong và Cửu Long, Tân Giới luôn được định trước sẽ trở về với Trung Quốc vào ngày 30/6/1997.
Khi thập niên 1990 cận kề, những người Anh biết rằng họ sẽ phải tính toán về tương lai Hong Kong.
Như số phận của phần lớn thuộc địa nước Anh, tương lai của Hong Kong không bao gồm việc được độc lập. Sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1971, Trung Quốc đã vận động thành công để đẩy Hong Kong khỏi danh sách "Các Vùng lãnh thổ Chưa Tự trị".
Đây là nhóm đối tượng mà Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ "thúc đẩy các biện pháp nhằm mang lại tự do và độc lập hoàn toàn".
Ban đầu, chính phủ Anh mong muốn và tự tin họ có thể tiếp tục quản lý Hong Kong dù chủ quyền được trả về Trung Quốc. Theo các tài liệu được chính phủ Anh giải mật về sau này, vào cuối thập niên 1970, nội các của Thủ tướng Thatcher muốn kéo dài vô hạn thời gian thuê Tân Giới để "tiếp tục sự nắm quyền của Anh sau năm 1997 nếu người Trung Quốc chấp nhận", hoặc ít ra họ muốn giữ lại đảo Hong Kong và đảo Cửu Long.
Bắc Kinh bác bỏ đề nghị đó.
Vấp ngã ở Bắc Kinh
Tháng 4/1982 tại Bắc Kinh, trong cuộc gặp với ông Edward Health, khi đó là cựu thủ tướng Anh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất ý tưởng "Một Quốc gia, Hai Chế độ", cho phép Hong Kong giữ lại nền kinh tế "tư bản" và các quyền tự do trong khi chủ quyền được trao trả về Bắc Kinh.
Cuối năm 1982, Thủ tướng Anh Thatcher đến Bắc Kinh, trở thành thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm Trung Quốc và chính thức bắt đầu quá trình đàm phán về Hong Kong. Ngày 23/9 năm đó, bà gặp Thủ tướng Triệu Tử Dương tại Đại lễ đường Nhân dân.
Ghi chép từ cuộc gặp cho biết bà Thatcher đã cảnh báo rằng việc đưa Hong Kong về với Trung Quốc, khi ấy là một nền kinh tế vừa bắt đầu mở cửa, sẽ là "thảm họa" đẩy các nhà đầu tư ra xa và gây nên sự sụp đổ của một trung tâm tài chính của thế giới như Hong Kong.
Ông Triệu nói rằng có 2 yếu tố cần cân nhắc khi thương thảo về tương lai Hong Kong, 1 là chủ quyền, 2 là sự ổn định và thịnh vượng của thành phố. "Nếu phải chọn một, Trung Quốc sẽ đặt chủ quyền lên trên ổn định và thịnh vượng", bản ghi chép kể lại lời thủ tướng Trung Quốc.
Ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình, người đàn ông nhỏ bé nắm giữ quyền lực tối cao tại Trung Quốc thời bấy giờ, cảnh báo bà Thatcher rằng "chỉ một hoặc hai năm tới, Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố lấy lại Hong Kong". Đó cũng là ngày Margaret Thatcher bị vấp và suýt ngã trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Quá trình đàm phán tiếp tục sau khi bà Thatcher rời Anh và kết thúc bằng Tuyên bố chung Anh - Trung năm 1985, theo đó Hong Kong được trả về Trung Quốc dưới quy chế "Một Quốc gia, Hai chế độ", kết thúc 156 năm cai trị của người Anh.
Ý chí của Đặng Tiểu Bình
Thông tin về cuộc thương thảo Hong Kong chủ yếu được tiết lộ thông qua các tài liệu của chính phủ Anh, được công khai dựa trên quy định các tài liệu nội các phải giải mật sau 20 - 30 năm. Các tài liệu này thường không trích dẫn trực tiếp lời của quan chức Trung Quốc, chủ yếu là các ghi chép từ phía người Anh.
Percy Cradock, Đại sứ Anh tại Bắc Kinh từ năm 1978 - 1983, miêu tả các lãnh đạo Trung Quốc là "những ông già với tư tưởng cứng nhắc, đầy giáo điều và niềm tự hào dân tộc".
Trong cuốn sách The End of Hong Kong: The Secret Diplomacy of Imperial Retreat (tạm dịch: Sự kết thúc của Hong Kong: Ngoại giao Bí mật về Sự rút lui của Đế quốc), Robert Cottrell đã miêu tả như sau về những tính toán của ông Đặng Tiểu Bình:
"Nếu ông ấy đồng ý để người Anh ở lại Hong Kong sau năm 1997, Đặng nói, ông ấy sẽ không khác gì những kẻ phản quốc nhà Thanh cắt đất cho Anh dưới những hiệp ước bất hợp pháp và vô giá trị. Ông ấy không thể làm vậy. Trung Quốc phải khôi phục chủ quyền đối với Hong Kong. Và chủ quyền phải bao gồm sự quản lý. Lá cờ Anh phải ra đi. Thống đốc người Anh phải ra đi".
Cuộc đàm phán nhiều lần bị đẩy đến bờ vực sụp đổ khi quan chức hai bên sử dụng những lời lẽ thẳng thừng để chỉ trích nhau. Dù vậy, Anh luôn lo lắng Trung Quốc sẽ rút khỏi việc thương thảo.
Các tài liệu được giải mật cho thấy người Anh sợ rằng nếu Đặng "không thể đạt được một thỏa thuận đáng hài lòng với chính quyền Anh, ông ấy có thể quyết định việc sớm đoạt lại Hong Kong".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, cựu thủ tướng Thatcher lần đầu tiên thừa nhận nỗi hối tiếc của bà khi đối mặt với tình thế "bất khả kháng" trong cuộc thương lượng Hong Kong. Cựu thủ tướng thú nhận bà đã buồn bã nhìn cờ Anh được hạ xuống tại Hong Kong năm 1997.
"Tôi muốn tiếp tục sự nắm quyền của người Anh. Nhưng khi việc đó trở nên bất khả thi, vào hoàn cảnh của chúng tôi, tôi chỉ còn cơ hội giữ lại những nét độc đáo của Hong Kong thông qua việc chấp nhận ý tưởng của ông Đặng", bà nói.
Dù vậy, "kiến trúc sư trưởng" của mô hình "Một Quốc gia, Hai Chế độ" không thể đợi để thấy ý tưởng của ông thành hiện thực. Ông Đặng Tiểu Bình qua đời ngày 19/2/1997, chỉ 5 tháng trước ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc.
Người Hong Kong bên lề
Hơn 5 triệu người dân Hong Kong khi đó hầu như không có tiếng nói trong suốt quá trình thương thảo của chính phủ Anh và Trung Quốc. Emily Lau, cựu chủ tịch đảng Dân chủ Hong Kong, nói người Hong Kong biết rằng "tất cả những gì họ (người Anh) quan tâm là thương mại. Số phận người Hong Kong chỉ là thứ yếu".
Lau chỉ ra rằng trong cuộc thương lượng giữa Anh và Argentina về Falklands, cư dân của hòn đảo "có 1.800 người và hàng trăm nghìn con cừu" này vẫn có 1 ghế trên bàn đàm phán. Trong khi đó, người Hong Kong không hề được tham gia vào cuộc đàm phán giữa Anh và Trung Quốc.
Những nỗ lực cuối cùng của một nhóm nghị sĩ trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong nhằm trình bày quan điểm của người dân thành phố đều không có kết quả.
"Cả chính phủ Anh và Trung Quốc đều công khai kêu gọi người dân đóng góp ý kiến cho quá trình đàm phán. Nhưng làm sao họ bày tỏ quan điểm nếu họ không biết hoặc biết quá ít về những gì đang diễn ra?", nghị sĩ Wong Lam nói trong một phiên điều trần của Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm 1984.
Dù vậy, người dân Hong Kong sau đó được tham gia vào quá trình soạn thảo Luật Cơ bản, tương tự một hiến pháp thu nhỏ, bộ khung pháp lý để Hong Kong vận hành dưới mô hình "Một Quốc gia, Hai Chế độ". Thống đốc cuối cùng của Hong Kong, Chris Patten cũng cải cách hệ thống bầu cử Hội đồng Lập pháp để tăng số lượng nghị sĩ được bầu cử trực tiếp.
Theo Zing.vn