(Baonghean) - Mới gần một năm hoạt động trong tư cách của một trường công lập, nhưng Trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Nghệ An (tiền thân là trường phổ thông dân lập Hữu Nghị) đã xẩy ra lắm chuyện "lình xình''. Theo đơn kiến nghị gửi Báo Nghệ An, đó là mất công bằng trong xét tuyển dụng cán bộ, giáo viên; có dấu hiệu "đầu tư" để "chạy" biên chế và sai phạm về tài chính...

801789_small_104015.jpg

Trường PT Năng khiếu TDTT.

Tuyển dụng không minh bạch, sai phạm về tài chính...

Từ khi thành lập (ngày 13/8/2012) đến nay, Trường phổ thông (PT) Năng khiếu TDTT Nghệ An đã tổ chức xét tuyển dụng 2 đợt cán bộ, giáo viên. Theo đơn kiến nghị, trường đã có 2 đợt xét tuyển cán bộ, giáo viên, và cả 2 đợt đều có "vấn đề''. Đó là một số vị trí không có bằng chuyên môn, việc xét tuyển không công khai, cơ cấu một số vị trí khập khiễng, tiêu chí xét tuyển không rõ ràng, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo, điều hành cuộc họp không dân chủ, khách quan, minh bạch...

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Tùng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho rằng: Nội dung kiến nghị không chính xác, bởi quy trình tuyển dụng được thực hiện đúng quy định, nhà trường thực hiện xét tuyển rất công tâm, dân chủ, khách quan. Các tổ chức trong trường như chi bộ, đoàn thanh niên, hội cha mẹ học sinh và đặc biệt là công đoàn tham gia tích cực có hiệu quả trong việc xét tuyển; thầy hiệu trưởng đã thực hiện nhiệm vụ đầy trách nhiệm... Cũng theo ông Tùng thì trong quá trình bỏ phiếu lựa chọn xét tuyển ở một số chức danh có sơ suất là không bầu tổ kiểm phiếu!

Dù vị đại diện công đoàn nói vậy, nhưng qua những gì chúng tôi xác minh, nội dung đơn kiến nghị là có cơ sở. Ngày 21/3/2013, UBND tỉnh mới có Công văn số 1641/UBND-TH đồng ý cho Sở VHTT&DL tuyển dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên với yêu cầu "tuyển dụng đội ngũ viên chức đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, chức danh đúng quy định; đảm bảo tính công bằng, khách quan và ưu tiên những người có năng lực, trình độ cao hơn", vậy nhưng, ngay từ tháng 1/2013, qua xét tuyển (theo diện hẹp 1 lấy 1, không công khai) của trường, Sở VHTT&DL đã tuyển dụng 3 vị trí kế toán, văn thư - thủ quỹ và thiết bị - thư viện. Những người được tuyển dụng đều có bằng cấp “chắp nối”.





Bằng cấp chắp nối và hồ sơ của cán bộ, giáo viên Trường PT Năng khiếu TDTT.

Việc thiếu minh bạch trong xét tuyển, thể hiện rất rõ tại cuộc họp ngày 15/7/2013. Tại cuộc họp này, ở một số vị trí phải bỏ phiếu kín để bầu chọn, vị Hiệu trưởng và Trưởng phòng Tổ chức Sở VHTT&DL đã không chỉ đạo bầu tổ kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu. Thay vào đó, chính 2 vị này đã kiểm phiếu, sau đó ông Hiệu trưởng công bố kết quả! Vì "băn khoăn" việc không lập tổ kiểm phiếu, ngày 21/7/2013, 2 vị lại tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến tập thể để nói lại. Tại đây, 3 người (những người đã bị loại tại cuộc bỏ phiếu ngày 15/7) không tán thành với kết quả bỏ phiếu, nhưng số đông (là những người đã “lọt”) biểu quyết "đã khách quan", nên kết quả bỏ phiếu được giữ nguyên.

Khi chúng tôi hỏi: Tại sao lại tuyển dụng cán bộ trước khi có sự đồng ý của UBND tỉnh? Ông Hiệu trưởng nói: Trường cần có một bộ khung văn phòng để sớm đi vào hoạt động, nên đã đề nghị Sở tuyển dụng (!?).

- Tại sao 2 vị (Hiệu trưởng và Trưởng Phòng tổ chức) không chỉ đạo bầu tổ kiểm phiếu mà lại tự đứng ra kiểm phiếu?

- Tôi cũng chưa thấy quy định nào yêu cầu khi bỏ phiếu kín lại phải bầu tổ kiểm phiếu. Hơn nữa, sau đó tôi cũng thấy băn khoăn và đã tổ chức cuộc họp nói về vấn đề này. Ở cuộc họp đó đa số đều đồng ý không phải bỏ phiếu lại.

- Có 3 người không tán thành kết quả bỏ phiếu vì cho rằng không minh bạch, tại sao ông không cho bỏ phiếu lại?

- Vì số đông đều biểu quyết không bỏ phiếu lại nên mới thôi.

- Số đông đó đều là những người đã được xét để ra quyết định tuyển dụng?

Đáp lại câu hỏi này, là sự im lặng của ông hiệu trưởng!

Cũng theo đơn kiến nghị, để sớm có được định biên cho trường, các cán bộ, giáo viên được gợi ý góp tiền để "ngoại giao". Công đoàn trường đứng ra làm công tác "đặc biệt" này và gọi đó là quỹ thăm hỏi, chơi tết, tham quan... Mỗi cán bộ, giáo viên được “huy động” góp 10 triệu đồng/ người.

Qua xác minh, có tất cả 27 người đóng góp tiền. Trong đó 24 người góp 10 triệu đồng/người; một người góp 7 triệu đồng; một người góp 5 triệu đồng; một người mới góp được 1,5 triệu đồng. Thời điểm góp tiền bắt đầu từ tháng 2/2013. Tổng số tiền đóng góp là 253.500.000 đồng.

Sau gần 1 năm “hóa thân” từ Trường PT Dân lập Hữu Nghị sang Trường PT Năng khiếu TDTT, hoạt động của trường công lập này đã có những vi phạm về tài chính, điển hình như việc thu lệ phí tốt nghiệp. Năm học 2012 - 2013, lệ phí thi tốt nghiệp phải nộp của mỗi học sinh là 650.000 đồng. Ông Hiệu trưởng cho rằng, thu theo công văn của Sở GD&ĐT, còn bà kế toán Nguyễn Thị Thúy Hằng lại biện minh: Trường đã có công văn đề nghị Sở GD&ĐT hướng dẫn, nhưng do sát thời điểm thi nên trường phải tạm thu. Tới đây, khi nhà trường quyết toán xong sẽ trả lại cho các học sinh. Hỏi: Có văn bản nào thể hiện trường chỉ quyết định tạm thu hay không? Bà Hằng nói: "Trường chỉ truyền đạt miệng với các giáo viên chủ nhiệm..." (!?).

Cần chấn chỉnh kịp thời

Theo đề án thành lập Trường PT Năng khiếu TDTT thì: “Trường PT Năng khiếu TDTT Nghệ An được thành lập, dành cho những học sinh phổ thông có năng khiếu thể dục - thể thao, nhằm đáp ứng chức năng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu thể dục thể thao của học sinh, trên cơ sở đảm bảo trình độ học vấn phổ thông. Lực lượng học sinh của trường là cơ sở tạo nguồn vận động viên thành tích cao cho tỉnh”. Để đáp ứng yêu cầu này, được biết, ngân sách cho Trường hoạt động trước mắt được cấp khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Theo đề án, năm học 2013-2014 tuyển đầu vào của trường bắt đầu từ học sinh lớp 6 là 60 em, thế nhưng ông Hiệu trưởng cho biết, hiện tại mới tuyển được 31 em (chủ yếu là VĐV của CLB Bóng đá SLNA).

Với những gì được “sang nhượng” lại từ Trường PTDL Hữu Nghị (số giáo viên dạy văn hóa và cơ sở vật chất hiện có)! Để trở thành một trường đào tạo học sinh năng khiếu thể thao như mục đích đề ra, cần phải có một cơ sở vật chất, trang thiết bị với sự đầu tư rất lớn (phòng tập chức năng, sân bãi, bể bơi, nhà thi đấu, nơi ăn ở…), cùng với đó là những giáo viên chuyên ngành về TDTT, mà việc này với điều kiện ngân sách hiện nay của tỉnh dường như đây là một sự… xa xỉ!

Ngay như Trung tâm Đào tạo và huấn luyện TDTT tỉnh (nơi đào tạo, huấn luyện các VĐV thành tích cao của tỉnh) đã ra đời từ rất lâu, nhưng hiện cũng còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và cả về con người. Hiện các VĐV của trung tâm có những bộ môn còn phải tập luyện dưới gầm sân vận động Vinh… Và với 300 VĐV ở 16 bộ môn, vừa luyện tập, vừa đưa VĐV đi thi đấu, cả Trung tâm cũng chỉ có chưa đầy 50 cán bộ, công nhân viên (hiện có 37 định biên); mỗi môn thể thao thành tích cao ở đây cũng mới chỉ có 1-2 HLV; có những VĐV 10 năm liền mang huy chương vàng toàn quốc về cho thể thao Nghệ An đã nhiều lần làm đơn xin được tuyển vào biên chế cũng chưa được… Trong khi đó, theo đề án, dự kiến đội ngũ cán bộ, viên chức của của Trường PT năng khiếu TDTT là 61 người. Trước mắt, giai đoạn 2012-2015 có 38 giáo viên!

Hiện, nhiều hạng mục, nội dung của Trường PT Năng khiếu TDTT đang mới chỉ nằm ở dạng… đề án. Và để hoàn thiện bản đề án này, để Trường PT Năng khiếu TDTT đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, rất cần những con người có đủ tiêu chuẩn theo quy định! Muốn như thế, trong quá trình tuyển dụng cán bộ, giáo viên, công nhân viên, cũng như đầu tư cơ sở vật chất cho Trường PT Năng khiếu TDTT, phải có sự giám sát, tư vấn một cách minh bạch của các ban, ngành chức năng. Với điều kiện trước mắt, chỉ là nơi tập trung các VĐV đang tập luyện tại Trung tâm Đào tạo và huấn luyện TDTT tỉnh và CLB bóng đá SLNA đến học văn hóa, số tiền chi mỗi năm trước mắt khoảng 5 tỷ đồng cần phải được phân bổ hợp lý, công khai, minh bạch.

Sự ra đời của Trường PT Năng khiếu TDTT được một số nhà chuyên môn của Trung tâm Đào tạo và huấn luyện TDTT tỉnh cho rằng: Trường đã ra đời rồi, chúng tôi xin không đề cập đến chuyện nên hay không nên thành lập nữa, chỉ mong có sự phối hợp tốt để cùng nhau phát triển. Còn một HLV (xin được giấu tên) cho rằng: Nếu không khéo rồi sẽ lại giải tán như một số tỉnh, thành phố đã từng làm!

Còn với chúng tôi, sự ra đời của Trường PT Năng khiếu TDTT là một chiến lược “đi tắt đón đầu” với mục đích tốt đẹp của tỉnh. Tuy nhiên, với những gì đã và đang xẩy ra ở đây thì mong muốn tốt đẹp đó sẽ khó trở thành hiện thực, nếu không kịp thời kiểm tra, đánh giá, xử lý và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời sẽ là một sự lãng phí rất lớn về kinh phí, nhân lực và cơ hội phát triển của TDTT Nghệ An.


Hà Giang – Đức Dũng