Được xem là cuộc chiến lâu dài, không dễ có lãi sớm, nhưng số lượng chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng thêm.

Lên kế hoạch đặt chân vào cuối năm nay, thương hiệu GS25 Hàn Quốc đang khiến thị trường “hồi hộp” khi cho biết sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM và hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Đây là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm khoảng 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. 

Cũng không chịu đứng ngoài cuộc đua, thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản là 7-Eleven đã đặt chân vào Việt Nam từ giữa năm nay và hiện đã mở được 7 cửa hàng tại TP HCM. Mục tiêu cho chuỗi cửa hàng này là giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu riêng và hút khách bởi những suất ăn trưa có giá bình dân. Nếu thuận lợi, thương hiệu đến từ Nhật Bản sẽ mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

images2071462_sh_8002_1511773194.jpgLượng cửa hàng tiện lợi đang tăng mạnh.

Bên cạnh các thương hiệu có tên tuổi, mới đây thị trường xuất hiện thêm "làn gió mới" - hệ thống bán hàng tự động Toromart, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam do một Việt kiều Mỹ về Việt Nam đầu tư. Toàn bộ thao tác mua bán đều được thực hiện trực tiếp trên máy tự động, khách hàng chỉ cần quét code QR trên ứng dụng đi kèm để thanh toán sản phẩm, không cần sử dụng tiền mặt.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng quản lý cửa hàng này cho biết, trước mắt cửa hàng bán các sản phẩm nước uống, sữa và snack. Tháng tiếp theo sẽ bán các sản phẩm trái cây, đồ ăn. Ngoài ra, đơn vị này cho biết đã ký kết hợp tác với một hãng mì gói của Việt Nam để bán sản phẩm mì ăn liền. Theo đó, sẽ có hệ thống máy tự pha mì để phục vụ khách hàng. Trước mắt cửa hàng sẽ được triển khai rộng ở TP HCM, sau đó sẽ lan ra TP Vinh. Dự kiến hết 2018 công ty sẽ mở được 200 cửa hàng.

Vào thị trường Việt Nam từ rất sớm, các doanh nghiệp nước ngoài khác như FamilyMart (Nhật), Ministop - công ty con thuộc Tập đoàn AEON (Nhật), Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) cũng đã liên tục mở rộng hệ thống và hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Trong đó, Circle K có tới 250 cửa hàng, Shop & Go có trên 108 cửa hàng...

Trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển mình, chuyển đổi cách kinh doanh, liên tục mở rộng chuỗi, trong đó, mạnh nhất là Vingroup. Sau gần 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống, tới đầu tháng 3, hệ thống VinMart+ có 900 địa điểm trên toàn quốc. Dự kiến đến cuối năm 2017, tổng số cửa hàng đi vào hoạt động sẽ đạt 1.500. Co.op Food của Saigon Co.op cũng đã có hơn 181 cửa hàng bên cạnh 71 cửa hàng Co.opSmile (mô hình cửa hàng tiện lợi mới) và đặt mục tiêu tới cuối năm mỗi hệ thống sẽ có thêm 10 cửa hàng. Riêng với Satra, đơn vị này cũng đặt mục tiêu nâng số cửa hàng lên tới hàng trăm vào thời gian tới.

Nhìn toàn cảnh, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên. Mặc dù rất hiếm hệ thống báo cáo có lãi, nhưng cuộc chiến mở rộng vẫn chưa có điểm dừng. Thậm chí, theo các nhà bán lẻ, mô hình này vẫn còn kém cạnh tranh so với siêu thị và cửa hàng truyền thống do giá bán hàng hóa đắt hơn, ít đa dạng hơn. Thế nhưng, họ cho rằng, đây là xu thế của thị trường, nếu đơn vị nào trụ vững thì sẽ đạt được nhiều "trái ngọt", còn không sẽ phải nhường sân cho đối thủ mạnh hơn.

Lãnh đạo FamilyMart cho biết, mô hình cửa hàng tiện lợi là mô hình đòi hỏi đầu tư lâu dài. Ở thị trường Trung Quốc họ phải mất 17 năm mới có lãi, còn Thái Lan, Hàn Quốc tới 8 năm. Thế nhưng, tại Việt Nam, đây là điểm đến hấp dẫn, chi phí đầu tư chung cũng thấp hơn các nước Đông Nam Á khác. Do vậy, tại thị trường này FamilyMart dự tính đến 2019 sẽ có lãi.

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển thị trường Bán lẻ toàn cầu (GDI) năm 2016, A.T.Kearney xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, tăng 5 bậc so với 2015. Báo cáo còn khẳng định cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam là 2 mảng đang phát triển rất "nóng".

Cũng nhận thấy số lượng của hàng tiện lợi đang phát triển thần tốc, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay "mảnh đất" bán lẻ vẫn còn rộng mở, bởi, nhóm hiện đại mới chỉ chiếm 25% thị phần. Xu hướng tiêu dùng nhanh, tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, họ thích mua sắm ở những nơi gần nhà, thay vì phải đến những siêu thị lớn có khoảng cách xa. Nếu nắm tốt xu hướng này, làm chủ được "sân chơi", nhà bán lẻ sẽ có lợi thế trong đàm phán về giá với nhà sản xuất, đàm phán nợ và cả việc đàm phán mức hoa hồng mà họ muốn. Do vậy, mặc dù đang phải chịu lỗ họ vẫn ra sức mở rộng để chiếm ưu thế. Đặc biệt, với các nhà đầu tư ngoại, họ sẵn sàng dùng lợi nhuận đạt được ở các thị trường khác bù đắp vào khoản đầu tư tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu của A.T.Kearney Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ tuổi dân số rất thích hợp cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, với 57% người dân dưới 35 tuổi. Do vậy, thời gian tới sẽ còn nhiều nhà bán lẻ ngoại tấn công thị trường Việt.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN