(Baonghean) - Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari hôm qua nhấn mạnh rằng, nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể bị đánh bại trước năm 2016. Tuyên bố này đã cho thấy, cuộc chiến chống IS đang thu được những thắng lợi quan trọng khi cường độ các cuộc không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, sự tham gia của Iran và Thổ Nhỹ Kỳ cùng sức chiến đấu của quân đội Chính phủ Syria đang đẩy IS vào thế bị bao vây và suy yếu. Liệu có phải cuộc chiến đã rẽ sang bước ngoặt mới?
Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Iraq al-Jaafari “tự tin” nhấn mạnh thời điểm kết thúc cuộc chiến chống IS như trên. Trước đây, IS đã từng trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của khu vực Trung Đông mà của toàn thế giới, khi mở rộng vùng chiếm đóng ở Iraq và Syria, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của hai quốc gia này. Không chỉ thế, IS còn nhận được sự ủng hộ của các tay súng đến từ phương Tây, lực lượng Taliban ở Pakistan... khiến sức mạnh tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, IS được xem là tổ chức tàn bạo khi đã ra tay tàn sát hàng nghìn người, đưa ra những luật lệ hà khắc đối với ngay cả những người Hồi giáo tại nơi lực lượng này chiếm đóng, nên thường vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. IS đã bị nhiều quốc gia liệt vào danh sách những tổ chức khủng bố nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Thời gian gần đây, cuộc chiến chống IS của các lực lượng quốc tế đang thu được nhiều thắng lợi, đồng thời, những cuộc tấn công của IS đã trở nên yếu ớt hơn rất nhiều so với trước.
Có nhiều nguyên nhân khiến lực lượng IS hiện nay suy yếu đáng kể. Trước tiên bản thân IS đã tự làm suy yếu chính mình, khi không nhận được sự ủng hộ của người dân nơi lực lượng này chiếm đóng. Người Kurd là những người đầu tiên trực tiếp đối diện với mối đe dọa từ IS, họ đã đứng lên kháng cự kiên cường với sự trợ giúp từ bên ngoài. Không ít cuộc tấn công của IS đã bị người Kurd chặn đứng và vùng lãnh thổ tại Iraq của người Kurd vẫn được giữ vững. Ngoài ra, Quân đội Chính phủ Iraq và Quân đội Chính phủ Syria đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, trực tiếp đẩy lui các cuộc tiến công của IS. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của Iran, hay mới đây là Thổ Nhỹ Kỳ đã góp phần làm IS suy yếu thêm. Các cuộc không kích dữ dội của Mỹ và liên quân được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cho IS phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ. Theo tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, các cuộc không kích gần đây của liên quân đã phá hủy nhiều cơ sở dầu mỏ, trung tâm chỉ huy, huấn luyện và hậu cần của IS ở cả Iraq và Syria. Cũng nhờ có hành động của liên quân, IS đang trở nên ngày càng khó khăn hơn trong việc tập trung lực lượng và sức mạnh để di chuyển thành từng đoàn xe và tiến hành các vụ tấn công có phối hợp.
Cuộc chiến chống IS hiện nay đã và đang được mở rộng và đẩy IS vào thế bị kẹp giữa các vòng vây ngày càng siết chặt. Iran mới đây xác nhận đã tiến hành không kích IS, còn Thổ Nhỹ Kỳ dưới sức ép của Mỹ và phương Tây cũng đồng ý tạo điều kiện cho người Kurd và liên quân trong cuộc chiến này. Có thể cuộc chiến đang bước sang giai đoạn mới, khả năng sẽ ác liệt hơn, song những diễn biến gần đây đã cho thấy, IS không còn là mối đe dọa khủng khiếp như cách đây vài tháng. Quân đội Chính phủ Syria vừa chặn đứng được các cuộc tấn công của IS tại căn cứ không quân Deir al-Zor, Quân đội Iraq vừa chủ động thành lập lực lượng đặc biệt gồm 10.000 người chuẩn bị tấn công giành lại tỉnh Mosul. Ngoài ra, liên quân do Mỹ dẫn đầu tiếp tục tăng cường không kích IS, đồng thời những nước ngoài liên quân như Iran cũng tham gia chống IS... Tất cả những yếu tố này đang trở thành những mũi tên sắc nhọn nhằm vào IS. Do đó, có thể nói rằng, cuộc chiến chống IS là cuộc chiến chung của không chỉ các quốc gia khu vực Trung Đông mà đã trở thành cuộc chiến của cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố, yếu tố quan trọng để có thể tiêu diệt hoàn toàn IS và kết thúc sớm cuộc chiến này.
Nguyễn Cao Biền