(Baonghean) - Bên lề các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Thủ đô Lima của Peru, 7 nước Mỹ Latinh đã đưa ra cam kết sẽ phục hồi lại 20 triệu hecta đất bạc màu do chăn nuôi và thâm canh quá mức. Con số này tương đương với 10% lượng đất canh tác ở khu vực Mỹ Latinh.
7 nước bao gồm Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mexico và Peru đã ký một thỏa thuận trong đó ủng hộ các chính sách trồng rừng cũng như phục hồi đất bạc màu. Tuy nhiên, Brazil – đất nước có nền nông nghiệp lớn nhất khu vực lại không tham gia vào thỏa thuận này.
Thỏa thuận này nằm trong Sáng kiến “20x20” do Walter Vergara thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đề xuất. Vergara giải thích: “Mỹ Latinh sẽ không có khả năng cắt giảm lượng khí thải nếu như khu vực này không nhanh chóng giải quyết vấn đề sử dụng lãng phí quá nhiều đất cho sản xuất”. Việc khôi phục 20 triệu hecta đất bạc màu phải được bắt đầu trước năm 2020.
Tại Ecuador, đất nước mà việc bảo vệ thiên nhiên được ghi nhận trong hiến pháp, một chương trình có tên “Socio Bosque” với mục đích hỗ trợ cho những hộ sản xuất nhỏ, những người bảo vệ rừng hoặc nhằm cải thiện điều kiện thổ nhưỡng đã được đưa vào thử nghiệm. Còn ở Guatemala, Chính phủ này lại dùng hình thức khuyến khích tài chính để nâng cao thu nhập cũng như đảm bảo an ninh cho người nông dân.
Tất cả những chính sách phát triển toàn cầu để chống lại nạn phá rừng đều nằm trong khuôn khổ của Chương trình REDD (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng). Đây là một chương trình đã được thông qua tại Hội nghị khí hậu tổ chức tại Warsaw, Ba Lan hồi tháng 12 năm ngoái. Với REDD, các quốc gia sẽ nhận được các khoản hỗ trợ nếu như quản lý tốt độ che phủ của rừng.
Tuy nhiên, đa số các nước thường xem nhẹ vấn đề bảo vệ rừng so với việc phát triển nền nông nghiệp, khai thác khoáng sản và lâm nghiệp. Vì vậy, Walter Vergara hy vọng: “Sáng kiến 20x20 sẽ là bước đầu tiên giúp khôi phục những khu vực đất bạc màu và hướng tới mục tiêu không phá rừng. Điều quan trong là các nước phải nhận ra họ được gì khi làm như vậy. Và chúng tôi sẽ có mặt để nhắc nhở các quốc gia thực hiện các cam kết của mình”.
Chương trình sẽ nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và các tổ chức nghiên cứu lớn như Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT). Ông Elcio Guimaraes, Giám đốc nghiên cứu của CIAT, giải thích: “Đây là một chương trình dài hơi. Có thể sẽ mất 5 năm, 10 năm thậm chí là 15 năm để có thể phục hồi lại hệ sinh thái. Chúng ta phải giúp đỡ cho các chính phủ đưa ra các lựa chọn đúng đắn trong việc thuyết phục người dân rằng, thu nhập của họ phụ thuộc nhiều vào việc bảo vệ môi trường xung quanh họ”. 3 loại dự án sẽ được ưu tiên là: trồng rừng từ chính các loại cây của địa phương; nông lâm kết hợp và giới thiệu lại các phương pháp canh tác bền vững hơn.
Việc hồi phục lại hệ sinh thái không chỉ cần thời gian, mà còn rất tốn kém. Hiện tại, 5 quỹ đầu tư chuyên về việc phát triển các dự án nông nghiệp và phát triển lâm nghiệp bền vững đã đóng góp được 365 triệu USD cho Chương trình 20x20. Tuy nhiên, con số thực tế cần để thực hiện chương trình trên lại lên đến hàng tỷ USD. Trong khi đó, Clement Chenost, quản lý Quỹ Moringa lại cho rằng điều quan trọng là cần phải có sự hỗ trợ của chính phủ đối với Dự án 20x20.
Chu Thanh (Theo LeMonde 8/12)