(Baonghean) - Cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS do Mỹ đứng đầu với hơn 20 nước cùng tham gia. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rchecep Tayyip Erdogan – một trong những đồng minh thân cận và là thành viên của Tổ chức NATO vẫn án binh bất động. Đây là hành động khó hiểu, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy rằng, khi mà mục đích thực sự của việc phát động tấn công chống lại IS còn chưa rõ ràng và còn nhiều bất đồng, thì chắc chắn Recep Tayyip Erdogan vẫn còn nói không là điều dễ…

images1067401_141006_turky_forces_suruc_town.jpgXe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới với Syria. Ảnh Internet
 
 
Khi mới bắt đầu cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS do Mỹ phát động, Washington những tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tiền phương quan trọng để lực lượng đồng minh dùng những căn cứ quân sự phía Nam làm bàn đạp cho các cuộc oanh kích. Nếu điều này xảy ra thì cuộc chiến chống lại IS chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng khi ấy, 49 con tin gồm nhân viên Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul (miền Bắc Iraq) đang nằm trong tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Trong số con tin có tổng lãnh sự và phu nhân. Nhưng ngay cả khi đã giải thoát được các con tin thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thực sự quyết liệt để hợp tác chống IS. Ngay cả trong chuyện giải cứu thành công các con tin ngày 20/9 cũng đã xuất hiện những tuyên bố rất khác nhau khiến giới quan sát không khỏi nghi ngờ.
 
Khi ấy, kênh truyền hình NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không trả tiền chuộc và không có đánh nhau để giải cứu con tin. Trong khi chính phủ của ông Recep Tayyip Erdogan cho rằng, đó là biện pháp nghiệp vụ riêng của họ. Nhưng báo chí Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ quân nổi dậy ôn hòa ở Syria thân cận với Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi 50 tù binh Nhà nước Hồi giáo để lấy các con tin Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng dù là theo phương pháp nào đi nữa, phương Tây vẫn nghĩ rằng sau vụ giải cứu con tin thành công này, Ankara sẽ thay đổi lập trường và sẽ tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS được đánh giá là vô cùng khó khăn. Và quả thực Tổng thống Erdogan đã có những thay đổi vào ngày 23/9 khi Ankara tuyên bố chính thức tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu.
 
Ngày 27/9, Tổng thống Erdogan củng cố niềm tin cho các đồng minh bằng việc đưa ra quan điểm mở không kích chưa đủ để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo mà cần phải điều động bộ binh. Ông nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đưa quân sang Syria. Đến ngày 29/9, chính phủ đã trình Quốc hội dự luật cho phép quân đội tham chiến ở Iraq và Syria. Với sự đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo sẽ hiệu quả hơn, bởi như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là vị trí tiền tiêu trong công cuộc đấu tranh chống khủng bố. Lý do vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí chiến lược ngã ba biên giới giữa châu Âu - Syria - Iraq, cửa ngõ để các phần tử khủng bố di chuyển sang Syria hoạt động. Thế nhưng, những gì xảy ra tiếp theo sau những lời tuyên bố đầy xã giao ấy của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thì ai cũng rõ.
 
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Recep Tayyip Erdogan lại tỏ ra thờ ơ với cuộc chiến chống IS? Để trả lời cho câu hỏi này, không phải dễ, nhưng cũng không hẳn là không có cách lý giải. Thứ nhất, về vấn đề lịch sử, giới thạo tin cho rằng, mục tiêu không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Kobani có lăng mộ của Suleyman Shah - người được cho là quốc phụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn nhớ, năm 2002, trước những lời đe dọa sẽ tấn công ngôi mộ này của một nhóm vũ trang chống Chính phủ Syria, ông Erdogan tuyên bố: Bất kỳ hành động quân sự nào xâm phạm đến khu lăng mộ linh thiêng phải được xem là hành động tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là tấn công vào NATO! Điều này chứng tỏ rằng, trong tâm thức của các nhà lãnh đạo đất nước nằm trên vị trí địa chiến lược quan trọng của Á - Âu, khu vực Kobane là nơi vô cùng linh thiêng nên cần phải giữ gìn.
 
Nếu không cân nhắc mà cứ hành động theo chiến dịch của liên quân, nhiều khả năng IS sẽ phá hủy khu lăng mộ quốc phụ, đây là điều không thể chấp nhận được. Thứ 2, có thông tin cho rằng, chính Thổ Nhĩ Kỳ đã trang bị vũ khí cho IS nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Và giờ nếu chống IS thì sẽ đi ngược lại với chiến lược mà Ankara đã xây dựng. Trong khi đó, Mỹ lại tỏ rõ thái độ muốn lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là phải rõ ràng, phải mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến này và tạm thời dẹp vấn đề Bashas Al-Assat sang một bên. Như thế có nghĩa là quan điểm giữa 2 bên đã có sự khác biệt. Thứ ba là vấn đề trong nước, liệu việc mở cửa biên giới cho người Kurd trong nước sang giúp đỡ người Kurd ở Syria chiến đấu chống lại IS có làm 2 dòng người Kurd thành lập một liên minh đủ mạnh để chống lại chính quyền Ankara? Bởi thực tế, ngay trong đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, những người Kurd luôn có xu hướng ly khai. Ankara lo sợ rằng, việc giúp đỡ này không khéo lại trở thành “gậy ông lại đập lưng ông”.
 
Trên thực địa, kể từ khi IS tiến đánh Kobani, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng đã triển khai lực lượng hùng hậu gồm xe tăng hạng nặng và các đơn vị chiến đấu bộ binh giáp biên giới với Syria. Tuy nhiên, điều này chỉ nhằm mục đích ngăn không để cho IS tràn sang lãnh thổ nước này. Và trong cuộc chiến chống lại IS, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt với liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, thế nên việc trong thời gian tới Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tích cựu hơn để giúp liên minh là điều khó có khả năng xảy ra. Trong khi những cuộc oanh kích ngày càng khốc liệt hơn, nhưng IS vẫn chưa có dấu hiệu chùm bước.
 
Không những thế, tổ chức này còn mở rộng quy mô tấn công ở nhiều vùng khác nhau. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, nếu không có một cuộc chiến trên bộ thì không dễ để xóa sổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng dã man và tàn bạo này. Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết không thể đơn phương chống lại IS trên bộ, nhưng phương Tây thì lại không muốn đưa bộ binh tham chiến. Tóm lại việc thành bại trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng tất nhiên cần phải có sự đồng thuận trong cách thức tổ chức cùng những chiến lược cụ thể, dài hơi hơn. Và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là mắt xích quan trọng nhất bởi vị trí địa chiến lược, nhưng cái khó là Ankara lại đang án binh bất động.
 
Cảnh Nam