Những lý do mà bầu Đức đưa ra để phản đối VFF và ông Trần Anh Tú là hoàn toàn xác đáng. Thứ nhất, hiện tại ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang là "đương kim" Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính (đơn từ chức không được VFF thông qua). Về lý, ông Đức có quyền được biết những kế hoạch của VFF.
Thứ hai, ông Đức được đề cử cho vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính nhiệm kỳ VIII, theo nguyên tắc danh sách các ứng cử viên phải ghi tên ông. VFF không ghi tên ông Đức là làm sai quy trình và không minh bạch.
Thứ ba, với tư cách là ông bầu của CLB HAGL, ông Đức có quyền phản đối việc ông Trần Anh Tú ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Nếu trúng cử (gần như chắc chắn), ông Trần Anh Tú sẽ kiêm nhiệm 4 chức vụ quan trọng khác nhau tại VPF và VFF: Chủ tịch HĐQT VPF, Tổng giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành giải V.League và Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính.
Như vậy, khác nào ông Trần Anh Tú “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chưa kể, hiệu quả công việc sẽ thấp vì ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ.
Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa bầu Đức và những người còn lại ở VFF đã quá rõ ràng. Chẳng vậy mà trong chiến tích vang dội của ĐT U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, người ta thấy bầu Đức trầm lắng đi nhiều, dù ông là người góp công lớn trong việc mang HLV Park Hang Seo sang Việt Nam.
Ông Đức không thưởng tiền như thường lệ và cũng không tham gia buổi lễ vinh danh ĐT U23 Việt Nam. Không giống những vị khác ở VFF, đặc biệt là ông Nguyễn Lân Trung (nguyên Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông).
Vì vậy, hành động vừa qua của VFF chính là “giọt nước làm tràn ly”. Bầu Đức đã không thể im lặng hơn được nữa, mới phản đối một cách quyết liệt như thế. Chưa biết, liệu ông có “từ bỏ bóng đá” hay không?
Nhưng khả năng VFF chịu xuống nước (ông Trần Anh Tú không đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính) là gần như khó xảy ra. Cuộc chiến giữa ông Đức và VFF là không cân sức. Chỉ mình ông “đơn thương, độc mã” đối chọi với cả một ê-kíp, thì khác nào “châu chấu đá xe”./.