(Baonghean) - Thấm thoắt, một năm đã qua đi, trên những nẻo đường tác nghiệp, dù ở đồng bằng hay miền núi cao xứ Nghệ, chúng tôi đều cảm nhận không khí rộn ràng, phấn khởi. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đang ra sức phấn đấu, tạo nên sự tăng tốc, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và mục tiêu đảng bộ cơ sở đã đề ra...
 
images921692_16a.jpgNông dân xã Diễn Nguyên san ruộng sau dồn điền đổi thửa.
 
Xã Diễn Nguyên được chia thành 7 xóm, có 1447 hộ với 7.200 khẩu. Nghề nông vẫn là nghề chính của nông dân vùng này. Khổ nỗi, dù cần cù chăm chỉ nhưng hiệu quả kinh tế mà nghề nông mang lại không cao do ruộng nương manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy mô hàng hóa. Đồng chí Đàm Văn Hiên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) cũng là một lão nông tri điền trăn trở: “Xã chúng tôi có 370 ha lúa nước, mỗi năm làm 2 vụ. Ngày xưa, làm vậy là đủ ăn, thậm chí có dư. Nhưng hiện nay, để làm nông nghiệp theo hướng hàng hóa mà mỗi hộ cứ có dăm bảy mảnh ruộng rứa là không ổn, không theo kịp xu thế. Vào mùa cấy hay thu hoạch đi mượn người làm không ra. Chân ruộng thì bé tý mần răng đưa máy móc cơ giới vào làm thay sức người được. Xây dựng cánh đồng thu nhập cao theo đó cũng khó khăn. Hiệu quả kinh tế thấp một phần cũng vì thế”. 
 
Điều trăn trở của đồng chí lãnh đạo xã Diễn Nguyên cũng là nỗi niềm của nông dân nhiều địa phương. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, nông dân cả tỉnh đón nhận Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền đổi thửa” và “khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp” với tâm trạng phấn chấn vô cùng. Chỉ thị ra đời vừa là kim chỉ nam vừa là động lực tạo nên quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành để thực hiện điều mà nông dân ví von là: “cuộc cách mạng ở nông thôn” này. Sự đúng đắn, kịp thời của Chỉ thị 08 đã tạo nên thay đổi có tính bước ngoặt trên khắp các miền quê trong tỉnh. 
 
Tháng 12, trời mưa dầm, rét buốt nhưng trên khắp các cánh đồng của xã Diễn Nguyên, nông dân vẫn hăng hái ra quân chỉnh trang đồng ruộng, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa cho kịp gieo trồng vào vụ đông - xuân. Tại khu vực ruộng của xóm 2 (Tân Phong), hơn một tuần nay, nhân dân trong xóm họp, tự nguyện chia thành nhiều nhóm lao động, cùng đồng sức, đồng lòng san lại mặt ruộng cho bằng phẳng sau khi thuê máy đắp bờ vùng, bờ thửa, thủy lợi nội đồng theo chương trình dồn điền đổi thửa. Chân tay lấm lem bùn đất, dầm mình trên những cánh đồng bùn ngập ngang đầu gối nhưng khi được hỏi về hiệu quả của chủ trương dồn điền đổi thửa, những phụ nữ nông thôn Tân Phong đồng thanh trả lời: “Mệt trước mắt nhưng lợi lâu dài chú ơi!”. 
 
Gia đình chị Lê Thị Tế ở xóm Tân Phong, có 5 sào ruộng nằm rải rác thành 8 mảnh, mỗi đận vào vụ cấy, vụ thu hoạch đều phải tất tả mượn người làm cho kịp thời vụ. Nhưng nay, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, toàn bộ diện tích của gia đình chỉ còn 2 mảnh lớn được bao quanh bằng bờ vùng, bờ thửa rộng rãi rất tiện lợi cho gieo trồng và thu hoạch. Chị chia sẻ: “Nhà neo người nên trước đây vào vụ thu hoạch vất vả vô cùng. Nhưng dồn điền đổi thửa xong rồi, vụ tới chắc chắn nhà nông chúng tôi nhàn hơn, chăm sóc thuận lợi hơn vì có máy móc thay thế sức người, sức trâu. Trước mắt, có tốn kém hơn một chút song cứ nghĩ về cái lợi lâu dài, ai cũng phấn khởi chung tay thực hiện theo kế hoạch của xã, xóm. Dồn điền đổi thửa thực sự là cuộc cách mạng ở nông thôn”. 
 
Còn tại xóm Tân Ninh (xóm 5), việc dồn điền đổi thửa 5ha ruộng của xóm cũng đã đâu vào đấy với sự đồng lòng, ủng hộ cao của nhân dân. Có được kết quả này là nhờ trong quá trình thực hiện, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy tối đa. Người dân được trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối. “Ngay khi nhận được chủ trương của cấp trên, chi ủy, chi bộ xóm đã bàn bạc, đưa ra kế hoạch dự kiến chia lại ruộng đất. Sau đó, xóm tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân để có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Thống nhất được phương án, Ban Chỉ đạo ruộng đất tiến hành chia tổ khảo sát, đánh giá, phân hạng đất và tính hệ số đất. Chi bộ cũng quán triệt để nhân dân nhận trước, cán bộ, đảng viên nhận sau nên người dân rất ủng hộ” - đồng chí Nguyễn Văn Nam - Phó Bí thư chi bộ, Xóm trưởng xóm Tân Ninh cho biết. 
 
Chỉ thị hợp lòng dân, quá trình thực hiện phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở nên tính đến cuối năm 2013, xã Diễn Nguyên đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn nhận  trung bình 2 mảnh ruộng. Đây cũng là tiền đề để Đảng ủy, chính quyền Diễn Nguyên bắt tay vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng chuyên canh sản xuất cây hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích theo đúng tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. “Đảng ủy xã đang xây dựng đề án sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Chúng tôi phối hợp với Công ty Vĩnh Hòa đưa các giống lúa đảm bảo chất lượng xuất khẩu và giá trị kinh tế cao vào canh tác đại trà trên diện tích của xã. Doanh nghiệp sẽ lo đầu ra cho sản phẩm”, đồng chí Đàm Văn Hiên cho biết.
 
Nhìn rộng hơn ở cấp huyện, qua hai năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Diễn Châu đã đạt được kết quả vượt bậc. Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng TN&MT, Phó ban Thường trực BCĐ dồn điền, đổi thửa huyện Diễn Châu, cho biết: “Tính đến cuối năm 2013, 100% xã trên địa bàn huyện (ngoại trừ Thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Bích không có ruộng) đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đảm bảo các mục tiêu: mỗi hộ sản xuất chỉ còn 1-2 mảnh; đảm bảo thực hiện quy hoạch thủy lợi nội đồng, quy hoạch cánh đồng mẫu, quy hoạch đất chân mạ…đảm bảo đi vào sản xuất trong vụ tới”.
 
Nếu “dồn điền, đổi thửa” đang tạo ra sức bật cho các huyện vùng xuôi có diện tích lúa nước lớn thì tại vùng cao Quế Phong, trong điều kiện đặc thù vùng cao, nông nghiệp cũng đang có những bước đột phá rất đáng kỳ vọng. Chúng tôi đến xã Nậm Nhoóng thăm mô hình dưa nại (mạc tánh) - một giống cây địa phương truyền thống của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao. Bấy lâu nay, bà con các dân tộc Thái, Mông vẫn trồng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch thì thu hoạch nhưng chỉ để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhưng mấy năm gần đây, loại quả này được xem là đặc sản, tìm được đầu ra ổn định. Tại bản, chúng tôi thấy từng đoàn tư thương đứng chờ đầu bản để mua mạc tánh do bà con thu hoạch trên nại về. Anh Hà Văn Thảo - bản Na Hốc 2, xã Nậm Nhoóng, cho biết: “Ngày xưa, chúng tôi trồng xen vào lúa rẫy và dùng trong gia đình. Khoảng 4 năm trở lại đây, tư thương bắt đầu mua tại bản với giá lúc cao nhất khoảng 10.000 đồng/kg. Gia đình tôi trồng khoảng 20a, năm nay thu được khoảng 15 triệu đồng”. 
 
Với hiệu quả kinh tế đó, đầu năm 2013, huyện Quế Phong đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông làm điểm 2ha dưa nại tại bản Na Khích, xã Nậm Nhoóng với 21 hộ tham gia, bước đầu mỗi ha cho thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng. Ông Hoàng Đình Nghĩa - Trưởng Trung tâm Khuyến nông huyện Quế Phong cho biết: “Định hướng sắp tới của huyện là đưa dưa nại vào sản xuất theo quy mô hàng hóa; đăng ký, xây dựng thương hiệu và đưa vào các siêu thị, trung tâm buôn bán ở Thành phố Vinh nhằm nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con”. Không chỉ dưa nại, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 20 của Đảng bộ huyện Quế Phong về tăng cường ứng dụng KH – CN và đổi mới công tác khuyến nông, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Đảng ủy huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ mới, giống mới, lựa chọn một số giống cây, con mang tính đặc thù địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. 
 
Bên cạnh đó, huyện cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình của Chính phủ như 30a, 135… và các dự án của các tổ chức phi chính phủ để tận dụng vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nguồn lực này nhằm thúc đẩy xóa đói giảm nghèo. Kết quả qua 3 năm thực hiện, huyện đã xây dựng được 9 mô hình trồng trọt như: khoai lang Nhật, rau an toàn, lúa chịu lạnh Japonica…8 mô hình chăn nuôi  như: nuôi vịt bầu Quỳ, gà ác, lợn sọc dưa… 7 mô hình cây lâm nghiệp: cây sa nhân, cây bo bo, cây mây nếp… Trong đó, có những mô hình thành công lớn như: mô hình trồng chanh leo được triển khai liên tục trong 3 năm từ 2010 đến 2012 trên địa bàn xã Tri Lễ. Qua đánh giá tổng kết, trừ chi phí bình quân mỗi ha lãi từ 300 - 400 triệu đồng trở lên. Các hộ tham gia mô hình có thu nhập tăng thêm, hộ ít nhất là 20 triệu đồng, hộ thu nhập cao từ 40 -100 triệu đồng như hộ ông Vi Văn Xuân, Vi Văn Nhân, Hà Văn Trung… ở bản Yên Trung, xã Tri Lễ. 
 
Đánh giá về hiệu quả của nghị quyết, đồng chí Kha Văn Tám – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Đối với các huyện vùng cao thì việc xây dựng các mô hình kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn cho người dân phát triển kinh tế. Hơn nửa nhiệm kỳ Đảng bộ huyện vừa qua, Thường trực Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 41,18%, giảm 3,21% so với năm 2012”.
 
Năm cũ qua đi, năm mới lại đến với bao vận hội và thách thức. 2014 là năm bản lề quan trọng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và các cấp. Thành tựu đã đạt được là cơ sở, động lực cho những thành công tiếp theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên con đường đó, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, mang đến niềm tin và kỳ vọng cho sự đổi thay về mọi mặt…
 
Thành Duy