(Baonghean.vn) - Lễ cúng rẫy của người Khơ mú được diễn ra trên nương lúa. Lễ này nhằm để tạ ơn thần linh cai quản nương rẫy, rừng núi, khe suối và cây cối phù hộ cho mùa màng bội thu, người và gia súc khỏe mạnh.
Trước khi làm lễ mừng lúa mới, người Khơ mú ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn có tục cúng rẫy. Người Khơ mú ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) cũng không phải ngoại lệ.
Trước khi mùa gặt bắt đầu, người ta chọn một ngày lành để cúng rẫy. Theo thầy mo Cụt Văn Hường trú bản Chằm Puông – Lượng Minh – Tương Dương thì lễ này khác mừng cơm mới bởi nó giành cho ma rẫy còn lễ mừng cơm mới là giành cho tổ tiên. Một điểm khác biệt nữa, lễ cúng rẫy được tổ chức ngay tại chòi canh rẫy, còn lễ mừng cơm mới làm ở nhà trong cộng đồng làng bản.
Trong lễ cúng rẫy, người Khơ mú ở Bảo Thắng dựng lên 2 giàn cúng ngay cạnh chòi rẫy, trên nương lúa. Trên mỗi chiếc giàn đều trang trí những bông lúa. Ngoài ra có khoảng hơn 10 chiếc vòng, một con ve tất cả đều bện bằng cật nứa. Mâm cúng đặt lên giàn ban đầu gồm váy, áo, vải vóc… dưới chân mỗi chiếc giàn buộc một đôi gà, hai vò rượu cần. Người chủ lễ thường là một thầy mo am hiểu phong tục, thấu đáo các bài cúng và được cho là người có thể liên hệ với ma quỷ, thần linh...
Lễ cúng rẫy cũng rất phổ biến ở cộng đồng Thái Nghệ An nhưng cách tổ chức và mâm cúng mỗi vùng cũng có sự khác biệt.
Một số hình ảnh lễ cúng rẫy của đồng bào Khơ mú (Kỳ Sơn):
Hữu Vi