(Baonghean) - Tuần qua, loạt bài “Xung quanh việc học trẻ em làng Văn Hà” của Khánh Ly - Mỹ Hà đăng trang 1 các ngày 23, 24/9 nhận được số phiếu bình chọn tin, bài hay cao nhất và được Ban biên tập khen thưởng. Sau đây là lời bình của độc giả dành cho bài viết:
 
 
images1052571_phu_huynh_keo_den_ubnd_tinh_phan_doi_sap_nhap_truong_08b009.jpgMột số phụ huỵnh làng Văn Hà đưa con em đến UBND tỉnh phản đối sáp nhập điểm trường lẻ về trường chính.
 
Với mỗi bậc cha mẹ, ông bà “bình thường”, niềm vui nhất đối với họ chắc chắn là sự trưởng thành của con cháu mình. Thế nhưng, có một chuyện “nghịch đạo” đã xảy ra hơn một năm nay, mà đến giờ vẫn tồn tại và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Sở dĩ nói “nghịch đạo”, là bởi đạo lý của không riêng người Việt hay Á Đông mà trên toàn thế giới, việc lo lắng cho con cái học tập luôn là việc quan trọng nhất đối với các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng ở làng Văn Hà, sống giữa thế giới văn minh vẫn không thể suy nghĩ, hành động như những con người bình thường khác. Họ cấm đoán con cái mình không được đi học chỉ vì sự toan tính ích kỷ, có nghĩa họ không muốn cho thế hệ tương lai tiếp cận với tri thức, với sự phát triển bình thường mà lẽ ra những đứa trẻ đó được hưởng. Những đứa trẻ ngây thơ, non nớt đã bị bố mẹ, ông bà biến thành công cụ để hòng gây áp lực với chính quyền nhằm đạt mục đích “không giống ai” của họ. Lẽ thường, khi con cái có điều kiện tốt hơn để phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ, thì người vui nhất phải là các bậc phụ huynh mới đúng, đằng này… Thật không thể hiểu nổi những phụ huynh đó ở làng Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương) đang nghĩ gì? Người dân nơi đây từng tự hào về truyền thống hiếu học với rất nhiều người từng đỗ đạt, thành tài qua sự học, thế mà đến giờ, họ lại quay lưng với sự học của chính con em mình.
 
Chẳng lẽ chỉ vì ích kỷ, toan tính… mà họ nỡ đánh đổi cả một thế hệ tương lai? Không lẽ họ lại thiển cận đến thế, bởi tương tai của con, cháu họ cũng chính là tương lai của họ kia mà?. “Nếu một đứa trẻ lớn lên không có tri thức, sẽ làm những việc theo bản năng và sẽ “vô tình” phạm pháp, còn những đứa trẻ được học hành tử tế sẽ không làm việc đó. Khi đó các bậc phụ huynh ai sẽ vui và hạnh phúc hơn?”. Đây chỉ là một phép so sánh đơn giản để thấy được sự thiếu hiểu biết của những người còn ngăn cản con cháu đi học. Trong khi đó, lý do mà họ đưa ra nghe qua đã thấy nực cười. Đó là trường mới mặc dù hội đủ điều kiện để phát triển hơn, nhưng quá xa, họ không đủ điều kiện tài chính (xăng xe) cũng như thời gian để đưa con cháu mình đến trường. Trong khi, trường chính chỉ cách xa trường lẻ khoảng chừng 2 km, đi xe máy hết độ vài phút; còn tiền xăng ư, chưa đến vài ngàn đồng. Khó khăn là thế, tốn kém là thế đấy! Vậy mà, họ đã phát biểu đầy “trách nhiệm” với con em khi đối thoại với các ngành chức năng: “Người dân Văn Hà sẵn sàng đóng góp tiền để xây cho con em mình những ngôi nhà 2, 3 tầng, mua sắm những bộ máy tính tốt nhất…”. Mâu thuẫn hết chỗ nói!
 
Còn nhớ, ở mùa thi đại học năm ngoái, trên các phương tiện truyền thông đưa hình ảnh một học sinh ở Yên Thành đạp xe ra Thủ đô thi đại học mà trong túi chỉ có 30.000 đồng; hay một ông bố hàng ngày sửa chữa xe đạp kiếm mỗi ngày khoảng vài chục nghìn nuôi con học đại học, đêm ông chỉ dám nghỉ ngơi ở trong… ống cống của một công trình xây dựng bỏ dở; hay cảnh những em bé vùng cao đi học trong điều kiện vô cùng khó khăn như trèo đèo, lội suối với nguy hiểm luôn rình rập… Không biết bậc làm cha mẹ, ông bà ở làng Văn Hà – một vùng bán sơn địa có mọi điều kiện thuận lợi nghĩ gì khi xem những cảnh ấy? Nếu họ là những người “bình thường” dù không rơi được giọt nước mắt thì chí ít cũng là ngậm ngùi, xót xa, để rồi liên hệ đến điều kiện thuận lợi của con em mình đang được hưởng. Thế mà một năm đã trôi qua, bao nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, bao nhiêu cuộc đối thoại vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Tệ hơn nữa là những gia đình hiểu biết cho con đi học thì bị khinh bỉ, bị cho là không “đoàn kết” – cái thứ đoàn kết dở hơi, cực đoan và thiển cận, thậm chí những gia đình đó còn bị phá hoại tài sản. Đúng là hết chỗ nói.
 
Họ đã thiển cận đến mức nghĩ rằng, khi là cha, là mẹ thì họ muốn làm gì thì làm. Họ có biết rằng “việc ép buộc, dùng vũ lực ép buộc trẻ em không được học hành là phạm pháp”? Việc này đã đi quá giới hạn của sự vận động tuyên truyền. Vậy nên, sau mọi nỗ lực của các cấp chính quyền, của các ban, ngành, việc trẻ em làng Văn Hà có được đến trường hay không phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Và tương lai con em họ, phụ thuộc vào chính họ!
 
 
Người Xây dựng