(Baonghean) - Tuần qua, bài “Chết hết” của tác giả Hải Triều đăng ở chuyên mục “Cùng suy ngẫm” báo Nghệ An Cuối tuần ngày 5/10 được đánh giá là bài viết hay, sâu sắc, nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao nhất. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết…
Ở tỉnh ta, nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình được triển khai theo Nghị quyết 30a trên địa bàn các huyện nghèo bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cho thấy nhiều mô hình vẫn còn hạn chế, con giống chết, cây trồng năng suất thấp, chưa thật sự góp phần làm chuyển biến đời sống hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng các mô hình và hỗ trợ sản xuất không thể nhân rộng, chỉ phát triển trong thời gian thực hiện mô hình còn sau đó “chết yểu”. Số mô hình đem lại hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ các mô hình trồng cây, nuôi con không có tính khả thi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để khai thác tiềm năng phát triển cây trồng, vật nuôi ở vùng miền núi một cách bền vững, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải phù hợp điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của đồng bào miền núi. Lỗi ở đây không hoàn toàn do người dân mà phần cốt lõi phụ thuộc vào cơ quan chức năng thực hiện bắt nguồn từ cơ chế áp đặt trong việc hỗ trợ người dân. Nếu cứ áp dụng theo đà này, thì các chương trình, dự án có kéo dài mãi cũng không phát huy tác dụng như mong muốn. Điều này, được gói gọn trong một đoạn văn chừng 100 chữ: “Tiếc cho những mô hình mới manh nha đã vụt tắt. Tiếc cho những cây, con, những khoảnh rừng mà đồng bào mình không muốn nhận, hoặc trả lại cho chính quyền, vì “không có kỹ thuật sản xuất nên... “chết hết”. Tiếc cho những đề án thoát nghèo, đưa khoa học kỹ thuật về với vùng sâu, vùng xa nhưng chỉ mới dừng lại ở chân núi, chưa vượt qua được những tập quán lạc hậu của bà con để đưa ánh sáng về thôn bản… Do đó, chúng ta cần đào sâu nghiên cứu, cái gì thành công nên thử, nếu không thành công, lý do vì đâu, có khắc phục được không, khắc phục hiệu quả có cao không…? Đó là những câu hỏi đặt ra để các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ, từ đó có các biện pháp khắc phục, không thể cứ làm theo phong trào.
Giúp bà con không phải là cõng tủ lạnh vắc xin lên núi, đuổi theo bò đi tiêm mà phải biết bà con cần cái gì và làm như thế nào? Do đó rất đồng tình với tác giả rằng: “Cái ta cần làm là chỉ đường cho họ đến với cái tủ lạnh; tiêm cho cái đói, cái nghèo chết hết”.
Người Xây dựng