(Baonghean.vn) - Triển khai mô hình trường học mới VNEN và công tác xã hội hóa giáo dục là 2 vấn đề nóng tại phiên chất vấn HĐND tỉnh chiều 15/12, và được đông đảo cử tri quan tâm.
» Vấn đề hiệu quả mô hình VNEN 'nóng' thảo luận tổ
» Trường học VNEN ở Nghệ An: Bất cập đủ thứ
» Chủ tịch HĐND tỉnh: 'Đề nghị tạm dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN'
Báo Nghệ An điện tử ghi nhận một số phản ánh, bức xúc của cử tri xoay quanh các nội dung này:
Với chủ trương xã hội hóa, bà Nguyễn Tú Uyên, phụ huynh học sinh trường THCS Hưng Dũng cho biết đa số phụ huynh đều nhất trí, những khoản thu chi của nhà trường về cơ bản đều hợp lý. Nhưng về dạy và học theo mô hình trường học mới (VNEN) thì hầu như không phụ huynh nào của trường đồng ý.
“Thực tế triển khai thí điểm ở một số lớp của các khối thì con cái chúng tôi học theo chương trình mới, nhưng đến khi thi vẫn thi theo truyền thống, nên phụ huynh không yên tâm. Chúng tôi phải cho con đi học thêm ở ngoài để theo kịp chương trình học”, bà Uyên bức xúc.
Bà cũng cho biết: “Quyết định như thế nào thì ở tỉnh và ngành giáo dục, nhưng phụ huynh chúng tôi hầu như phản đối cả, vừa rồi tập thể phụ huynh cũng đã có kiến nghị với nhà trường để ngừng mô hình VNEN”.
Có chung quan điểm, ông Trần Đình Thắng - phụ huynh học sinh trường THCS Hưng Dũng nêu: “Xã hội hóa giáo dục cũng đúng thôi, Nhà nước làm sao bao cấp mãi được. Nhưng theo tôi, mô hình VNEN và cả chủ trương thi trắc nghiệm bộ môn Toán phải bỏ khẩn trương”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Thảo, phụ huynh học sinh lớp 2A trường Tiểu học Thị trấn Dùng, Thanh Chương cho rằng mô hình VNEN có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Tài liệu được biên soạn theo tinh thần đổi mới phương pháp, những nội dung khó trong sách giáo khoa cũ đã được tinh giản, trong từng nội dung bài học có thêm phần ứng dụng vào thực tế để học sinh có thể vận dụng vào cuộc sống là những ưu điểm dễ thấy của VNEN. Tuy nhiên, bà Thảo chỉ rõ các hạn chế của mô hình này, như: bàn ghế chưa phù hợp với việc ngồi học theo nhóm; thiếu sách giáo khoa gây ảnh hưởng đến việc tự học của học sinh; đối với những học sinh tiếp thu chậm thì việc tự học sẽ càng khó khăn…
Cử tri Lô Quang Khương, trú tại thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông cho rằng VNEN phù hợp áp dụng tại địa bàn miền núi song góp ý thêm: “Nhiều cháu nắm tiếng phổ thông còn chưa rõ, trong khi việc dịch tài liệu từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc còn hạn chế, chưa sát. Theo tôi, chương trình học mới này nên tiếp tục được áp dụng, nhưng giáo viên phải được đào tạo bài bản, nâng cao năng lực và đối với miền núi thì nên làm tốt công tác dạy tiếng phổ thông trước cho các cháu”.
Cũng trong chiều nay, theo ghi nhận tại trường THCS Lê Lợi, cả Ban Giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh đều quan tâm theo dõi sát phần giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại nghị trường.
Cử tri Nguyễn Thị Thu Hà, đồng thời là một phụ huynh có con em đang học theo mô hình VNEN đánh giá: “Các ý kiến chất vấn gần như đã phản ánh được những băn khoăn của cử tri, và Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã trả lời, nhưng tất cả vẫn còn mang "màu hồng". Lý thuyết thì tốt rồi, nhưng khi triển khai xuống dưới phải bám sát theo dõi, giám sát việc thực hiện để bổ cứu, chỉnh sửa hợp lý”.
Về phía nhà trường, sau khi theo dõi đầy đủ nội dung giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, thầy Võ Hoàng Ngọc- Hiệu trưởng nhà trường nêu 3 vấn đề chưa được làm rõ liên quan đến việc áp dụng VNEN: “Một là, triển khai thí điểm mà lại đầu tư không thỏa đáng. Hai là, thí điểm phải giao nhiệm vụ và tiến hành trong phạm vi hẹp để rút kinh nghiệm, chứ không phải nhân ra tràn lan. Ba là, năm 2018 khi triển khai đại trà, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính đến chuyện giảm sỹ số học sinh, Bộ Nội vụ phải tính đến chuyện tăng thêm giáo viên và Bộ Tài chính phải tính đến vấn đề tăng quỹ lương để đáp ứng - đây đều là những vấn đề quan trọng, tầm cỡ quốc gia. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, tôi cảm thấy những vấn đề này chưa được sáng tỏ, thỏa mãn cử tri”./.
Nhóm PV