Gần 3 năm trước, chúng tôi được gặp Trung tướng phi công Phạm Phú Thái khi ông về sân bay Dừa (xã Tường Sơn - Anh Sơn) thăm lại chiến trường xưa. Ông kể về một lần xuất kích, do còn thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống nên bị trúng tên lửa của địch và kịp thời nhảy dù xuống địa bàn huyện Thanh Chương. Lúc đầu, bà con nơi đây nhầm tưởng là giặc lái Mỹ nên vô cùng căm giận, mang theo đủ các thứ vũ khí và sẵn sàng “quyết chiến”.

Nhưng khi biết là phi công của QĐND Việt Nam, và có một người bạn học nhận ra, mọi người hết lòng giúp đỡ, cưu mang và bảo vệ. Nhờ đó, ông được trở về với đơn vị, được tiếp tục xuất kích và vùng vẫy trên bầu trời để lập nên những chiến công vang dội, góp phần viết nên huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam.

bna_tr_pham_phu_thai_1_anh_cong_kien8153910_3132018.jpgTrung tướng, phi công Phạm Phú Thái (trái) và Trung tướng, phi công Phạm Tuân trong chuyến thăm lại sân bay Dừa, xã Tường Sơn (Anh Sơn) năm 2015. Ảnh: Công Kiên

Vi trí phi công Phạm Phú Thái nhảy dù và tiếp đất thuộc địa bàn xã Xuân Tường (Thanh Chương). Mới đây, có dịp về Xuân Tường, chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Đình Dũng (xóm 1), là giáo viên về hưu, gia đình ông ngày xưa từng là nơi cưu mang phi công Thái.

Ông Dũng kể: “Khi ấy tôi mới 11 tuổi nhưng vẫn còn nhớ hôm đó cả làng mang theo gậy gộc ùa ra bắt giặc lái. Anh trai tôi là Nguyễn Minh Tuấn nhận ra người nhảy dù là bạn học ở Trường cấp 3 Hùng Vương - Phú Thọ, và đúng lúc ấy lực lượng dân quân, bộ đội cao xạ đến kịp thời nên phi công Phạm Phú Thái không bị đánh. Xác định là phi công của ta, dân quân xã cho lên cáng và khiêng về nhà bố mẹ tôi để cứu chữa, chăm sóc”.

Trung tướng, phi công Phạm Phú Thái (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) bên cụ Lê Thị Nam trong dịp về thăm gia đình ân nhân năm 2008 (ảnh gia đình cung cấp).

Cách đây không lâu, Trung tướng Phạm Phú Thái cùng gia đình và đồng đội (Trung tướng Phạm Tuân, Đại tá Hoàng Biểu) đã về đây thăm lại chiến trường xưa và gia đình ân nhân. Tướng Thái đã có buổi giao lưu, chuyện trò với cán bộ và nhân dân xã Xuân Tường, thăm gia đình ông Nguyễn Đình Dũng.

Đây là lần thứ hai ông về thăm gia đình ân nhân, lần thứ nhất cách đây đã 10 năm, khi ấy cụ bà Lê Thị Nam (mẹ ông Dũng) còn sống, Tướng Thái ôm chầm lấy cụ mà khóc: “Con tìm được về đây thì mẹ đã già mất rồi!”. Lần này ông tặng gia đình cuốn “Lính bay” (tập 1), NXB Hội Nhà văn (2016), là cuốn hồi ký ghi lại những năm tháng chiến đấu và công tác trong quân đội.

Trong “Lính bay”, Trung tướng Phạm Phú Thái đã dành hẳn chương đầu (“Tôi – binh nhất, phi công tiêm kích!”) với dung lượng 25 trang kể lại sự việc nhảy dù xuống địa bàn xã Xuân Tường gần 50 năm về trước. Theo đó, ngày 7/10/1968, biên đội máy bay chiến đấu Mig-21 gồm các phi công: Phạm Thanh Ngân (số 1, đội trưởng), Phạm Phú Thái (số 2) và Đặng Ngọc Ngự (số 3) xuất kích ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào vùng trời Khu 4 ngăn chặn máy bay địch gia tăng ném bom các trọng điểm trên tuyến đường 15.

Trung tướng, phi công Phạm Phú Thái (trái) tặng hồi ký “Lính bay” cho gia đình ông Nguyễn Đình Dũng (ảnh gia đình cung cấp).

Khi qua dãy Đại Huệ, rặng Thung Nưa, số 3 Đặng Ngọc Ngự thông báo: “Phát hiện 2 chiếc phía trước”! Phạm Phú Thái đưa mắt quan sát nhưng chưa thấy gì. Số 3 giọng khẩn cấp: “Nó bắn tên lửa đấy! Cơ động gấp!”. Thấy số 1 lật úp máy bay (động tác cơ động tránh tên lửa địch), phi công Thái vội tăng tốc bám theo.

Vì bị động, chỉ tập trung dõi theo số 1, không bao quát được không gian xung quanh nên số 2 bị trúng tên lửa của địch. Nghe tiếng “Rầm!”, phi công Thái ngất xỉu, mọi động tác tiếp theo để nhảy dù ra khỏi máy bay là phản xạ được tập luyện đã thành thói quen khi gặp nguy hiểm. Vài phút sau tỉnh lại, ông thấy mình đang treo lơ lửng dưới chiếc dù cứu sinh với độ cao hơn 2000m, nghe tiếng súng nổ chíu chít từ mặt đất, phía dưới rất đông người đang chờ sẵn.

Rồi lại ngất xỉu, cú tiếp đất không chủ động khiến ông bị va đập vào sườn đồi. Phi công Thái tỉnh lại khi được bế xốc, xung quanh có các đồng chí bộ đội phòng không, bộ đội địa phương và phía dưới sườn đồi rất đông người cầm đủ các loại vũ khí. Ông lại tiếp tục bi ngất và chợt tỉnh lại khi nghe loáng thoáng có người gọi tên mình: “Thái à! Tao Tuấn đây! Tao học cùng mi ở cấp 3 Hùng Vương đây!”.

Trung tướng, phi công Phạm Phú Thái (hàng đầu, ngồi giữa) trong dịp về thăm gia đình ân nhân năm tháng 3/2018 (ảnh gia đình cung cấp).

Lại ngất xỉu. Tỉnh dậy, người phi công tuổi 19 ấy nhận ra mình đã được cứu sống, được khiêng vào một doanh trại dã chiến, rồi một nhà dân. Và giờ trời đã tối, đang nằm trong một ngôi nhà lá nhỏ, xung quanh có người cầm súng đứng gác và mấy cô gái ngồi cạnh chăm sóc. Toàn thân buốt nhức, không thể tự mình gượng dậy, miệng khát khô, Phạm Phú Thái cất lời xin nước uống và được phục vụ chu đáo, tận tình.

Để đảm bảo an toàn, ban đầu xã chỉ đạo chuyển phi công bị thương về nhà vợ chồng ông Nguyễn Đình Thể - là cơ sở cách mạng hồi cũng là bố mẹ của anh Nguyễn Minh Tuấn (bạn học của Phạm Phú Thái), đến rạng sáng lại được chuyển đến nhà khác. Bà con trong xã tìm đến rất đông để tận mắt chứng kiến phi công Bắc Việt, mang theo cam, bưởi, chuối, trứng gà, có người con đem cả đôi gà tơ đến để bồi dưỡng cho phi công của ta.

Trước tình cảm chân thành của bà con Xuân Tường, người “lính bay” vô cùng xúc động. Bởi trong cảnh bom đạn dội xuống làng tan hoang, lại đúng vào những ngày hè bỏng rát, bà con vẫn tìm và dành dụm những sản vật quý giá ấy cho mình.

Bà con muốn phi công kể chuyện, người “lính bay” cất giọng: “Thưa bà con! Tôi là Phạm Phú Thái, phi công của Phi đội Một, Trung đoàn Không quân Sao Đỏ anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam. Nơi có các anh hùng Trần Hanh, Nguyễn Văn Bảy...”.

Đến chiều, xe của quân chủng vào đón Phạm Phú Thái về Hà Nội và điều trị ở Viện Quân y 108. Trước lúc lên đường, một cô gái Xuân Tường đã trao cho người lính phi công một bức thư kèm theo lời dặn: “Anh đọc để hiểu em, nhớ biên thư cho em nhé!”. Bức thư này, sau mấy chục năm lưu giữ, Trung tướng Phạm Phú Thái tặng lại Bảo tàng Không quân như một bằng chứng đẹp về tình nghĩa quân dân trong những năm chống Mỹ gian khổ, hào hùng.

Câu chuyện ân nghĩa của Trung tướng Phạm Phú Thái với mảnh đất Xuân Tường giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống của những người “lính bay” thời chống Mỹ. Dù tung hoành và lập chiến công trên bầu trời nhưng điểm cất cánh và hạ cánh vẫn là mặt đất. Và chính ân tình nơi mặt đất là động lực giúp họ vượt qua hiểm nguy, vững vàng ý chí chiến đấu trên bầu trời.