(Baonghean.vn) - “Các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc, còn tui thì chỉ trông coi, chăm sóc được tượng đài. Còn sống, còn khỏe thì tui vẫn tiếp tục công việc này” – đó là tâm sự của cụ Nguyễn Hoàng Thường (85 tuổi) – người trông coi tượng đài chiến thắng Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

Ghé thăm tượng đài chiến thắng Truông Bồn, (nơi giáp ranh giữa quốc lộ 15 với đường 38), nếu du khách bắt gặp một cụ ông đội chiếc mũ cối bạc màu, tay cầm chiếc chổi đang quét dọn thì đó là cụ Thường. Cụ đảm nhận công việc bảo vệ, chăm sóc khu tượng đài chiến thắng đã 20 năm. Ngày đó, khi tượng đài chiến thắng được xây dựng cạnh vườn nhà (1997), cụ đã nhận lời với UBND xã Mỹ Sơn làm thêm công việc này.

images1956897_dt1.jpgCụ Nguyễn Hoàng Thường (85 tuổi) trông coi tượng đài chiến thắng Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Ảnh: Huy Thư.

Thời gian qua, bất chấp tuổi tác, mưa nắng, cụ vẫn nhiệt tâm với công việc được giao, cố gắng hết mình để di tích luôn được sạch đẹp, trang nghiêm. Cụ cho biết, ngày thường, vài hôm cụ lại làm vệ sinh khu vực tương đài một lần, chủ yếu là quét dọn, thu gom và đốt lá cây. Do khuôn viên di tích rộng gần 3000 m2, để quét sạch từ trên sân tượng đài xuống hết các bậc lên xuống sát quốc lộ, nhiều khi phải mất cả ngày. Vất vả nhất là mùa lá rụng, những ngày gió bão, lá cây tấp đầy sân di tích, cụ phải thu dọn mấy buổi mới xong.Theo cụ, dù việc nhà có bận bịu, nhưng “khi đã vác dao, cầm chổi đi là phải làm cho xong, cho sạch, đẹp mới về”.

Tuy cao tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh, đi lại hoạt bát, đầu óc minh mẫn, làm việc hăng hái. Nếu du khách tham quan gặp cụ tại di tích, sẽ được nghe “hướng dẫn viên” đặc biệt này, nhiệt tình kể về Truông Bồn những năm kháng chiến chống Mỹ, về sự hi sinh của quân dân ta, của 13 thanh niên xung phong...  Rất nhiều câu chuyện mà cụ kể sẽ giúp du khách hiểu thêm về quá khứ và hiện tại của Truông Bồn.

Hai chục năm qua, tượng đài chiến thắng Truông Bồn là điểm tham quan, tưởng niệm quan trọng của nhân dân cả nước mỗi khi về Đô Lương, cũng chừng ấy năm cụ Thường đã gắn bó với công việc ở đây. Cụ tâm sự: “Trông coi di tích đã đem lại cho tui niềm vui của tuổi già, vừa làm việc nhúc nhắc cho khỏe người, vừa góp phần làm sạch đẹp cho di tích. Hàng ngày được gặp gỡ du khách, được kể chuyện về Truông Bồn cho họ nghe, tui cũng cảm thấy vui rồi”.

Cụ Thường chăm sóc di tích những ngày sau bão số 2. Ảnh: Huy Thư.

Được biết trong 2 cuộc kháng chiến, cụ từng đi dân công hỏa tuyến ở Lào, từng làm cán bộ - đội sản xuất, công an tại địa phương. Vợ chồng cụ có 7 người con, họ đều có gia đình riêng. Tuy cao tuổi, nhưng 2 cụ vẫn tích cực chăn nuôi sản xuất (từng là gia đình sản xuất giỏi cấp huyện), hiện cụ đang nuôi 1 con trâu, 2 con lợn,1 đàn dê (7 con), 1 ao cá, nhiều đàn ong, hàng chục con gà vịt, ngan, ngỗng, ngoài ra còn rất nhiều cây ăn quả. Cụ Thường bộc bạch “Vợ chồng tui đang sống tự lập được chứ chưa phải dựa vào con cháu”.

Nói về công việc bảo vệ di tích mà chồng đang làm, cụ bà Đặng Thị Chí (87 tuổi), chia sẻ: “Từ trước đến nay, trong nhà, vợ con, ai cũng động viên ông ấy chăm lo nhiệm vụ mà mình đã nhận, việc nhà đã có tui. Trông coi di tích không quan trọng chuyện phụ cấp nhiều hay ít mà là làm bằng tâm, làm để lấy phúc cho đời”.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng dường như cụ Thường chưa bao giờ “sẵn sàng” cho một ngày phải dừng lại công việc đang làm. Cụ cho biết: “Các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc, còn tui thì chỉ trông coi, chăm sóc được tượng đài. Còn khỏe, còn đi lại được, thì tui vẫn tiếp tục công việc này”

Anh Nguyễn Phi Ánh – cán bộ văn hóa xã Mỹ Sơn cho biết: “Hai chục năm gắn bó với  tượng đài chiến thắng, ông Nguyễn Hoàng Thường thực sự là một người đã hết lòng với công việc. Nói một cách ngắn gọn, ông đã sống và làm việc bằng tâm, rất đáng ngưỡng mộ.

                                                              Huy Thư

TIN LIÊN QUAN