Nhiều tác động tích cực
Giai đoạn 2019 - 2021, Nghệ An có 39 đơn vị hành chính cấp xã tiến hành sắp xếp còn lại 19 xã, giảm 20 xã. Sau sắp xếp, Nghệ An từ 480 xã còn 460 xã.
Cùng giảm bộ máy hành chính, các địa phương cũng đồng thời sắp xếp, giảm trường học, trạm y tế xã.
Sau hơn 2 năm, bộ máy ở các xã đã được sắp xếp ổn định và vận hành khá hiệu quả và hiệu lực tốt hơn. Thông qua sắp xếp đã tạo ra đợt rà soát, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức tinh và gọn hơn.
Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, cán bộ, công chức có ý thức trách nhiệm, chủ động học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn.
Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quy tụ, tập trung được sức mạnh, chỉ đạo, điều hành rõ nét hơn, nhất là vai trò người đứng đầu.
Đồng chí Trương Minh Cương - Bí thư Huyện ủy Quế Phong khẳng định: “Sau sắp xếp 2 xã Quế Sơn và Mường Nọc cũ thành xã Mường Nọc mới, bộ máy và chất lượng cán bộ, công chức ở đây hoàn chỉnh nhất huyện”. Theo đó, phong trào ở các địa phương diện sắp xếp không những đảm bảo sự ổn định mà có sự phát triển tốt, nhất là chỉ đạo Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua rất thành công.
Bên cạnh đó, địa giới hành chính ở một số cơ sở cũng được sắp xếp hợp lý hơn. Như tại thị trấn Nam Đàn, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khi chưa sáp nhập, thị trấn có quy mô diện tích nhỏ và sau 5 nhiệm kỳ không mở rộng được địa giới hành chính thì qua sắp xếp đã sáp nhập toàn bộ xã Vân Diên và một phần xã Nam Thượng vào để nâng quy mô diện tích, dân số lớn hơn; cùng các tiêu chí khác, tạo cơ sở để thị trấn xây dựng đô thị loại IV trong thời gian tới”.
Một yếu tố tích cực nữa cũng được các cơ sở nhấn mạnh, các địa phương sau khi sáp nhập được bổ sung thêm nguồn lực về tài nguyên đất, rừng cũng như con người để phát triển kinh tế - xã hội một cách thuận lợi hơn.
Như thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, thị trấn có diện tích lúa nước và rừng khá lớn, cùng với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra những định hướng phát triển mới.
Tương tự, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) sau khi được sáp nhập từ 3 xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc đã bổ sung về tiềm lực đất đai, tạo điều kiện để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn gắn với áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời có quy hoạch, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Tthị trấn Nam Đàn được mở rộng không gian đô thị, mở rộng địa bàn phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát triển các làng nghề, thu hút đầu tư...
Riêng chi lương và phụ cấp lương, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã giảm chi hơn 15,5 tỷ đồng và giảm chi hoạt động là 9,6 tỷ đồng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2022 - 2030 sẽ tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
Thực tiễn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thời gian qua đều được các địa phương khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, để việc sắp xếp ở giai đoạn tiếp theo diễn ra thuận lợi, một số ý kiến cho rằng cần rút kinh nghiệm và tập trung giải quyết một số vấn đề đang đặt ra.
Vấn đề tồn tại và bài toán khó giải nhất hiện nay chính là giải quyết cán bộ, công chức dôi dư. Trong 19 đơn vị sáp nhập có 4 xã, thị trấn giữ nguyên số lượng người làm việc (xã Tam Thái, xã Xá Lượng - huyện Tương Dương); xã Tiền Phong, thị trấn Kim Sơn - huyện Quế Phong); còn 15 xã dôi dư 316 người.
Thời gian qua, ở từng địa phương, từng cơ sở đã nỗ lực để sắp xếp, bố trí bằng nhiều hình thức như nghỉ hưu khi đến tuổi, vận động nghỉ theo chế độ 108; luân chuyển, điều động, biệt phái đi xã khác và luân chuyển lên huyện với tổng 120 người; hiện còn dôi dư 196 cán bộ, công chức.
Theo các địa phương Quế Phong, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Nam Đàn phản ánh, hiện các đơn vị đều đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ dôi dư. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, liên quan đến con người, việc chọn ai đi, ai ở cần phải cân nhắc kỹ và rất thật trọng. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ cũng rất vất vả cho cơ sở.
Còn theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Thơm - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, hiện tại ở 5 xã sáp nhập của huyện còn dôi dư 56 cán bộ, công chức. Mặc dù huyện đã tính “hết bài” để giải quyết số dôi dư, song thời hạn đưa ra vào cuối tháng 12/2024, các xã sáp nhập phải đưa số lượng cán bộ, công chức về đúng chuẩn theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang là bài toán khó. Bởi đồng thời với việc sáp nhập đơn vị hành chính, ở cơ sở còn phải thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (mỗi xã giảm 2 cán bộ, công chức), cho nên các xã không thực hiện sáp nhập cũng chịu áp lực để giảm người làm việc và ở cấp huyện cơ bản bố trí đủ theo quy định.
Để giải quyết vấn đề dôi dư hiện nay, đồng thời tạo thuận lợi cho chủ trương sắp xếp ở giai đoạn tiếp theo, nhiều ý kiến cơ sở cho rằng, Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho người thuộc diện dôi dư chuyển sang công việc khác.
Mặt khác, Trung ương cần nghiên cứu để sửa đổi, giảm tuổi nghỉ hưu cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bởi thực tiễn làm việc ở cơ sở trực tiếp với dân có nhiều áp lực, vất vả và nguyện vọng nhiều cán bộ cơ sở cũng muốn được nghỉ hưu sớm.
Bên cạnh chính sách cho cán bộ, một số ý kiến cũng đề xuất Trung ương, tỉnh có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã sáp nhập, đảm bảo có sự khác biệt về đầu tư, tạo động lực cho các đơn vị sáp nhập ở giai đoạn sau.
Bên cạnh đó, ý kiến nhiều cơ sở cũng cho rằng, Trung ương cần nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số phù hợp thực tiễn.
Cụ thể, đối với xã miền núi, vùng cao cần sửa đổi tiêu chuẩn dân số, từ 5.000 người giảm xuống từ 3.000 trở lên (trường hợp có diện tích tự nhiên tăng từ 150% trở lên thì quy mô dân số từ 2.500 người trở lên).
Hay đối với cấp xã, tiêu chuẩn diện tích tự nhiên cần giảm quy mô từ 30 km2 xuống từ 15 km2 trở lên; tiêu chuẩn của thị trấn quy mô từ 14 km2 xuống từ 10 km2 trở lên.
Cùng với đó, cần quy định chiều dài tối đa của đơn vị hành chính, đảm bảo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cũng như việc đi lại của Nhân dân trong thực hiện các dịch vụ. Bởi như xã Thượng Tân Lộc sau sáp nhập do dân cư bố trí dọc dãy núi Thiên Nhẫn nên chiều dài xã khoảng 20 km./.