(Baonghean) - Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) đã được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đạt được những kết quả đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, nổi bật là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống, khảo nghiệm dẫn nhập giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp. Nhiều nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào đời sống sản xuất của bà con nông dân.
 
images1073219_hu_ng_d_n_k__thu_t_tr_ng_n_m_rom_di_n_nguy_n_di_n_ch_u__nh_c_ng_s_ng.jpgHướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu). Ảnh: Công Sáng
 
Kết quả chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất đang ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, thể hiện rõ trong từng lĩnh vực cụ thể. Về cơ cấu sản xuất, trong thời gian qua đã xây dựng thành công nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình cánh đồng thu nhập cao tại huyện Nghi Lộc. Sau khi triển khai thực hiện, đã trở thành mô hình điểm cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm xây dựng cánh đồng giá trị kinh tế cao trong toàn tỉnh. Hay mô hình trồng đậu xanh ĐX14 thay thế cây vừng trên đất lạc xuân, cho thấy giống đậu phù hợp với thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao hơn giống đậu xanh địa phương. Không chỉ nhân rộng những mô hình hiệu quả, ngành Trồng trọt còn triển khai đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Nhiều mô hình khảo nghiệm giống rau mới và đã lựa chọn được một số chủng loại rau phù hợp thị trường Nghệ An, như tạo giống chanh leo, măng tây xanh, su hào tím, củ cải đỏ…
 
Với những tiến bộ KHKT được chuyển giao, nhiều nông dân các địa phương trong tỉnh đã được tiếp cận, tập huấn để áp dụng vào sản xuất như: công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh quy mô gia đình; công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh, sản xuất cây nguyên liệu; bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc ngành đã đi sâu vào nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm khoa học vào sản xuất. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) là đơn vị sản xuất thành công 2 chế phẩm sinh học nông nghiệp gồm: chế phẩm sinh học Compost maker sử dụng trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm Biogreen xử lý dư lượng thuốc BVTV trong đất sản xuất. Hiện tại, trung tâm đã sản xuất hàng chục tấn chế phẩm, hàng nghìn tấn phân bón và có đủ điều kiện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân tại các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương… Riêng sản xuất chế phẩm Biogreen, đã cung cấp cho các mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh sử dụng thử nghiệm. Kết quả đánh giá đã xử lý tồn dư thuốc BVTV trên 95% đối với các mô hình sản xuất, tạo ra vùng sản xuất an toàn và sản phẩm rau an toàn bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
 
Không dừng lại ở đó, việc đẩy mạnh chuyển giao các mô hình ứng dụng nhằm phát triển kinh tế gia đình, trang trại, canh tác đất phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi địa phương trong tỉnh, mang lại những kết quả thiết thực. Nhiều ứng dụng kỹ thuật góp phần tăng diện tích nuôi trồng, có ý nghĩa chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đã có nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ nông dân làm ăn giỏi nhờ việc áp dụng thành công các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo nguồn giống chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao, như mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ tại huyện Quế Phong, mô hình duy trì và phát triển giống bò vàng địa phương, bò Mông tại huyện Kỳ Sơn, hay mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen trên lòng hồ Bản Vẽ, nuôi thương phẩm cá chiên, cá leo, cá diêu hồng... 
 
Những kết quả trên đã góp phần vào quá trình định canh định cư, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế và nâng cao dân trí. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, công tác chuyển giao KH&CN ở tỉnh ta những năm qua cũng còn những hạn chế và bất cập. Nhiều thế mạnh của tỉnh chưa phát triển mạnh; chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chưa tạo được thương hiệu ổn định đối với nông sản chính... Chính những hạn chế này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh.
 
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh cần có sự hỗ trợ đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tiến tới xây dựng bộ giống tiên tiến và sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư cho hoạt động KHCN, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chuyển giao các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững. Có như vậy, quá trình chuyển giao KHCN đến với người nông dân mới thực sự góp phần góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thanh Hoa