Bi kịch xuất khẩu lao động

Ngôi nhà của bà Trần Thị Bình ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh thời điểm này nghi ngút khói hương. Trên bàn thờ, sau gần một năm “lưu lạc” ở xứ người, tên của bà đã được trở về đúng với tên khai sinh chứ không còn mang tên Vương Thị Hoài Thu như trong hồ sơ nữa.

Nhìn di ảnh của mẹ mình, anh Đinh Văn Chính - con trai bà cho biết: Trên ảnh trông mẹ tôi khá trẻ chứ ở ngoài bà nhìn khắc khổ, lam lũ và yếu ớt. Không hiểu vì sao, người như mẹ tôi mà họ vẫn làm hồ sơ cho trẻ đi 20 tuổi rồi cho sang Ả Rập xê út để đi xuất khẩu lao động làm việc được!

Anh Chính cũng cho biết, bà Trần Thị Bình đã qua đời 1 năm - tức là ngày 3/4/2017. Tuy nhiên, trên thực tế phải đến ngày 14/3/2018, thi hài của bà mới chuyển về gia đình và được tổ chức an táng.

bna_ba_cuon_ho_chieu_cua_ba_tran_thi_binh_anh__my_ha4136880_2832018.jpegBa cuốn hộ chiếu của bà Trần Thị Bình. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, vì hoàn cảnh gia đình (bố mẹ ly thân, anh Chính vào ở với bố ở Hà Tĩnh ) nên thời điểm mẹ anh đi xuất khẩu lao động (7/2016), anh không biết thông tin. Cũng trong thời gian này, bố anh phát hiện bị bệnh hiểm nghèo, qua đời. Con anh ốm nặng nên mất vài tháng giữa hai mẹ con không duy trì liên lạc. Anh chỉ biết là mẹ đang đi điều trị bệnh ở Hà Nội qua một cuộc điện thoại được gọi về từ trước Tết.

Sự bất thường chỉ được anh phát hiện khi một lần tình cờ xem lại hồ sơ của mẹ và phát hiện một tấm hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu nhưng lại dán ảnh của bà Trần Thị Bình. Cùng với đó là một tờ giấy ghi tên của Công ty Cổ phần nhân lực Gia Vy (địa chỉ ở số 01, BT2, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội).

Những cuốn hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu nhưng dán ảnh bà Trần Thị Bình. Ảnh: Mỹ Hà

Linh tính có điều không hay, anh trực tiếp gọi điện ra công ty và được biết có một trường hợp lao động của công ty ở Ả rập xê út vừa qua đời mang tên Vương Thị Hoài Thu (hộ khẩu thường trú ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) và hiện không xác minh được địa chỉ, không liên lạc được với người nhà.

Sau đó, anh Chính đã trực tiếp ra công ty, nhận diện hình ảnh của người phụ nữ có tên Vương Thị Hoài Thu và xác định đó chính là mẹ mình.

Sau sự việc này, về phía công ty cũng đã về UBND xã Hưng Lộc và cam kết với gia đình sẽ đưa thi hài bà Trần Thị Bình về Việt Nam. Tuy nhiên, do người mang tên trên hộ chiếu và người ngoài đời là hai thân phận khác nhau nên phải gần trọn một năm sau, thi hài bà Bình mới đưa được về với gia đình.

Cũng trong thời gian này, con trai bà Trần Thị Bình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, yêu cầu phải làm rõ sự việc với nhiều lý do như: Ai là người đứng ra làm hồ sơ giả để đưa bà Bình đi xuất khẩu lao động?

Bên cạnh đó, tại sao bà Bình đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội do mất khả năng lao động bởi bà Bình được cấp giấy xác nhận khuyết tật (mức độ nặng, dạng khuyết tật thần kinh tâm thần) và hưởng trợ cấp khuyết tật (từ ngày 1/9/2013 đến tháng 5/2017) lại vẫn có thể “qua mắt ” các cơ quan chức năng để xuất cảnh thành công?

3 lần làm hộ chiếu dưới tên người khác

Trên thực tế, không phải lần đi Ả rập xê út vào tháng 7/2016 bà Trần Thị Bình mới mang tên Vương Thị Hoài Thu. Trước đó, bà Bình cũng đã từng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia (5/2013), đi Ả rập xê út (8/2015 qua công ty Nam Việt).

Hiện, riêng bà Bình có ba cuốn hộ chiếu: lần 1, hộ chiếu số B7158530 cấp ngày 05/09/2012; lần 2, hộ chiếu cấp đổi số B8653414 cấp ngày 02/01/2014; lần 3 hộ chiếu cấp đổi số B8653414 ngày 25/04/2014 và cả ba lần đều mang tên Vương Thị Hoài Thu.

Con trai của bà Trần Thị Bình trình bày sự việc. Ảnh: Mỹ Hà

Về sự việc này, trong văn bản trả lời các cơ quan chức năng, thượng tá Tô Hữu Trí - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Nghệ An khẳng định: Bà Trần Thị Bình đã trực tiếp đến phòng trình CMND có thông tin Vương Thị Hoài Thu (sinh ngày 29/11/1977) tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc và ký tên Vương Thị Hoài Thu, dán ảnh Trần Thị Bình vào tờ khai và được cấp 3 hộ chiếu.

Thượng tá Trí khẳng định, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu là đúng quy trình vì tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu không cần đóng dấu giáp lai ở ảnh, cán bộ tiếp nhận căn cứ vào ảnh CMND và người trực tiếp đến nạp hồ sơ và tiếp nhận.

Giấy xác nhận khuyết tật của bà Trần Thị Bình khi đang ở Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện nay, bà Trần Thị Bình đã mất nên việc xác nhận các đối tượng liên quan đến việc giúp đỡ bà Bình trong quá trình làm CMND mang tên Vương Thị Hoài Thu có ảnh là Trần Thị Bình, ai là người hoàn thiện thủ tục cho bà Bình gặp rất nhiều khó khăn!

Tuy nhiên, trước sự việc khá phức tạp của vấn đề này, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã yêu cầu các đơn vị phải làm việc với Đại sứ quán Ả rập xê út tại Hà Nội để làm rõ vấn đề xác nhận sức khỏe và kiến nghị xử lý cá nhân, tập thể liên quan.

Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Nghệ An làm rõ việc cấp chứng minh nhân dân, hộ chiếu cho lao động Trần Thị Bình với tên Vương Thị Hoài Thu.

Ngoài ra, Cục cũng sẽ phối hợp với thanh tra Bộ nghiên cứu, xem xét quá trình tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động đi của Công ty Gia Vy và có phương án xử lý nếu đủ căn cứ theo quy định.

Dư luận đang đặt câu hỏi, từ sự việc này, có hay không một đường dây làm giả hồ sơ cho người đi xuất khẩu lao động và còn bao nhiêu nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào tình cảnh oái ăm như thế này?

Liên quan đến sự việc này, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Công ty Cổ phần nhân lực Gia Vy hiện chưa có văn phòng tại Nghệ An. Sở cũng khuyến cáo người dân trước khi đi XKLĐ cần tìm hiểu thông tin kỹ càng và chỉ nên đi qua những đơn vị, doanh nghiệp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu xuống các địa phương.