(Baonghean.vn)- Chiều 26/9, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện các chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

1506421551001.jpgPhó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Cao Thắng, Nghệ An là một tỉnh làm tốt công tác xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm có 12.000 - 13.000 người đi lao động ở nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đưa được 5.753 người đi lao động.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh và lao động tự do. Số tổ chức, đơn vị tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh có phép giao động 50 – 60 đơn vị.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về nước. Hàng năm, Sở đều tổ chức hội nghị tổng kết và định hướng công tác xuất khẩu lao động.

Cũng theo ông Đặng Cao Thắng, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế, đối tượng thụ hưởng ít.

Đơn cử, từ năm 2015 đến nay chỉ có 101 người được hỗ trợ kinh phí đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 128 người được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Hay số lao động được hưởng chính sách theo các Nghị quyết số 274/2009/NQ-HĐND, Nghị quyết 319/2010/NQ-HĐND; Nghị quyết 25/2016/NQ-HĐND chỉ có 278 lao động và 41 doanh nghiệp...

Ông Đặng Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH giải trình làm rõ nhiều ván đề mà đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Minh Chi

Tại cuộc làm việc, thành viên đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đã yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trước thực trạng lao động làm việc ở nước ngoài có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; năng lực lao động yếu kém, một số thành viên đề nghị Sở cần quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng lao động chứ không chỉ chạy theo số lượng.

Cũng liên quan đến các tình trạng mắc tệ nạn, vi phạm pháp luật của người lao động ở nước ngoài, ông Nguyễn Tử Phương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế ràng buộc với lao động làm việc ở nước ngoài...

Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh đánh giá sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở liên quan đến công tác xuất lao động, tạo ra nhiều chuyển biến và kết quả số người đi làm việc ở nước ngoài hàng năm khá lớn, bà Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có việc ban hành văn bản nhiều nhưng văn bản mang tính quản lý nhà nước và hướng dẫn thực hiện chính sách chưa nhiều.

Trên địa bàn chưa có doanh nghiêp uy tín để người lao động tìm đến mà chủ yếu là văn phòng, chi nhánh đại diện hoạt động không ổn định, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Việc giới thiệu doanh nghiêp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh quá nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra của Sở đối với các đơn vị thực hiện tuyển dụng lao động chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hợp đồng ủy thác hoặc qua người môi giới hoặc tuyển dụng chưa đúng theo đơn hàng phê duyệt, người lao động không hưởng đầy đủ quyền lợi theo cam kết ban đầu. Việc thực hiện các cơ chế, chính sách về xuất khẩu lao động còn hạn chế...

Từ những tồn tại đặt ra, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở rà soát các chính sách hiện hành để triển khai, đảm bảo các chính sách đến đúng đối tượng. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi ích của người tham gia xuất khẩu lao động. Đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý xuất khẩu lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời sai phạm các đơn vị tham gia tuyển dụng xuất khảu lao động trên địa bàn.... 

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN