Hành động của “Tổng thống thời chiến”

Khi dịch Covid-19 bắt đầu “chạm” tới Mỹ hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều phát biểu được cho là xem nhẹ tình hình dịch bệnh, bất chấp việc các cơ quan tình báo Mỹ đã gửi cảnh báo về sự nguy hiểm cũng như khả năng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này. Covid-19 không quá nghiêm trọng, Covid-19 không thể đe dọa nước Mỹ - đó là những gì mà mọi người thường nghe thấy trong các bài phát biểu của ông Donald Trump, và điều đó tất nhiên dẫn tới những phản ứng bị đánh giá là quá chậm chạp của chính quyền.

image_3048_2432020.jpgTổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng về tình hình dịch bệnh Covid-19 hôm 22/3. Ảnh: New York Times

Nhưng những gì mà ông Donald Trump đang thể hiện hiện nay đã cho thấy một cách tiếp cận hoàn toàn khác: ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, kêu gọi các tiểu bang thành lập cơ sở y tế và kích hoạt kế hoạch khẩn cấp, tuyên bố cấm toàn bộ các di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày bất chấp việc các đồng minh bên kia Đại Tây Dương “dằn dỗi” vì không được tham vấn trước, điều động 2 tàu bệnh viện USNS Mercy và USNS Comfort của Hải quân Mỹ tới cảng New York và Bờ Tây để hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19, kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng cho phép chính phủ tăng cường sản xuất khẩu trang, mặt nạ chống độc, máy thở và nhiều thiết bị y tế cần thiết khác để đối phó với Covid-19…

Thậm chí, đội ngũ của Tổng thống còn cho thấy khả năng sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống khi dự báo kịch bản dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài tới 18 tháng. Động thái chú ý nhất được cho là bước ngoặt trong việc xây dựng hình ảnh của Tổng thống Donald Trump trong đối phó với dịch bệnh, đó là tự gọi mình là “Tổng thống thời chiến” chống lại “kẻ thù vô hình” là virus SARS-CoV-2.

Ngay sau tuyên bố đó, ông Donald Trump đã có những bước đi còn quyết liệt hơn, khẩn trương hơn để gắn mình với hình ảnh “Tổng thống thời chiến” thực thụ. Ông xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc họp báo để thông báo về tình hình dịch bệnh, kể cả 2 ngày nghỉ cuối tuần Thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua cũng không phải ngoại lệ. Trong đó, ông tuyên bố đã phê duyệt tình trạng thảm họa tại California, Washington và New York, cho phép sử dụng ngân quỹ liên bang để thực hiện các biện pháp bảo vệ khẩn cấp. Đây là những điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 với số người nhiễm và tử vong cao nhất nước Mỹ.

Bên cạnh đó, lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng bắt đầu triển khai hoạt động tại New York, California và Washington để hỗ trợ các bác này ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tổng thống cam kết huy động nguồn lực tối đa tới 3 bang, bao gồm găng tay, khẩu trang và quần áo bảo vệ cho lực lượng y tế, New York được bổ sung 4 trạm y tế với 1.000 giường bệnh, California có 8 trạm  y tế với 2.000 giường bệnh và Washington thêm 4 trạm với 1.000 giường.

Mỹ điều tàu bệnh viện hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Ảnh: MSN


Với việc dồn lực cho những địa bàn “nóng” nhất, Tổng thống Donald Trump đang muốn khẳng định một thông điệp cực kỳ có giá trị trong bất kỳ cuộc chiến nào: sẽ không có người dân Mỹ nào phải chiến đấu với bệnh tật một mình, bởi nước Mỹ sẽ đoàn kết để cùng chiến đấu. Tất nhiên, “nước Mỹ đoàn kết” đó sẽ được dẫn dắt bởi một “Tổng thống thời chiến” như ông.

Bài toán đa ẩn số

Dịch bệnh Covid-19 diễn ra vào đúng thời điểm cuộc bầu cử Mỹ đang bước vào chặng nước rút, khi các ứng cử viên phải dồn lực cho các chiến dịch tranh cử để thu hút cử tri. Và Covid-19 đã làm đảo lộn rất nhiều thứ, khiến các bộ máy tranh cử phải “nháo nhào” ứng phó. Mặc dù trong một cuộc khảo sát gần đây, có 61% số người Mỹ được hỏi cho biết có điều kiện sống tốt hơn so với thời điểm ông Donald Trump nhậm chức. Nhưng đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump vẫn nhận thấy rằng, nền tảng chính trị cho đại diện của Đảng Cộng hòa bước vào cuộc đua cuối với đại diện của đảng Dân chủ vẫn còn thiếu chắc chắn, với các cuộc thăm dò tại một số bang quan trọng như Pennsylvania hay Michigan cho thấy ông xếp sau cả 2 ứng viên Joe Biden và Bernie Sanders.

Bởi vậy, hình ảnh “Tổng thống thời chiến” chắc chắn là một chiến thuật mà Đảng Cộng hòa lựa chọn để có thể tạo bước ngoặt trong cuộc đua này, giống như những gì mà Thư ký báo ký Nhà Trắng Stephanie Grisham mô tả: Tổng thống đã trỗi dậy mạnh mẽ để chống lại cuộc khủng hoảng, với những hành động mang tính lịch sử để bảo vệ sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân Mỹ.

Câu hỏi quan trọng là sự thay đổi hình ảnh này là cơ hội hay thách thức? Đương nhiên đó là cả hai, giống như một ván cược luôn có khả năng thắng và khả năng thua. Ông Donald Trump đã gạt bỏ phong cách mà ông thể hiện lâu nay để đóng vai trò điển hình mà các tổng thống thường làm trong các cuộc khủng hoảng. Hai Tổng thống gần đây nhất đắc cử sau khi ứng phó thành công các cuộc khủng hoảng chính là George Bush sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 và Barack Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giới phân tích cho rằng, vai trò của một “Tổng thống thời chiến” có lợi thế rất tốt là thu hút sự chú ý và tập hợp sự đoàn kết, bởi đa số người dân có tâm lý ủng hộ Tổng thống, hoặc ít nhất là không chỉ trích khi nghĩ rằng đất nước đang trong tình trạng chiến tranh.

Ông Donald Trump tự nhận mình là “Tổng thống thời chiến”. Ảnh: Daily Mail

Theo một cuộc khảo sát do ABC News vừa tiến hành hồi tuần trước, sau những bước đi quyết liệt và khẩn trương, có 55% người dân Mỹ đồng tình với cách ứng phó của ông Donald Trump với dịch Covid-19, tăng đáng kể so với con số 43% ở tuần trước đó. Trong khi Tổng thống Donald Trump đang tận dụng rất tốt lợi thế là sự ủng hộ và đoàn kết của công chúng, ở bên kia chiến tuyến, đảng Dân chủ lại đang gặp khó khăn.

Sau các vòng bầu cử sơ bộ tại những bang chiến trường quan trọng, nhiều người tin rằng ông Bernie Sanders sẽ bỏ cuộc và nhường lại cơ hội đối đầu đương kim Tổng thống Donald Trump cho ông Joe Biden. Nhưng việc các vòng bầu cử tiếp theo bị trì hoãn khiến đội ngũ của ông Bernie Sanders có sự chuẩn bị tốt hơn để quay trở lại chiến đấu, khiến cho vị trí của ông Joe Biden trở nên thiếu chắc chắn. Khi chưa thể có vị trí đề cử chính thức của đảng Dân chủ, ông Joe Biden không có “chính danh” để dẫn dắt các chiến lược ứng phó Covid-19 giống như ông Donald Trump, thậm chí là không thể so được với thẩm quyền của các thống đốc bang như California, Washington, New York - những nơi đã được ban bố tình trạng thảm họa.

Dù vậy, thách thức đối với Tổng thống Donald Trump là ông buộc phải thắng trận chiến với kẻ thù vô hình SARS-CoV- 2, khi mà bài cuộc chiến này có quá nhiều ẩn số. Liệu sự lây lan của Covid-19 có chậm lại trong những tháng mùa hè khi thời tiết ấm hơn, và rồi biến mất sau đó? Liệu các tiểu bang có thể kiểm soát dịch bệnh sau khi được trao thẩm quyền tối đa? Liệu nước Mỹ có thể “làm phẳng đường cong” trên biểu đồ về số người nhiễm Covid-19? Chi phí mà nước Mỹ phải bỏ ra để khống chế dịch bệnh sẽ dừng lại ở con số bao nhiêu? Có quá nhiều ẩn số mà đội ngũ của ông Donald Trump chưa thể giải đáp, và đó chính là điều quyết định tương lai của ông trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 năm nay.