Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, anh Hoàng Văn Xuân, Đội trưởng Đội sản xuất số 2 cho biết: Đội sản xuất số 2 là vùng kinh tế mới thuộc Tổng đội TNXP 5, được thành lập từ ngày 15/03/2002 theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Toàn đội hiện có 60 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu. Hơn 16 năm trôi qua nhưng đến nay đội vẫn chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, trong khi chỉ cách trụ sở Tổng đội TNXP 5 khoảng 10km và cách trung tâm xã Thanh Thủy 15 km.

Chính điều này đã dẫn đến muôn vàn khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt cũng như tăng gia sản xuất của người dân. “Đến mùa vụ thu hoạch hoa màu do không có điện nên đều phải sản xuất thủ công, không có điện các sản phẩm nông sản không thể chế biến và bảo quản lâu, do đó các hộ dân đành phải bán tươi nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao” – anh Xuân chia sẻ.

bna_may_phat_anh_diep_phuong1806885_3082018.jpgTrên sông Rộ chảy qua làng có 15 chiếc tubin được các hộ dân nhà gần bờ sông đặt để phát điện. Ảnh: Diệp Phương

Tận dụng nguồn nước từ sông Rộ chảy qua làng, nhiều hộ dân nhà gần bờ sông đã làm những chiếc máy tuabin mini để phát điện, song để phát được nguồn điện về dùng không hề đơn giản. “Đầu tiên phải xác định được độ dốc phù hợp để đặt tuabin và thường xuyên kiểm tra dòng chảy vì chỉ cần cỏ cây vướng vào cánh quay thì lập tức tuabin ngừng chạy; cũng vì dòng chảy không ổn định nên dòng điện cũng chập chờn theo con nước, mỗi năm những gia đình ở gần sông Rộ may mắn chỉ 3 – 4 tháng có điện, chưa kể sau mỗi đợt mưa lũ, tuabin bị cuốn trôi... – anh Xuân cho biết thêm.

Đi theo con đường bê tông nhỏ đến cuối xóm chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Hằng, vừa phe phẩy chiếc quạt mo cho đứa con nhỏ nằm ngủ giữa sàn nhà, chị Hằng thở dài: “Không có điện khổ lắm cô ạ! Gia đình tôi về đây đã 17 năm mà chưa ngày nào có điện để dùng, những ngày nắng nóng đành dùng quạt tay, nhiều hôm muốn uống miếng nước mát cũng đành chịu vì nếu có tiền mua tủ lạnh cũng không dùng được vì không có điện. Nguồn điện duy nhất của cả nhà dựa vào 2 cái bình ắc quy để thắp sáng ban đêm nhưng phải dùng rất tiết kiệm vì mỗi lần hết điện đi gần 20 km mới có chỗ xạc”.

Không có điện đồng nghĩa với việc không được sử dụng các thiết bị điện. Tivi, quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh,… là những vật dụng hết sức quen thuộc trong sinh hoạt của mọi nhà nhưng đối với 60 hộ dân đang sinh sống ở làng không điện đó là những thứ vô cùng xa xỉ.

Vấn đề điện không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất mà còn ảnh hưởng đến việc học của các con em trong làng khi phải chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Ngoài những giờ học trên lớp, ban đêm khi các bạn được học bài bên bóng đèn, quạt điện, có ánh sáng đầy đủ thì những em nhỏ sống tại Đội sản xuất số 2, Tổng đội TNXP 5 đang tìm kiếm con chữ bên những ngọn đèn dầu hay những bóng led lập lòe, nhiều hôm đành ngậm ngùi bỏ dở bài toán đang giải do bình ắc quy hết điện.

Trong khi đó, hệ thống cột điện, dây điện trong toàn đội sản xuất số 2 đã được hoàn thiện đầy đủ từ nhiều năm nay chỉ chờ đường điện trung thế để nối điện về nhưng chờ hoài đợi mãi vẫn chưa thấy có điện về làng.

Hệ thống cột điện trong toàn Đội sản xuất số 2 đã hoàn thiện từ nhiều năm nay nhưng mãi chưa được đấu nối. Ảnh: Diệp Phương

Hơn 16 năm lập nghiệp tại vùng kinh tế mới, hơn 200 nhân khẩu đang sinh sống tại Đội sản xuất số 2, Tổng đội TNXP 5 vẫn luôn làm tốt công tác bảo vệ rừng, giữ vững vành đai biên giới. Đồng thời, người dân luôn nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế biến vùng đất cằn cỗi, hoang vu trở nên trù phú, xanh tốt. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, lấy cây chè làm cây chủ lực kết hợp trồng các loại cây ăn quả và những trang trại tổng hợp cho thu nhập ổn định. Tuy vậy, đời sống tinh thần của người dân nơi đây chưa một ngày được thoải mái bởi họ vẫn đang phải sống trong cảnh tối tăm, nhu cầu tối thiểu là dùng điện lưới thắp sáng đến nay chưa được đáp ứng. Việc không có hệ thống điện lưới quốc gia đã kìm hãm rất lớn đến sự phát triển những tiềm năng sẵn có của vùng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Đông – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 cho biết: Đội sản xuất số 2 nằm trong hạng mục các công trình cửa khẩu xã Thanh Thủy, dự án điện lưới quốc gia được triển khai từ năm 2012 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 18 tỉ đồng. Nhưng đến thời điểm này, số vốn đầu tư mới chỉ có 5 tỉ đồng nên dự án hiện vẫn dở dang. Tổng đội đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đến đầu năm 2018, đội đã làm văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Chúng tôi rời làng khi màn đêm vừa buông, bóng tối bao trùm, không gian yên ắng, tĩnh mịch đến lạ thường. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy có ánh sáng le lói hắt ra từ một ngôi nhà. “Bao giờ có điện về làng?” vẫn là câu hỏi không lời giải đáp của 60 hộ dân ở đây.