An toàn điện - nỗi lo mùa mưa bão
Những năm qua, tỉnh Nghệ An là tâm điểm gánh chịu nhiều thiên tai bão lũ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành lưới điện.Vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa gây ngập úng, kèm theo giông, lốc, gây ra nhiều sự cố lưới điện như gãy đổ, sụt lún trụ điện, đứt đường dây, cháy chập, cây cối gãy đổ vào đường dây điện, nhà cửa và các công trình công cộng bị ngập sâu trong nước… gây mất an toàn.
Mặc dù những năm gần đây, số vụ tai nạn điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn một số tai nạn điện đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do không chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động, một số người dân còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Điện giật là một tai nạn rất nguy hiểm, không những gây bỏng, tổn thương các cơ quan trong cơ thể mà còn đem lại nhiều biến chứng khó lường và có thể dẫn đến tử vong.
Từ thực trạng trên cho thấy, phòng chống tai nạn về điện, đảm bảo an toàn điện cho khách hàng luôn là nỗi lo thường ngày của ngành Điện nói chung cũng như của Công ty Điện lực Nghệ An nói riêng.
Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn điện luôn là vấn đề bức thiết đối với Công ty Điện lực Nghệ An cũng như khách hàng sử dụng điện, nhất là trong mùa mưa bão - thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn điện.
Chủ động triển khai các phương án
Nhằm đảm bảo an toàn điện, hạn chế các sự cố, ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn về điện có thể xảy ra trong mùa mưa bão, ngay trong quý II/2021, Công ty Điện lực Nghệ An đã triển khai các phương án diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị trực thuộc với nhiều phương thức kết hợp về kỹ thuật, hệ thống thông tin liên lạc và vật tư dự phòng.
Công ty Điện lực Nghệ An yêu cầu trưởng các đơn vị trực thuộc quán triệt không để xảy ra tư tưởng chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống, ứng phó thiên tai. Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng” trong việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư nhằm sẵn sàng ứng phó khi thiên tai, sự cố bất ngờ xảy ra.
Cùng đó, Công ty Điện lực Nghệ An cũng đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí trong Ban Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Công ty làm trưởng đoàn, đồng loạt kiểm tra, xử lý các khiếm khuyết, cũng cố lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, nâng cao độ tin cậy cho khách hàng sử dụng điện. Thực hiện nghiêm kỷ luật vận hành, an toàn lao động. Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt công tác giải phóng hành lang an toàn lưới điện trước mùa mưa bão.
Song song với các phương án kỹ thuật, an toàn trong quản lý vận hành lưới điện thì công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và năng lực phòng, chống tai nạn về điện trong mùa mưa bão cho người dân cũng được Công ty đặc biệt quan tâm. Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu như phối hợp với chính quyền địa phương dùng loa phát thanh phường, xã, loa máy lưu động để tuyên truyền, thiết kế tờ rơi với nội dung cụ thể và nhiều hình ảnh minh họa…
Để kịp thời tư vấn và xử lý nhanh sự cố lưới điện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ tai nạn điện có thể xảy ra, Công ty Điện lực Nghệ An đã yêu cầu các Điện lực trực thuộc truyền thông đến người dân sử dụng điện, khi mưa to, gió lớn, nếu phát hiện thấy các hiện tượng bất thường như: dây tải điện đứt rơi xuống, cây cối ngã đổ vào đường dây điện, trạm điện; móng cột điện bị sạt lở, cột điện bị đổ, sứ vỡ, phóng điện… thì ngăn chặn người và gia súc đến gần, đồng thời báo ngay cho Điện lực địa phương hoặc báo ngay thông tin về đường dây nóng 19006769 của Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Mặt khác, trong tình huống cấp bách phòng, chống cháy nổ về điện người dân liên hệ ngay số điện thoại 114 của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy địa phương để xử lý kịp thời và liên lạc ngay số điện thoại 115 khi cần cấp cứu người bị điện giật.
Trong mùa mưa bão, các sự cố về điện thường gặp nhất là do cây cối, công trình kiến trúc bị gió bão quật đổ vào đường dây, cột điện… ảnh hưởng diện rộng hoặc do rò rỉ điện từ các thiết bị điện không bảo đảm an toàn trong hộ gia đình. Vì vậy, người dân cần lưu ý:
- Phối hợp ngành Điện lực trong việc phát quang, chặt tỉa cây, bảo đảm khoảng cách an toàn của cây cối tới đường dây điện… Ngay cả với những cây trồng ngoài hành lang lưới điện, nhưng có khả năng gãy, đổ vào đường dây, người dân cũng cần chủ động chặt bỏ, tránh sự cố đáng tiếc.
- Trước mùa mưa bão, người dân cần kiểm tra và thực hiện chằng, néo các biển quảng cáo, kiên cố mái tôn, các công trình kiến trúc…, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của thiên tai tới lưới điện.
- Cần lắp thiết bị bảo vệ như cầu chì, áp-tô-mát, thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp hệ thống điện chung của gia đình, và cho từng tầng, từng nhánh rẽ.
- Cần bố trí vị trí lắp đặt ổ cắm điện cao từ 1,4m so nền đất. Đây là mức chiều cao hợp lý để hạn chế nguy cơ ngập nước do mưa, lũ và xa tầm với tay của trẻ em. Với các thiết bị điện thường xuyên tiếp xúc nguồn nước như máy giặt, bình nước nóng…, cần thực hiện nối đất để bảo đảm an toàn.