Vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Sông Lam niên vụ (2013 - 2014) đạt 1.900 ha, trên địa bàn 4 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Thanh chương. Công ty đặt mục tiêu phát triển diện tích mía nguyên liệu đạt 2.200 - 2.500 ha. Vụ ép năm 2017 - 2018 đạt tổng sản lượng 91.166 tấn mía; năm 2018 - 2019 đạt 83.361 tấn và vụ ép năm 2019 - 2020 dự kiến đạt khoảng 65.000 tấn.
Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, năng suất, chất lượng cây mía luôn đạt cao và hiện nay bình quân đạt 58 tấn/ha. Kết quả đó là cả quá trình gắn kết, hợp tác, đầu tư giữa các cấp, ngành liên quan và nhà máy cùng với người trồng mía trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Hàng năm, Công ty đều đầu tư, hỗ trợ vốn trên 20 tỷ đồng cho người trồng mía để có vốn đầu tư vào sản xuất dưới hình thức cho vay giống, phân bón và tiền cày không tính lãi suất. Cùng với đó, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan cung cấp các loại phân bón đặc chủng cho cây mía, như các loại phân bón tổng hợp NPK: 10 - 5 - 10, đồng thời Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ đáp ứng kịp thời cho người trồng mía. Ngoài sự vào cuộc tích cực của cán bộ kỹ thuật, Công ty thường xuyên mời các Trung tâm Khuyến nông, cán bộ nông nghiệp huyện trực tiếp tập huấn, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc, thâm canh trồng mía.
Đặc biệt, những năm qua (từ niên vụ 2016 - 2017; 2017 - 2018; 2018 - 2019) trên vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Sông Lam đầu tư xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ước tính hàng năm lượng mía này thất thoát khoảng 10.000 tấn. Mặc dù đã có sự vào cuộc của chính quyền các cấp song vấn đề này vẫn không giải quyết được.
Và hiện nay chuẩn bị vào vụ ép 2019 - 2020, nhưng đã xuất hiện nhiều tư thương (nhận tiền của doanh nghiệp khác cùng ngành) đi đến các hộ dân đặt cọc tiền để sắp tới tiếp tục thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Lam đầu tư (làm thất thoát một lượng mía lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý, làm vỡ kế hoạch sản xuất và gây tổn thất lớn cho Công ty...).
Cùng với đó, tại một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo điều hành quyết liệt trong công tác thu hoạch, trồng mía - một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp, trước hết là lao động thu hoạch mía. Điển hình là trong vụ ép 2018 - 2019 vừa qua, việc tìm kiếm lao động để thu hoạch mía thật sự rất khó khăn, mặc dù giá thuê nhân công cũng khá cao so với mặt bằng các nghề khác.
Ông Chu Ngọc Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng Công ty quyết tâm trong thời gian tới phát triển diện tích trồng mía từ 2.200 - 2.500 ha và đạt tổng sản lượng 132.000 - 150.000 tấn mía; đảm bảo cho công suất nhà máy hoạt động theo thiết kế 1.500 tấn mía cây/ngày. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, trong đó có công tác quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu mía, chính sách cho vay vốn ưu đãi cho người trồng mía, quan tâm tu bổ, sửa chữa khắc phục giao thông nội đồng, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu vận chuyển mía nguyên liệu; giảm gánh nặng trong công tác vận chuyển cho người trồng mía.