Theo số liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con, đợt nắng hạn vừa qua đã khiến hơn 6 ha bị thiệt hại trên 70%, 42 ha thiệt hại dưới 60%. Đợt mưa lũ vừa qua khiến gần 70 ha mía ngập nước nặng, có nguy cơ thối ngọn. Độ ẩm trong vườn mía đang cao, tạo điều kiện thuận lợi cho rệp xơ bông trắng phát triển, cần phải chủ động phòng trừ kịp thời.
Vì vậy, sau khi hết mưa, công ty chỉ đạo bộ phận cán bộ nông vụ bám đồng, bám ruộng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc mía hợp lý nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng mía nguyên liệu.
Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Hiện nay cùng với bảo dưỡng máy móc dây chuyền sản xuất trong nhà máy, công ty đẩy mạnh công tác chăm sóc vùng mía nguyên liệu.
Theo đó, công ty giao cho các trạm nông vụ bám địa bàn hướng dẫn người trồng mía cách chăm sóc mía sau khi mưa lũ kết thúc. Mỗi cán bộ nông vụ được giao phụ trách từng địa bàn cụ thể, hàng ngày báo cáo tình hình sinh trưởng của cây mía cũng như sâu bệnh trên cây mía, để đề xuất công ty kịp thời xử lý.
Gia đình ông Hoàng Văn Chung ở xóm Vạn Long, xã Giai Xuân có 10 ha mía nguyên liệu, đang trong giai đoạn vươn lóng. Ông Chung cho hay: Cũng như các năm trước, sau khi kết thúc đợt mưa thường rệp xơ bông trắng xuất hiện nhiều nên gia đình chủ động theo dõi phòng trừ ngay từ đầu. Được cán bộ nông vụ cung cấp thuốc BVTV kịp thời, kết hợp có máy phun động cơ nên gia đình chủ động trong phòng trừ rệp.
Anh Nguyễn Công Phú - Trưởng Trạm nguyên liệu số 1, đóng tại xã Giai Xuân cho biết: Trạm hiện có 13 cán bộ nông vụ, phụ trách vùng nguyên liệu mía trên địa bàn 7 xã (Giai Xuân, Tân Hợp, Tân Xuân, Tân Phú, Nghĩa Thái, Nghĩa Đồng và Nghĩa Hợp). Mỗi cán bộ nông vụ được giao phụ trách địa bàn cụ thể.
Theo đó, từ khi làm đất đến thu hoạch, cán bộ nông vụ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và theo dõi tiến độ trồng và chăm sóc mía của từng gia đình. Thời điểm này, mía đạt từ 6 - 8 tháng tuổi, là giai đoạn mía vươn lóng, cần có sự chăm sóc kịp thời, hợp lý để cây mía đạt năng suất cao.
Sau mưa lũ, mỗi cán bộ nông vụ bám ruộng, bám đồng hướng dẫn bà con tháo hết nước trong ruộng mía, phát quang bụi rậm xung quanh ruộng; cùng với đó là hướng dẫn bà con tích cực làm cỏ xới xáo đất, vun gốc mía, cắt bỏ những mầm mía yếu để gốc mía được thoáng đãng. Những ruộng mía bị nhiễm rệp xơ bông trắng, cán bộ nông vụ cung cấp thuốc và bình phun cho bà con phun kịp thời.
Cũng như các năm, năm nay công ty có chính sách cho bà con vay trước mua máy phun thuốc, thuốc BVTV, phân bón, giống…nên bà con đầu tư hợp lý ngay từ đầu, do vậy hầu hết ruộng mía của nhà nào cũng phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sông Con, niên vụ mía này, công ty có chính sách hỗ trợ người trồng mía khâu làm đất, cung ứng kịp thời giống, phân bón. Với diện tích mía lưu gốc, nếu bà con chăm sóc đúng quy trình, sử dụng đúng số lượng phân bón do nhà máy cung ứng, thì được nhà máy hỗ trợ dịch vụ chăm sóc. Công ty cũng cung ứng thuốc BVTV cho bà con phòng trừ sâu bệnh, trước mắt là thuốc diệt rệp xơ bông trắng.
Hiện nay, vùng nguyên liệu mía của công ty trên 6 nghìn ha, trải dài trên các huyện: Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông. Do được thay thế bằng các giống mía mới, nên tình hình bệnh chồi cỏ giảm hẳn. Đặc biệt trên địa bàn nhiều xã của huyện Tân Kỳ đã thực hiện dồn điền, đổi thửa thành những cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện cho bà con nông dân thâm canh mía. Do vậy, năng suất mía ngày được nâng cao.