Chăm sóc mía kịp thời vụ
Vào mùa nắng nóng, lo nhất là những diện tích mía ở vùng cao dễ bị khô héo lá, nhưng năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên cây mía phát triển khá tốt. Ngay sau những đợt mưa vừa qua, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con chỉ đạo đội ngũ nhân viên nguyên liệu tích cực bám địa bàn, hướng dẫn bà con chăm sóc, bằng cách bón thúc phân NPK của công ty sản xuất, làm cỏ, vun gốc; những thửa mía nào vươn lóng, tiến hành bóc bẹ, kiểm tra sâu bệnh.
Thông thường sau mỗi đợt mưa, trên cây mía hay xuất hiện rệp xơ bông trắng; hiện nay trên một số diện tích mía đã xuất hiện sâu đục thân. Để kịp thời phòng sâu bệnh cho cây mía, nhân viên nguyên liệu khi phát hiện ruộng mía nào có sâu bệnh, lập tức thông báo cho chủ hộ để tổ chức phòng trừ sớm.  
bna_a12645933_972021.jpgBà con nông dân xã Giai Xuân (Tân Kỳ) chăm sóc mía nguyên liệu. Ảnh: Xuân Hoàng

Gia đình ông Nguyễn Hữu Long ở xóm 10, xã Nghĩa Đồng trồng 5 ha mía nguyên liệu. Ông Long cho hay, theo khuyến cáo của cán bộ nông vụ, ngay sau những đợt mưa, gia đình sử dụng máy cày xả gốc, bón đủ phân NPK do công ty cung ứng, khuyến cáo, sau đó vun cao luống để cây mía phát triển nhanh, đồng thời giữ cho mía ít bị đổ khi có gió mạnh. “Bây giờ trồng mía là phải áp dụng giống mía mới, đồng thời thâm canh mạnh để tăng năng suất thì người trồng mía mới có lãi, nếu không năng suất đạt thấp dẫn đến thu nhập không đủ chi phí” – ông Long bộc bạch.

Anh Nguyễn Công Thực, nhân viên nguyên liệu cho biết, được công ty giao phụ trách tại 4 xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình, nên công việc hàng ngày khá vất vả, nhất là sau những đợt mưa. Đó là kiểm tra kỹ từng thửa mía về sâu bệnh, tình hình phát triển của mía… Nếu phát hiện thửa mía nào có dấu hiệu của sâu bệnh, hoặc phát triển kém, nhiều cỏ, lập tức liên hệ ngay với chủ hộ có kế hoạch chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
“Nhân viên nguyên liệu là công việc thầm lặng thường ngày trên đồng ruộng, nếu lơ là, thiếu trách nhiệm, sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía, khiến người trồng mía giảm thu nhập, giảm sản lượng mía cho nhà máy. Xác định được như vậy, bản thân tôi luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, ngày nào cũng có mặt trên ruộng để nắm tình hình một cách cụ thể” – anh Nguyễn Công Thực chia sẻ.
Rệp lưng trắng là đối tượng sâu bệnh cần quan tâm đối với người trồng mía trong thời điểm này. Ảnh: Xuân Hoàng


Từ đầu năm đến nay, giá đường trên thị trường đang ổn định ở chiều hướng tăng giá, vì thế, mía nguyên liệu năm nay dự báo sẽ tăng giá hơn các năm trước. Do vậy, người trồng mía cần tập trung chăm sóc mía đúng quy trình để đạt năng suất cao, nhằm mang lại lợi nhuận vào kỳ thu hoạch. 

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con

Nhân rộng mô hình mới
Những năm gần đây, vùng nguyên liệu mía có chiều hướng giảm do nhiều diện tích mía phế canh, người dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Để khắc phục tình trạng này, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định vùng mía nguyên liệu. Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu mía tập trung bằng việc dồn điền, tích tụ ruộng đất, thâm canh tăng năng suất mía, xây dựng mô hình trồng giống mía mới đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên, được áp dụng hoàn toàn bằng cơ giới.
Vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hiện duy trì với tổng diện tích trên 5.500 ha, tại 6 huyện: Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn và Thanh Chương, trong đó, huyện Tân Kỳ là trọng điểm với gần 4.000 ha. Cây mía đã gắn bó với người dân trong vùng nguyên liệu hàng chục năm qua, nhiều hộ dân thoát được đói nghèo nhờ cây mía.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực chất thì người trồng mía chưa khá giả, bởi năng suất, chất lượng mía chưa cao. Trung bình 1 ha mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con mới đạt chưa tới 60 tấn/ha, giá trị kinh tế chỉ đạt chưa tới 50 triệu đồng, đến vụ thu hoạch, trừ mọi chi phí, người trồng mía chỉ lãi khoảng một nửa.
Chính vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu là chủ trương mang tính chiến lược của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con. Để đạt được mục tiêu đó, những năm gần đây, Công ty đã thực hiện nhiều mô hình thâm canh mía năng suất cao, áp dụng cơ giới hóa 100%, bằng giống mía mới. 
Mô hình trồng giống mía mới, năng suất cao trên địa bàn xã Nghĩa Đồng. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Nguyễn Sỹ Hải – Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết thêm: Ngoài 17 ha đất nông nghiệp của người dân xã Nghĩa Đồng trước đây trồng các loại cây ngắn ngày kém hiệu quả, để thực hiện mô hình trồng thâm canh mía, bằng giống mía mới LK 9211. Là mô hình liền vùng, liền thửa, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc… đến thu hoạch và đầu tư hợp lý, nên năng suất bình quân đạt 95 tấn/ha. Bước sang niên vụ 2021 – 2022 này, toàn bộ diện tích mía của mô hình trước được lưu gốc, do được đầu tư chăm sóc kịp thời, hợp lý, mầm mía phát triển mạnh, dự kiến niên vụ này năng suất nâng lên 120 tấn/ha.

Một điểm mới là, năm nay công ty còn thực hiện nhiều mô hình mới, với diện tích 150 ha ở các huyện Tân Kỳ, Nam Đàn, Thanh Chương và Anh Sơn. Với hình thức, công ty đứng ra thuê đất, sau đó giao cho các hộ dân có đủ điều kiện nhận trồng mía nguyên liệu. Toàn bộ các mô hình mới này đều được trồng giống mía mới LK9211, KK3… và áp dụng thâm canh mía bằng cơ giới hóa, bón phân, chăm sóc theo khuyến cáo của công ty. Đây là hình thức thực hiện mô hình mới, nhằm khai thác tiềm năng đất ở các địa phương và tạo điều kiện cho người dân tham gia liên kết sản xuất.         

Rệp xơ bông trắng là một dịch hại khá phổ biến ở khắp các vùng chuyên canh cây mía nguyên liệu, nhất là vào thời kỳ cây mía đang vươn lóng, sau những đợt mưa. Chúng gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con rệp non đều tập trung ở mặt dưới của lá mía để chích hút dịch lá. Nếu nặng sẽ làm cây mía còi cọc, chậm lớn, không những làm giảm năng suất mà còn giảm hàm lượng đường.