(Baonghean) - Hàng chục năm qua hệ thống kênh tiêu Vách Bắc và kênh N18 (đoạn đi qua xã Đô Thành - Yên Thành) bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm hành lang công trình, làm ảnh hưởng lớn đến việc tưới, ngăn chặn dòng chảy, rác xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Điều nguy hại là mặc dù đã được cảnh báo nhưng tình trạng tái lấn chiếm vẫn tiếp diễn, người dân tiếp tục xây dựng nhà cửa, các công trình kiên cố lên thân đê, chiếm dụng lòng kênh Vách Bắc.
Chúng tôi tìm về xã Đô Thành - (Yên Thành) - “điểm nóng” về tình trạng xâm phạm thủy lợi. Dọc hai bên bờ kênh tiêu Vách Bắc nhà cao tầng mọc lên san sát, mặt tiền của nhà là thân đê, còn lại phía sau đều cơi nới lấn ra sông. Đô Thành là xã “xuất khẩu lao động” kinh tế khá giả nên hầu hết các hộ dân đều làm những căn nhà cao tầng trái phép chiếm dụng lòng kênh. Cá biệt căn biệt thự của ông Hoàng Thịnh theo nhiều người dân cho biết có giá từ 7-8 tỷ đồng cũng nằm ngay trên hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc, sát bên là công trình cầu bắc qua kênh. Phía bên kia dòng kênh là nhà của ông Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành cũng lấn chiếm lòng sông.
Dọc bờ đê có khoảng trên 10 nhà cao tầng vừa xây mới xong, trong đó có những căn nhà đang hoàn thiện và tiếp tục có nhiều nhà khác đang đổ trụ bê tông từ lòng kênh để dựng nhà. Đặc biệt nhiều đoạn đê trống được người dân địa phương đóng hàng loạt cọc bê tông để tranh giành đất. Bên cạnh đó người dân còn chiếm dụng kênh tưới N18, chủ yếu là tự ý kè, cơi nới làm chỗ đậu xe khách, xe tải, chỗ rửa xe, hàng quán … “Nhà xe” Hoàng Anh tự lấn chiếm đổ bê tông “bóp” bờ kênh hẹp lại, khiến dòng chảy chỉ còn hơn 2,5 mét, chiều dài lấn chiếm trên 10 mét. Dọc khắp dòng kênh Vách Bắc và kênh N18 người dân thải rác vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Khi đề cập tại sao là cán bộ xã nhưng vẫn xây căn nhà cao tầng lấn chiếm hành lang thủy lợi Vách Bắc, ông Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch UBND Đô Thành lấp lửng: Miếng đất đó là tôi mua giúp cho anh bạn cọc chèo trong năm 1993. Tôi vẫn còn giấy xác nhận “cấp đất xây dựng lều quán kinh doanh” của UBND xã Đô Thành cấp từ năm 1993. Ông Hương cho biết thêm: Tình trạng lấn chiếm đất xây dựng công trình thủy lợi đang ngày càng diễn ra phức tạp, xã đã phối hợp với UBND huyện tuyên truyền vận động, thông báo văn bản đề nghị cấm xây dựng nhà nhưng xem ra rất khó. Một số hộ dân xã đã ngăn cấm nhưng cố tình xây dựng mới. Điển hình như hộ ông Quy, sau khi xã phát hiện ngăn cản, tuy nhiên ngay trong đêm ông Quy đã cho đúc cột bê tông để xây dựng căn nhà trên 80m2. Đô Thành đã từng đề xuất 3 phương án. Một là, cho giải tỏa toàn bộ số hộ đang lấn chiếm trên hành lang thủy lợi, tái định cư cho bà con. Hai là, giữ nguyên hiện trạng không cho phát sinh xây dựng mới nhưng phải trả lại tiền thuê đất trước đây cho bà con. Ba là, xây dựng kè tại khu vực lấn chiếm trong phạm vi đã xác định cốt từ 3,42% độ thoát lũ. Tuy nhiên, cả 3 phương án trên đều chưa thực hiện được.
Tìm hiểu được biết mảnh đất của ông Phó Chủ tich UBND xã Đô Thành xây lấn chiếm có Quyết định “cấp đất xây dựng lều quán kinh doanh” do ông Chủ tịch Phan Quốc Thảo ký ngày 1/8/1993, trong quyết định nêu “được xây dựng nhà vĩnh cửu, được bồi thường thiệt hại khi có công trình của xã đi qua”. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với một số hộ dân xây dựng nhà mới, hầu hết họ đều lợi dụng là có giấy tờ của xã cấp trước đây nên cứ thế cố tình làm nhà trái phép. Ông Võ Thiện vừa làm căn nhà cao tầng rộng 6 mét, chiều dài 15 mét cho biết: Đất của chúng tôi không có bìa đỏ nhưng có giấy tờ cho cấp đất kinh doanh từ năm 1993 nên chúng tôi làm nhà thôi!?
Ông Nguyễn Trung Lương - Phó Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi đầu mối cho biết: Hệ thống tiêu lũ Vách Bắc được xây dựng từ những năm 1980, dài trên 20 km, chảy ra Lạch Vạn –Diễn Châu. Làm nhiệm vụ thoát lũ cho vùng 8 xã Tây Bắc Yên Thành và trên 250 km2 (12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Diễn Châu, Yên Thành), công trình này đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, theo thiết kế chiều rộng kênh Vách Bắc là 90m, hiện tại đoạn qua xã Đô Thành bị lấn mỗi bên 15-20 mét nên lòng kênh chỉ còn khoảng từ 50-60m. Vào mùa mưa thường xuyên bị ách tắc dòng chảy gây ngập úng cho một số khu dân cư. Bên cạnh đó là dòng kênh tưới N18 do bị lấn chiếm dòng chảy nên việc vận hành tưới tiêu cho trên 1.000 ha lúa của các xã Đô Thành (Yên Thành), Diễn Tháp, Diễn Kỷ, Diễn Hồng – Diễn Châu rất khó khăn.
Ông Nguyễn Trung Lương nói thêm: Nhiều năm liền Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc đã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, lập biên bản vi phạm, thông báo cho địa phương tình hình vi phạm nhưng kết quả đạt rất thấp. Tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, như ông Võ Văn Cành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đô Thành trú tại xóm Gia Mỹ đã đổ đất lấn chiếm công trình, Nguyễn Xuân Trung, giáo viên Trường THCS Đô Thành thuê người ban đêm xây dựng ky ốt có diện tích hơn 12m2… Đến thời điểm này đoạn đi qua xã Đô Thành đã có gần 200 hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép.
Được biết, trước tình trạng trên, huyện Yên Thành đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các hộ vi phạm, tuy nhiên rất khó khăn. Biện pháp hiện nay là cố gắng giữ nguyên hiện trạng để dân không tái diễn xây dựng mới. Do vượt quá thẩm quyền của huyện nên UBND huyện Yên Thành đã có thông báo vấn đề này lên Chủ tịch UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
Có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm công trình thủy lợi xây dựng công trình nhà cửa trái phép là do UBND xã Đô Thành đã buông lỏng trong quản lý, trực tiếp bán đất cho dân trái phép, vô tình “tiếp tay” cho người dân xây dựng nhà trái pháp luật. Ðể ngăn chặn tình trạng xâm phạm công trình Thủy lợi Vách Bắc và kênh tưới N18, các cấp, các ngành liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân để xảy ra tình trạng nói trên, từ đó có hình thức xử lý nghiêm minh. Bên cạnh tuyên truyền về bảo vệ công trình thủy lợi, cần xử lý nghiêm các đối tượng cố tình tái diễn xây dựng mới nhà. Rà soát, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vi phạm để tìm ra phương án giải quyết giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi đúng theo quy định của pháp luật.
Điều 34, Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001 PL/UBTVQH ngày 4/4/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Người nào lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, không tuân theo sự huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi công trình xảy ra sự cố; phá hoại hoặc gây mất an toàn công trình thuỷ lợi hoặc vi phạm các vi phạm khác của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Vương Trần