(Baonghean) - Kênh Bắc là một trong những hệ thống thoát nước quan trọng của Thành phố Vinh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, lòng kênh bị thu hẹp dần, đặc biệt một số đoạn bị người dân lấn chiếm xây dựng công trình, đổ phế thải, rác thải xuống lòng kênh làm tắc ngẽn dòng chảy. Vì vậy, không những môi trường bị ô nhiễm, mà  nhiều khu dân cư phải hứng chịu cảnh ngập úng dài ngày mỗi khi có mưa lớn… Việc nâng cấp, cải tạo kênh Bắc đồng bộ, có quy mô lớn là yêu cầu bức thiết đối với Thành phố Vinh.
 
images950984_kenhbac.jpgThi công dự án nâng cấp, cải tạo kênh Bắc (TP. Vinh).
 
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, hệ thống kênh Bắc được Nhà nước đào đắp với tổng chiều dài 4,5 km, kéo dài từ Quốc lộ 1A (phường Quán Bàu) xuống cánh đồng trũng của xã Hưng Hòa nối liền với sông Rào Rừng, rồi đổ ra sông Lam. Có thể thấy rằng, kênh Bắc là công trình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiêu nước cho địa bàn các phường Quán Bàu, Hưng Bình, Hà Huy Tập, Hưng Dũng, Hưng Lộc và một phần của Hưng Đông... 
 
Thế nhưng, kênh Bắc nay đang dần trở thành dòng “kênh chết”. Ông Nguyễn Hồng Phong ở TP. Vinh kể lại: “Trước đây gia đình tôi ở sát kênh Bắc nên không thể chịu được mùi thối nồng nặc bốc từ kênh này, đành phải chuyển nhà ở đến nơi khác. Do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành liên quan, nên không những người dân trong khu vực này, mà còn các phường, xã khác cũng xem đây là nơi thích hợp để đổ rác. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm liền khiến nhiều đoạn kênh bị tắc nghẽn, bồi lấp và nước thải bị tù đọng gây ô nhiễm môi trường. Vào những lúc thay đổi thời tiết, không chỉ có mùi hôi thối, mà còn xuất hiện rất nhiều ruồi, muỗi...” 
 
Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã rất tích cực trong việc vận động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành và nỗ lực của địa phương, bài toán cho việc nâng cấp, cải tạo kênh Bắc đã tìm được lời giải và khởi động cho sự kiện quan trọng này là ngày 25/10/2011, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 4522/QĐ.UBND-CN về việc phê duyệt Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu Dự án Thành phố Vinh, từ vốn vay của Ngân hàng thế giới – WB và vốn đối ứng.
 
Sau khi dự án được phê duyệt, Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã được ký kết vào tháng 1/2012. Dự án phát triển các đô thị loại vừa – Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh triển khai trong 5 năm và có tổng mức đầu tư là gần 153 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới - WB là 98 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án có 4 hợp phần và dự án nâng cấp, cải tạo kênh Bắc thuộc Hợp phần 2 - Cải thiện môi trường (nâng cấp và cải tạo kênh Bắc, xây dựng hồ điều hòa).
 
Theo thiết kế, việc nâng cấp và cải tạo kênh Bắc bao gồm 3 đoạn: Đoạn 1, từ đường Mai Hắc Đế đến cầu kênh Bắc, có chiều dài khoảng 1.240m, chiều rộng trung bình 12 – 15 m đi qua khu vực dân cư Hà Huy Tập và đoạn này kết cấu dạng cống hộp bê tông cốt thép toàn khối, phía trên cống hộp là vườn hoa đường dạo bộ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đoạn 2, từ cầu kênh Bắc đến cầu Bưu điện, có chiều dài khoảng 2.060m, chiều rộng trung bình 18 m và chỗ rộng nhất hơn 30m, đoạn này giữ nguyên kênh hở, nạo vét và kè hai bên bờ kênh, xây dựng vỉa hè bờ Nam giáp đường Nguyễn Sỹ Sách, đồng thời xây dựng mới 4 cầu kênh.
 
Đoạn 3, từ cầu Bưu điện đến hồ điều hòa, có chiều dài khoảng 1.405m, đoạn này chọn phương án kè kênh thẳng đứng kết hợp mái dốc taluy bằng đá hộc, dọc 2 bên bờ kênh được được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị. Dọc hai bên bờ kênh Bắc có hệ thống thu gom và tách nước thải từ các hộ dân dẫn vào hệ thống cống bao, đưa về trạm bơm nước thải cuối kênh và sau đó được bơm về hệ thống thoát nước thải chung của thành phố. Để tạo cảnh quan, điều tiết mực nước và điều hòa khí hậu cho khu vực này, ở cuối kênh có xây dựng hồ điều hòa với diện tích 53 ha, dung tích điều hòa là 700.000 m3
 
Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu Dự án Thành phố Vinh là một trong những dự án lớn tại Nghệ An, trong đó Hợp phần 2 - Cải thiện môi trường (nâng cấp và cải tạo kênh Bắc, xây dựng hồ điều hòa) được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Tiểu Dự án, Thành phố Vinh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn đối ứng của địa phương. Theo cơ chế tài chính, ngoài nguồn vốn của WB (98 triệu USD), thì nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là gần 55 triệu USD và được cơ cấu theo tỷ lệ nguồn vốn ngân sách của Trung ương 30% và địa phương là 70%.
 
Sở dĩ tỷ lệ cơ cấu vốn đối ứng của địa phương lớn như vậy là vì khi dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư vào thời điểm TP Vinh có nguồn thu ngân sách rất lớn từ việc khai thác quỹ đất, nên có thể đáp ứng được yêu cầu này, nhưng đến khi thực hiện dự án, nhất là Hợp phần 2 nâng cấp và cải tạo kênh Bắc (khởi công xây dựng ngày 19/6/2013) đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản “đóng băng” và nguồn thu ngân sách của TP Vinh trở nên rất khó khăn. Chỉ tính trong năm 2013, nguồn vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 400 tỷ đồng (gồm TƯ và địa phương) để triển khai công tác GPMB, xây dựng các điểm tái định cư của 4 hợp phần Tiểu dự án Thành phố Vinh.
 
Rõ ràng, trong điều kiện khó khăn của địa phương thì việc đáp ứng 70% nguồn vốn đối ứng là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc bố trí vốn đối ứng kịp thời là hết sức cần thiết, nhằm triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ. Trước áp lực đó, TP Vinh đã tích cực triển khai các biện pháp để cân đối ngân sách, đáp ứng một phần nguồn vốn đối ứng, đồng thời UBND tỉnh đã lập tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét bố trí nguồn vốn đối ứng... Chính vì vậy đã từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên tại một số dự án do nguồn vốn đối ứng chưa được đáp ứng kịp thời, kinh phí phục vụ GPMB rất lớn, nên phải dãn tiến độ đấu thầu. Tại Hợp phần 2 dự án nâng cấp, cải tạo kênh Bắc là công trình quan trọng và việc đền bù GPMB không phức tạp, nên đã tiến hành đền bù, GPMB trong chỉ giới xây dựng cho gần 50 hộ dân liên quan với số tiền 5,8 tỷ đồng đoạn 1, đoạn 2, hiện đã duyệt xong phương án bồi thường GPMB đoạn 3.
 
Được biết, năm 2013 nguồn vốn đối ứng cho Tiểu dự án đô thị Vinh là 215,176 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ cấp 133 tỷ đồng và ngân sách của TP Vinh kế hoạch trị giá 178 tỷ đồng (đã cấp 82,12 tỷ đồng). Ông Hà Thanh Tĩnh – Phó chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: Đối với TP Vinh, việc cân đối ngân sách để bố trí nguồn vốn đối ứng cho dự án là khó có thể đáp ứng được, vì vậy TP Vinh và UBND tỉnh đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và Chính phủ về việc vốn đối ứng cho dự án vay vốn WB của Nghệ An, theo đó vốn đối ứng gần 55 triệu USD của Việt Nam được cơ cấu chuyển đổi tỷ lệ TƯ 70% và địa phương 30%. Hiện nay đề nghị của tỉnh đã được Chính phủ và các bộ, ngành chấp nhận, nên trong năm 2014, địa phương sẽ không bị áp lực lớn về nguồn vốn đối ứng.
Hoàng Vĩnh