Chiều 7/1, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan.
Công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng cao
Năm 2021, ghi dấu ấn của ngành Công Thương Nghệ Anở nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,01% so với năm 2020, trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 27,95%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,69%; công nghiệp khai khoáng tăng 14,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,83%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 dự ước đạt 81.750 tỷ đồng, vượt 3,12% kế hoạch được giao và tăng 17,95% so với năm 2020, qua đó, thúc đẩy kinh tế toàn ngành.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.411,7 triệu USD, tăng 59,7% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.096,7 triệu USD, tăng 74,7%/năm 2020, vượt 130,4% kế hoạch. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2020. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 dự ước đạt 950 triệu USD, tăng 13,09% so với năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 66.848 tỷ đồng, thị trường hàng hóa ổn định, hạ tầng thương mại ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Năm qua, ngành cũng đã quan tâm xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, kết cấu hạ tầng điện lực, năng lượng để tích hợp Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thúc đẩy đầu tư lĩnh vực công thương
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi, dự báo nhiều khó khăn: Tình hình thiên tai, dịch bệnh, diễn biến khó lường, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp; tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; hạ tầng công nghiệp, thương mại, logistics... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thu nhập đời sống, sức mua của nhân dân chưa cao là thách thức trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công thương.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành đưa ra các giải pháp quan trọng, đó là: tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tập trung phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư lĩnh vực công thương. Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong thời gian qua. Đây là năm đầy nỗ lực, thể hiện quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, đề nghị ngành chú trọng phát triển công nghiệp, công nghiệp cơ khí, nhiệt điện, quan tâm lưới điện phục vụ sản xuất, đời sống... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự đột phá trong việc tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các năm tiếp theo trong giai đoạn 2022-2025. Cùng các ngành liên quan tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong hạ tầng logistics, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của đại dịch Covid-19 để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Chủ động khai thác, mở rộng thị trường, khuyến khích tiêu dùng nội địa, tăng cường kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh...; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi...
Dịp này, 10 tập thể, 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06. 2 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2020-2021 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh./.