Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành liên quan; các đơn vị trực thuộc và đại diện UBND, Phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện, thành, thị.

bna_toan_canh_hoi_nghi5175405_612022.jpgPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu và lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Năm 2021 triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh có khá nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Cùng với chủ động rà soát, tham mưu cho tỉnh ban hành kịp thời các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngành đã thẩm định công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành và các địa phương giai đoạn 2021-2030; tổ chức thực hiện các đề án, dự án trên lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ, môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo; khí tượng thủy văn; chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân trong sản xuất kinh doanh; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân...

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường báo cáo kết quả công tác năm 2021 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải

Nổi bật nhất trong năm vừa qua, ngành đã chủ trì xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc về thu hồi, giao đất, cho thuê đất; tham mưu ban hành bảng giá đất sửa đổi giá đất Khu công nghiệp trong KKT Đông Nam; thẩm định 511 hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, 326 hồ sơ giao đất, thuê đất cho một số dự án lớn.

Trong năm 2021, Sở đã tham mưu rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ về lĩnh vực môi trường giảm 100 ngày so với quy định, bãi bỏ 3 thủ tục; về lĩnh vực khoáng sản, giảm 323 ngày so với quy định và bãi bỏ 1 thủ tục; lĩnh vực tài nguyên nước giảm được 542 ngày so với quy định và bãi bỏ 10 thủ tục. 

Năm 2021, ngành Tài nguyên & môi trường tiếp nhận và xử lý 2.257/2.446 hồ sơ đất của tổ chức và 210.525/232.648 hồ sơ đất của hộ gia đình, cá nhân; đang giải quyết trên 7.700 hồ sơ; phối hợp rà soát nguồn đất san lấp thi công dự án cao tốc Bắc Nam; tổ chức đấu giá quyền khai thác 59 điểm mỏ mới được phê duyệt bổ sung. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng 22 khu vực mỏ, cấp 19 giấy phép khai thác khoáng sản và 48 giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản; cấp 122 giấy phép tài nguyên nước; thẩm định 62 báo cáo ĐTM và trình phê duyệt 51 báo cáo ĐTM... 
 
Thi công đường quốc lộ ven biển từ Nghi Hải (TX Cửa Lò) đi Nam Cấm do vướng về giải phóng mặt bằng nên tại một số đoạn, đơn vị thi công phải "nằm chờ". Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, tham luận góp ý của đại diện các đơn vị và phòng, ban trực thuộc đã tập trung làm rõ những ưu điểm cũng như khó khăn, hạn chế trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ năm 2021. Trên cơ sở nêu lên những bài học kinh nghiệm, hội nghị đã thảo luận, thống nhất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2022, ngành Tài nguyên môi trường đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực và sự sáng tạo, tạo ra luồng gió mới trong xử lý các nhiệm vụ trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Lắng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất của các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời một số định hướng xử lý, điều chỉnh của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của các địa phương và kết luận định hướng nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài nguyên & Môi trường. Ảnh: Nguyễn Hải

Cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo và 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Tài nguyên & Môi trường trong năm 2022, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ngành cần nhận rõ các hạn chế để tiếp tục cố gắng, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung xử lý các vấn đề mới phát sinh cũng như vụ việc tồn đọng kéo dài; khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản phải tiết kiệm và hợp lý.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư; quản lý chặt chẽ việc cấp mới mỏ khoáng sản; tiếp tục rà soát các chính sách pháp luật liên quan đến tài nguyên môi trường; tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh các chiến lược để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường./.