(Baonghean) - Báo Nghệ An kỷ niệm 50 năm ra số đầu tiên cũng là ngày tôi tròn 50 năm làm báo. Trong 50 năm lăn lộn với nghề báo, tôi chỉ làm cho 2 tờ báo, đó là Báo Nghệ An từ 1961 đến 1976 và Báo Nhân Dân từ tháng 10/1976 cho đến hết năm 2004 là nghỉ hưu. Nói là nghỉ hưu nhưng thực chất lòng yêu nghề lại "không hưu". Bởi vì cho đến nay, tôi vẫn là cộng tác viên đặc biệt cho Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và là cộng tác viên thường xuyên cho một số báo, tạp chí và chuyên đề về Đảng của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhiều bạn bè hỏi tôi: "Sao đã ngoài 70 tuổi mà ông còn say sưa thế. Với tên tuổi của ông chắc cộng tác người ta trả lương khá lắm". Nghe bạn hỏi, thậm chí hiểu lầm mình vì "cơm áo, gạo tiền", tôi chỉ cười. Thôi, ai hiểu thế nào thì hiểu, còn mình khó rời nghề vì đã yêu nó từ ngày mới vào nghề và nay vẫn vẹn nguyên tình yêu đó. Ai hỏi "Ông yêu nghề từ ngày nào?", tôi trả lời ngay không hề suy nghĩ: "Từ ngày vào Báo Nghệ An".
 
Và quả thật, những năm tháng làm ở Báo Nghệ An là quãng thời gian không dài trong đời làm báo của tôi nhưng lại là những năm tháng không thể nào quên. Bởi vì, đó là những ngày mới tập tễnh vào đời và vào nghề, lại được công tác trên quê hương Bác Hồ kính yêu, một tỉnh lúc đó còn rất nghèo về kinh tế nhưng lại giàu truyền thống cách mạng.

770069_small_68004.jpg

Hộp đèn Hoa Kỳ của nhà báo Thanh Phong sử dụng để viết báo trong thời chiến tranh năm 1967-1972.

Không thể quên được ngày rời Trường Đại học Nhân Dân, mang ba lô về Nghệ An vào đầu năm 1961. Hôm bế giảng khoa báo chí của trường, đồng chí Tố Hữu đến dự và nói chuyện. Ngay trên bục nói chuyện, đồng chí đọc bản nháp bài thơ "Mùa Xuân 1961". Lòng chúng tôi phơi phới rời ghế nhà trường để đi vào năm "đỉnh cao muôn trượng". Xuống Bến xe Vinh, tôi đi bộ vào đường Hồng Bàng để tìm đến Phòng Thông tin Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An. Khi đó, phòng thông tin được UBHC tỉnh cho ở và làm việc ở một khu nhà rất đẹp. Tất cả cửa sổ, cửa đi, phên liếp... đều sơn màu xanh. Bởi vậy sau này người ta nói Báo Nghệ An ở "nhà xanh" là vậy. Phòng thông tin hồi đó do đồng chí Nguyễn Hường làm trưởng phòng. Trong phòng thông tin có "Bản tin Nghệ An" và "Đài Phát thanh Nghệ An". Khi tôi đang trình giấy giới thiệu của Ban Tuyên giáo Trung ương do Chánh Văn phòng Đặng Đình Giáp ký cho một đồng chí, tôi vẫn nghe tiếng người trong phòng nói ra: "Báo chưa ra mà lại thêm một cậu trẻ con về". Sau này, khi thân thiết, tôi hỏi mò thì anh Duy Liêu, một phóng viên ảnh kỳ cựu của phòng cho biết chính anh là người nói cậu ấy, vì thấy một cậu mặt non choẹt, lại trình giấy giới thiệu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nói thì nói thế chứ buổi chiều, sau khi gặp mặt Trưởng phòng Nguyễn Hường 30 phút là tôi được giao việc ngay. Anh Hường khuyên: "Cậu trẻ nhất cơ quan, cố mà làm nhé! Trước mắt vào cùng bộ phận với anh Vượng". Anh Lê Ngọc Vượng, nhà thơ Trà Ngân hơn tôi khoảng 20 tuổi, tính tình rất vui. Anh nói khi tôi được dẫn đến bàn giao: "Hay quá, cậu cùng mình bóc phong bì của thông tin viên (TTV) gửi đến. Cái nào gửi Đài Phát thanh thì đưa cho anh Thao Lược, cái nào giữ làm tin thì đưa cho anh Phan Huy Chuyên. Nhớ ghi vào sổ đầy đủ tên tuổi để cuối tháng còn gửi thư cảm ơn". Anh Vượng còn nói thêm: "Chưa hết mô. Đưa xong tin, bài cho hai bộ phận rồi còn phải mở tủ lấy giấy, mực phát cho anh em nữa. Việc của mình giao toàn bộ cho bạn trẻ, mình còn việc lớn là làm thơ".
 
 Mới những ngày đầu tưởng công việc đơn giản và nhàm chán. Nhưng mỗi ngày mở hàng trăm phong bì của TTV từ khắp nơi gửi về, đọc qua để phân loại, vào sổ, tôi càng ngày càng bị cuốn hút bởi những thông tin mình được biết qua chồng tin, bài mới nhận được. Mê nhất là những bài ca dao của anh Dương Huy gửi từ Trường Trung cấp Sư phạm; những tin rất ngắn nhưng nắn nót của anh Kim Tuấn từ Trường Y sĩ Nghệ An gửi về. Rồi tin tổng hợp của anh Trần Từ Tiệu, Trưởng Phòng Thông tin Thanh Chương, anh Đoàn Chinh Trị, Trưởng phòng Thông tin Diễn Châu. Có thể nói những tin, bài này là những bài học về cách viết cho tôi sau những năm học lý luận báo chí ở trường.
 
Tôi được rời nhiệm vụ "văn thư" để đi viết khi tờ tin "Nghệ An" thuộc UBHC tỉnh sắp được chuyển sang báo "Nhân dân Nghệ An" trực thuộc Tỉnh ủy Nghệ An. Trưởng phòng Nguyễn Hường gặp tôi giao việc mới. Anh nói rất đơn giản "Thời gian vừa qua là giao cho cậu đọc và học cách viết. Bây giờ chúng ta sắp nhận nhiệm vụ nặng nề là từ tờ tin trở thành tờ báo chính thức của tỉnh đảng bộ. Cậu bắt đầu đi cơ sở, lấy tài liệu để trực tiếp viết tin, bài. Ngày nào ở nhà thì liên lạc với các phòng thông tin huyện, thị xã đế lấy tin mới qua điện thoại".
 
Chuyến đi đầu tiên tôi được phân công là viết về ngày hội xuống đồng ở Hợp tác xã Ba Tơ (Hưng Thái, Hưng Nguyên). Từ Vinh lên Hưng Thái chỉ 5 cây số nhưng tôi không biết đi bằng phương tiện gì vì xe đạp không có, các anh ở phòng ai cũng có xe nhưng không dám mượn. Tôi đi bộ rồi mất mấy đồng lên xe ngựa để đến Hưng Thái. Chiều cũng một cuốc vừa đi bộ vừa đi xe ngựa như vậy để về "nhà xanh". Hồi đó các anh chị ở Phòng Thông tin đều có gia đình, vợ con, còn tôi được đặt giường ngay trong phòng họp để nghỉ. Khi nào các anh họp chi bộ ban đêm thì tôi ra ngồi ngoài thềm (năm 1961, tôi mới chỉ là đối tượng Đảng). Chỉ có việc xuống đồng vụ đông xuân của một hợp tác xã mà tôi viết kín cả hai trang giấy. Sáng hôm sau, chờ anh Phan Huy Chuyên đến, tôi phấn khởi đem nộp. Ngồi ngoài hồi hộp chờ anh Chuyên gọi. Khi anh gọi, tôi vừa mừng vừa run. Anh chữa rất kỹ bằng bút mực đỏ. Anh nói: "Em biết lấy tài liệu, nhưng thể hiện rườm rà quá. Mình sửa lại thế này, em đọc xem có đồng ý không thì nói lại". Thú thật, lúc đầu tôi cũng hơi bực vì anh Chuyên bỏ quá nhiều. Nhưng sau đọc lại thấy ngắn nhưng đủ và hợp lý. Ngày hôm sau tin đăng trong tờ "Nghệ An".
 
Cứ thế, anh Hường, anh Chuyên, anh Sung, anh Vượng... là những người thầy của tôi trên từng tin, từng bài cụ thể. Tôi trưởng thành qua từng số báo và tập đi vào viết về mọi lĩnh vực, cả công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, quân sự, thương nghiệp, giao thông... Một lần anh Hường gọi lên phòng giao: "Ngày mai Hợp tác xã đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết, Nghi Lộc) tổng kết. Cậu xuống dự và viết bài ghi nhanh vì đây là đơn vị đóng thuyền lớn của tỉnh ta". Tôi chưa biết Nghi Thiết ở hướng nào. Sáng sớm, tôi ra bến xe, tìm xe ngựa để xuống Nghi Thiết (hồi đó không có phương tiện gì ngoài xe ngựa). Nhưng muốn sang Nghi Thiết thì phải xuống Nghi Tân rồi qua đò. Gần trưa tôi sang đến Nghi Thiết. Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Kiên, ông Nguyễn Thân Mến ra đón tôi, việc đầu tiên anh hỏi: "Xe đạp em để chỗ mô?". Tôi nói, không có xe đạp. Anh ngạc nhiên "Rứa em xuống bằng cái chi?". Tôi đi xe ngựa rồi qua đò sang đây. Anh ôm lấy tôi, xoa hết cả người khen "Giỏi quá, nhà báo đi bộ giỏi quá". Tôi ở lại 2 ngày, cố gắng lấy tài liệu để có bài ghi nhanh theo yêu cầu của anh Hường. Khi về, anh Nguyễn Thân Mến cho một xã viên có xe đạp đèo lên cơ quan và còn cho cả một gói cá nục luộc phơi khô từ ngoài biển. Một tuần sau, bài ghi nhanh đầu tay của tôi với cái tên "Trung Kiên xẻ núi lập xưởng đóng thuyền" được anh Hường, anh Chuyên chữa kỹ, anh Liêu cho ảnh đi kèm, họa sĩ Ngụy Như Thơ trang trí "tít" rất đẹp. Ai cũng khen động viên, tôi vừa sung sướng, vừa cảm động bởi tấm lòng những người anh, những đồng nghiệp. Điều mừng nữa là tổng kết 6 tháng đầu năm 1961, tôi được Hợp tác xã Trung Kiên bầu là Lao động tiên tiến, được cán bộ Hợp tác xã lên tận cơ quan trao giấy khen và một áo may ô phần thưởng. Đó là "danh hiệu" và phần thưởng đầu tiên, độc đáo trong những ngày đầu tập tễnh làm báo trên quê hương Bác Hồ và cũng là một kỷ niệm khó quên trong "Những năm tháng không thể nào quên".
 
Đến ngày 12/9/1961 thì tờ "Nhân dân Nghệ An" ra đời. Khi đó anh Dương Huy từ Trường Trung cấp Sư phạm về, anh Bùi Ngọc Trình từ Tỉnh đoàn sang. Các anh đều là đảng viên, riêng tôi vẫn là đối tượng Đảng. Trong quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Tòa soạn báo "Nhân dân Nghệ An" ghi rõ 9 người, thì chỉ riêng tôi chưa đảng viên. Một quần chúng duy nhất nên các anh tập trung bồi dưỡng cả nghiệp vụ, đạo đức, tư cách và đến lớp đảng viên 6-1, tôi được kết nạp vào Đảng, đó là ngày 27/3/1962 (dự bị 9 tháng, đến ngày 27/1/1963 được công nhận là đảng viên chính thức). Thẻ nhà báo đầu tiên của tôi cũng được nhận từ Báo Nghệ An.
 
50 năm đã trôi qua. Gần 15 năm công tác ở Báo Nghệ An, 20 năm là Tổ trưởng tổ thường trú Báo Nhân Dân tại Nghệ An, rồi Nghệ Tĩnh, 8 năm là Vụ phó rồi Vụ trưởng, Phóng viên cao cấp ở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân, phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư, tôi được đi nhiều địa phương trong nước và nhiều nước  trên thế giới... Phải nói, gian khổ cũng nhiều, vinh quang không ít, nhưng chặng đường làm báo đầu đời ở Nghệ An vẫn là chặng khó quên nhất. Làm sao quên được những ngày được vinh dự đi viết về Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm quê lần thứ 2 (9/12/1961)! Làm sao quên được những chuyến công tác vác xe đạp chạy qua trận bom ở Ba ra Nam Đàn, sập hầm vì trận B52 ở Thành ủy Vinh (Phong Toàn), đào tìm các chiến sĩ TNXP trong trận bom vùi lấp 12 cô gái ở Truông Bồn, vượt phà Bến Thủy giữa hai đợt ném bom của máy bay Mỹ để viết về những người anh hùng phà Bến Thủy như Nguyễn Hữu Tùng, Nguyễn Trọng Tường, rồi Anh hùng Huỳnh Ngọc Dũ (Nhà máy điện Vinh), Anh hùng Hoàng Thị Liên (Cửa hàng ăn uống phục vụ Bến Thủy), viết về Nhà máy gỗ Vinh Anh hùng, Làng Đỏ Anh hùng... Ai quên được những chuyến bè đi mua vật liệu từ Nghĩa Đàn về để xây dựng cơ quan ở Phong Toàn sau những ngày từ nơi sơ tán ở Đô Lương về. Viết đến đây, trước mắt tôi cứ hiện ra hình ảnh thân thương như anh Hường, anh Liêu, anh Chuyên, anh Vượng, anh Điền, chị Nhật, anh Tường, anh Dương, chị Ba, anh Thơ, anh Minh, anh Bảo... Anh Phan Đình Sung, Bí thư chi bộ hồi tôi được kết nạp Đảng, người thân chinh đi hỏi vợ cho tôi rồi tự bỏ tiền túi ra mua cả tút thuốc "Thủ Đô" để gặp gỡ Đảng ủy cơ quan vợ để "có lời" cho hai đứa chúng tôi và trực tiếp làm chủ hôn trong ngày cưới dưới bom đạn vào tháng 6/1966 tại Hợp tác xã Trường Sơn, Nam Tiến, Nam Đàn. Còn nhiều, nhiều lắm bạn bè thân thiết. Đến nay, người còn, người mất nhưng với tôi, tất cả họ như đang hiển hiện thân thiết trong tôi...
 
Đã trên 70 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, 50 tuổi nghề, nhưng trong 50 năm ấy thì những năm tháng làm ở Báo Nghệ An vẫn là những năm tháng không thể nào quên trong đời làm báo của tôi.

Hà Nội, tháng 11-2011


Thanh Phong