Với kịch bản tốt nhất, năm 2013, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 110.000 xe các loại kể cả nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước, bằng mức của năm 2007. Dù Chính phủ giảm thuế phí, DN giảm giá khuyến mãi nhưng ôtô vẫn trong tình trạng ế cả năm. Trải qua một năm làm ăn khó khăn cộng với triển vọng thị trường thấp và chính sách chưa rõ ràng khiến cho không ít lần các DN lắp ráp ôtô cảnh báo nguy cơ đóng cửa.
Bình dân giảm giá, sang trọng đắt hàng
2013 chứng kiến sự ra mắt liên tục của các mẫu xe mới cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Theo thống kê có gần 30 mẫu xe mới ra mắt từ tháng 3-12/2013, phủ kín các phân khúc, từ bình dân đến hạng sang, từ xe cỡ nhỏ đến xe cỡ lớn.
Ra xe nhiều, khó bán nên chương trình khuyến mãi, giảm giá xe cũng liên tục diễn ra gần suốt cả năm. Khi nhà sản xuất, nhập khẩu không có chương trình nào thì các đại lý bán hàng cũng tự đưa ra các chương trình riêng để kéo khách.
Giá bán giảm ở hầu hết các mẫu xe. Ngay cả thương hiệu bán chạy như Toyota thì giá bán cũng giảm từ xe Vios đến xe Camry, với mức thấp khoảng 10 triệu đồng, nhiều lên tới 60 triệu đồng tùy mẫu.
Không chỉ với xe cũ mà xe mới ra mắt giá cũng nhanh chóng giảm. Trường Hải, ngay sau khi tung dòng xe Kia K3 với mức giá 628 triệu đồng vào giữa tháng 10/2013, đã lập tức giảm giá 20 triệu đồng cho cả 4 phiên bản. Hay Peugeot, vừa ra mắt sản phẩm đầu tiên Peugeot 408 với giá bán 1 tỷ 49 triệu đồng đã ngay lập tức giảm giá 50 triệu đồng ...
Trong khi lắp rắp trong nước khó khăn, thị trường ế ẩm thì sự khởi sắc của dòng xe nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô năm nay ước đạt gần 34.500 chiếc với giá trị 709 triệu USD. So với năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 2013 đã vượt lên 25,9% về lượng và 15,2% về giá trị.
Còn theo tính toán của VAMA, tỷ lệ tăng trưởng của thị trường ôtô nhập khẩu nguyên chiếc so với cùng kỳ năm 2012 cao hơn hẳn so với xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, xe nhập khẩu đạt mức tăng sản lượng bán hàng đến 25% so với mức tăng 18% của xe trong nước.
Trong các tháng gần đây, thị trường ôtô nhập khẩu trở nên nhộn nhịp hơn hẳn so với năm ngoái và giai đoạn đầu năm. Bên cạnh số lượng xe nhập khẩu tăng thì danh mục sản phẩm và thậm chí là số lượng thương hiệu mới gia nhập cũng tăng lên khá nhanh.
Trong khi toàn thị trường ế ẩm thì phân khúc xe sang lại là điểm sáng gây chú ý cho toàn thị trường. Theo ước tính, thị trường xe sang Việt Nam năm 2013 vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân trên 30% với khoảng 4.000 chiếc được tiêu thụ. Hiện tại, Meredes-Benz Việt Nam là hãng có mức tăng trưởng lớn nhất trên 50%. Các hãng khác như BMW cũng có doanh số bán tăng 20%, ước tính sẽ bán khoảng 1.000 xe trong năm nay. Audi thấp hơn cũng ở mức 600 xe, ngoài ra là Porsche, Range Rover, Renault... cũng chiếm 1 số lượng khách hàng không nhỏ.
Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết: Tuy thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Thái Lan, Indonesia, năm 2013 kinh tế khó khăn, nhưng ở Việt Nam vẫn có nhiều người sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để mua các loại xe sang, vì vậy xe sang vẫn tăng trưởng tốt.
Từ đầu năm đến nay có thêm 3 thương hiệu xe sang, ngoài hai thương hiệu đã được biết đến là Peugeot và Lexus thì đã có sự xuất hiện siêu xe Rolls-Royce.
DN lo ngại phải đóng cửa
Mặc dù giảm giá và tung ra nhiều mẫu xe mới nhưng tiêu thụ vẫn không tăng mạnh, đặc biệt với xe lắp ráp trong nước, khiến cho nhiều DN khó khăn. Điều các DN lo ngại là vào những tháng cuối năm nhu cầu xe cá nhân thường tăng cao thì ngược lại tiêu thụ lại giảm. Theo số liệu của VAMA, doanh số bán xe con trong tháng 10/2013 giảm 1% so với tháng 9 và sang tháng 11 lại tiếp tục giảm 1% so với tháng 10.
Khó khăn hiện đang thuộc về các đại lý bán xe, bởi giá bán giảm mạnh khiến cho lợi nhuận không còn. Mặc dù được cho là thị trường có khởi sắc nhưng thực tế, không ít đại lý bán xe lại đang "than lỗ", bán khó, bán chậm và sức mua yếu.
Nhiều đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết tồn kho của họ lên tới hàng chục xe do nhận định thị trường ô tô sẽ khởi sắc vào cuối năm, nhu cầu tăng, cộng với muốn có doanh số lớn để được nhà cung cấp thưởng nên các đại lý đã đặt hàng nhiều hơn, nhưng tiêu thụ không như mong muốn.
Năm 2013, Thái Lan tiêu thụ 1,45 triệu xe ô tô mới, riêng xe du lịch dưới 5 chỗ đạt gần 700.000 chiếc. Tại Indonesia, lượng ô tô mới tiêu thụ được tại thị trường này cũng ở mức 1,2 triệu xe. Còn tại thị trường Malaysia là trên 600.000 xe. Trong khi đó, năm 2013, toàn thị trường ô tô Việt Nam chỉ tiêu thụ được khoảng 110.000 xe ô tô các loại.
Nếu xét về mặt dân số, thì Thái Lan có chưa đến 70 triệu người, còn Indonesia là hơn 240 triệu dân, trong khi Việt Nam vừa chạm ngưỡng 90 triệu dân. Con số tiêu thụ ô tô này thực sự là quá ít so với các nước xung quanh.
Khó khăn lớn đang treo trên đầu các DN ô tô trong nước. Hiện công suất thiết kế của các DN sản xuất ô tô cả nước vào khoảng 458.000 xe/năm, trong khi sản lượng thực tế mới đạt quanh 80.000 xe/năm, tức là mới chỉ đạt chưa tới 20%. Theo các nhận định thì ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3% trong các năm tiếp theo, do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu do thuế suất thuế nhập khẩu ngày càng giảm.
Năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ô tô bán tải ( Pick up) có xuất xứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, tất cả các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động trong thời gian dài và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Trong khi, người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại sản phẩm trong nước thì việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đang đe dọa ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ. Trước tinh thế này, nhiều DN ôtô trong nước lo ngại khả năng sẽ phải đóng của, chuyển sang làm nhập khẩu và phân phối nếu Chính phủ không có một chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ôtô đúng hướng.
Theo.vietnamnet