Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, người làm báo buộc phải thay đổi mình để đón đầu xu hướng công nghệ, trở thành những “phóng viên thế hệ mới” để đưa thông tin nhanh chóng, chính xác. 
 
images1590772_co_ng_nghe__.jpgCông nghệ, smartphone giúp báo chí dễ dàng tiếp cận độc giả hơn.
 
Nếu như trước đây, thông tin trên báo chí có “chậm chút cũng không sao” thì nay, các báo điện tử phải đua nhau từng phút, thậm chí có trường hợp đến từng giây. Bởi lẽ, nhu cầu thông tin của độc giả được đong đếm từng... giây, và theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới hết 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số.
 
Một phóng viên thời sự kể rằng, đến đưa tin trong một vụ hỏa hoạn, phóng viên nào có smartphone mạnh, đường truyền Internet tốt, truyền tin về và được xử lý sớm, lập tức tin của tờ báo ấy sẽ có nhiều người đọc. Trong khi đó, dù có “trau chuốt” hơn, nhưng lượng độc giả cho tin đăng muộn sẽ hạn chế.
 
Khi tới hiện trường, phóng viên sẽ rút điện thoại chụp ảnh, gõ vài chữ và truyền qua mạng xã hội (trong một số trường hợp quay video). Ở tòa soạn, các biên tập viên sẽ đẩy tin, video lên mạng một cách nhanh chóng và cập nhật thường xuyên khi có diễn biến mới. Những lúc ấy, một chiếc bút, cuốn sổ và những máy ảnh lỉnh kỉnh kèm theo các công đoạn như bật máy tính gửi về sẽ làm “chậm tiến độ” của tin.
 
Ở một số trường hợp, phóng viên còn quay và truyền trực tiếp lên mặt báo...
 
Báo chí Cách mạng Việt Nam trong suốt 91 năm. (Nguồn: TTXVN)
Cách tác nghiệp nhanh cũng đòi hỏi phóng viên phải am hiểu công nghệ, nhạy bén với thông tin. Bên cạnh đó, đưa tin nhanh gần như chỉ là “yêu cầu tối thiểu” của các tòa soạn điện tử. Ngay sau khi gửi thông tin ban đầu, việc yêu cầu phóng viên cập nhật thông tin chi tiết, những tấm ảnh sắc nét, góc quay độc đáo luôn được ưu tiên và tờ báo sẵn sàng bổ sung vào bài viết hoặc thay đổi nếu cần thiết.
 
Rất nhiều tờ báo điện tử ở Việt Nam yêu cầu phóng viên viết - ngoài việc viết và chụp ảnh thì phải quay được clip, ảnh 360 độ để phục vụ cho bài viết của mình. Đây cũng là một cách chứng minh với độc giả phóng viên có mặt ở ngoài hiện trường, chứ không chỉ đưa tin qua lời kể…
 
Ở một góc khác, trong một Hội thảo với chủ đề “Báo chí và Mạng xã hội” diễn ra cuối năm 2015 nhiều nhà báo cho rằng, mạng xã hội đã và đang là một nguồn tin của báo chí, nguồn tin từ Facebook được báo chí đăng tải đã tạo lên các cuộc tranh luận lớn trong xã hội.
 
Thế nhưng, do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy nhưng "ảo," khó sàng lọc thông tin, khiến mạng xã hội tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là xuất hiện một số phóng viên không kiểm chứng nguồn tin đã chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội thành tin, bài trên báo, dẫn đến những hậu quả khó lường. Tin tức giật gân, câu khách dễ dẫn đến hiện tượng phỏng theo, bắt chước, nhất là trên các báo điện tử thiên về giải trí.
 
Phóng viên tác nghiệp.
Ở góc độ của tòa soạn, bên cạnh việc yêu cầu đưa ra thông tin, bằng chứng chính xác khi phóng viên khai thác thông tin, nhiều tòa soạn đã chủ động đầu tư tiền của vào công nghệ, thiết kế tờ báo trên nền tảng đa phương tiện để tiếp cận độc giả. 
 
Nắm bắt xu hướng đọc, xem video của độc giả, nhiều tờ báo đã thiết kế trang web có độ tùy biến cao, không chỉ phục vụ độc giả trên máy tính mà còn thay đổi phù hợp cho người đọc tablet, smartphone. Thậm chí, báo chí quốc tế còn cho phép phóng viên quay video theo chiều dọc của điện thoại thay vì cách quay ngang truyền thống để phục vụ riêng người dùng smartphone xem toàn màn hình mà không cần phải quay ngang “dế.”
 
Rõ ràng, nền tảng công nghệ đang “chắp cánh” cho báo chí phát triển, đặc biệt là báo chí điện tử. Tuy nhiên, để công nghệ thực sự đem lại hữu dụng, bản thân mỗi người làm báo phải tự trau dồi kiến thức, đặc biệt là nâng cao đạo đức để thông tin đến với người dân đảm bảo nhanh-đúng-trúng-hay./.
 
Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN