(Baonghean) - Căn cứ để xác nhận người hoạt động Cách mạng tiền khởi nghĩa theo quy định lại là lý lịch cán bộ, đảng viên chứ không phải là lời khai của người làm chứng. Vì vậy, quy định mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị định 31 là áp dụng cho tất cả những người có liên quan, và các cơ quan thực hiện công tác xét duyệt không thể làm trái.
Trung tuần tháng 6/2016, Báo Nghệ An nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của cụ Trần Ngọc Bính (thường trú tại khối 11, Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương) bày tỏ băn khoăn về việc hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa của cá nhân cụ không được chấp nhận...
Cụ Trần Ngọc Bính (SN 1925, quê quán xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương) năm nay 65 tuổi Đảng. Trong đơn cụ viết: “Tôi là người có công với cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa, cũng như giai đoạn kháng chiến bảo vệ tổ quốc sau này. Hiện nay, đồng đội của tôi người còn, người mất và đã được Nhà nước ghi nhận là người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Tuy nhiên, hồ sơ cá nhân của tôi hiện nay không được chấp nhận. Tôi làm đơn này và kèm theo hồ sơ, đề nghị báo giúp đỡ tôi sự việc nêu trên...”.
Hồ sơ mà cụ Trần Ngọc Bính gửi kèm gồm: Lý lịch đảng viên phô tô (có chứng thực khai năm 1958); biên bản họp xét, kết luận các trường hợp tồn đọng đề nghị xét nhận người có công với cách mạng; 2 bản khai của những người làm chứng là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Theo cụ Bính, từ năm 2000, cụ đã làm hồ sơ để được Nhà nước xem xét công nhận cho những người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Hồ sơ được gửi lên chính quyền thị trấn và dừng tại đó. Đến năm 2013, khi Nhà nước tổ chức rà soát xem xét những người có công còn tồn đọng, cụ tiếp tục làm hồ sơ trình lên UBND huyện. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, huyện Thanh Chương cho rằng cụ không đủ điều kiện để được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa.
Cụ Bính cho biết, trước Cách mạng Tháng Tám, cụ vào du kích và được cấp trên giao nhiệm vụ là đội trưởng đội tự vệ, tham gia cướp chính quyền. Tuy nhiên tại lý lịch đảng, cụ chỉ khai là “vào du kích địa phương”. Vì vậy, khi làm hồ sơ, cụ Bính đã gặp lại những người hoạt động cùng thời kỳ là các ông Lưu Văn Bá - cán bộ tiền khởi nghĩa xã Thanh Tường (Thanh Chương); Thái Văn Bình - cán bộ lão thành cách mạng xã Thanh Đồng (Thanh Chương) và được các ông này làm chứng, xác nhận trước khi tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945, cụ là tổ trưởng đội tự vệ xã Thanh Tường.
Cụ Bính nói: “Đó là thực tế hoạt động của tôi trước đây. Khi viết lý lịch đảng, tôi chưa ý thức được những quyền lợi chính trị phát sinh sau này nên đã khai không đầy đủ. Chính vì vậy, khi làm hồ sơ, những người hoạt động cùng thời kỳ đều công nhận nội dung này. Tại sao huyện Thanh Chương lại cho rằng tôi không đủ điều kiện, xin trả lời rõ ràng...”.
Qua kiểm tra, cuốn lý lịch đảng viên được xác lập năm 1958. Tại mục “Những việc làm đã qua và ở đâu”, thể hiện từ tháng 4/1945 đến năm 1947, cụ Trần Ngọc Bính “vào du kích tại địa phương”. Tại hai bản chứng thực của người làm chứng là các cụ Thái Văn Bình, Lưu Văn Bá (có xác nhận của Đảng ủy các xã Thanh Tường, Thanh Đồng) đều xác nhận thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Trần Ngọc Bính là “đội trưởng tự vệ”. Cụ Thái Văn Bình - cán bộ lão thành cách mạng xã Thanh Đồng làm chứng, xác nhận cho cụ Bính vào ngày 23/8/2000; còn cụ Lưu Văn Bá - cán bộ tiền khởi nghĩa xã Thanh Tường làm chứng, xác nhận cho cụ Bính ngày 11/11/2014.
Tìm hiểu về quy định xét công nhận người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 được thể hiện tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì điều kiện cần phải có giữ một chức vụ cụ thể. Ví dụ như là người đứng đầu tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc tương đương; Bí thư, Chủ tịch, Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư nông dân cứu quốc, Bí thư thanh niên cứu quốc, Bí thư phụ nữ cứu quốc; Đội trưởng hoặc tổ trưởng, nhóm trưởng của đội, tổ, nhóm tự vệ chiến đấu... (Điểm 2, Điều 11).
Bên cạnh đó, đối với những người hoạt động cách mạng đang còn sống thì căn cứ để xác nhận là lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý (Điểm 1, Điều 12).
Ông Lê Thiết Hùng - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết, vào ngày 30/10/2014, Đảng ủy thị trấn đã chuyển hồ sơ của cụ Bính đến Ban Tổ chức Huyện ủy để thẩm định. Sau khi đối chiếu lý lịch gốc với Nghị định 31, Ban Tổ chức Huyện ủy đã trả lại hồ sơ vì không đủ điều kiện để xét duyệt.
Ông Lê Thiết Hùng trao đổi: “Thời gian trước, cụ Trần Ngọc Bính và một số thành viên trong gia đình có lên gặp huyện ủy để hỏi, và đều đã được giải thích về những quy định được nêu tại Nghị định 31. Đồng thời gửi Nghị định 31 để gia đình cụ tự kiểm tra đối chiếu với hồ sơ để thấy việc thẩm định là đã đảm bảo đúng quy định”.
Còn ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Bí thư Thị trấn Thanh Chương cho biết: Sau khi Ban Tổ chức thẩm định hồ sơ không đạt, Đảng ủy thị trấn có Công văn số 09 thông báo cho cụ Bính và mọi người trong gia đình biết rõ lý do. Rất tiếc là căn cứ để xác nhận người hoạt động Cách mạng tiền khởi nghĩa theo quy định lại là lý lịch cán bộ, đảng viên chứ không phải là lời khai của người làm chứng...”.
Xem xét lý lịch đảng viên, những xác nhận của người làm chứng và các huân, huy chương, bằng khen... mà Đảng và Nhà nước, các cơ quan cấp Trung ương đã tặng thưởng qua các thời kỳ khẳng định cụ Trần Ngọc Bính là người có công với cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa, cũng như giai đoạn kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Dù vậy, quy định mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị định 31 là áp dụng cho tất cả những người có liên quan, và các cơ quan thực hiện công tác xét duyệt không thể làm trái. Vì vậy, trong việc xét duyệt hồ sơ của cụ, Đảng ủy thị trấn và Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương đã làm đúng theo quy định.
Hà Giang