(Baonghean) - Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Ngoài ranh giới phân chia, cổng làng thể hiện rõ phong cách, hồn cốt của làng. Cổng làng còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, đôi khi chứa đựng cả ý nghĩa nương giữ điều gì đó thiêng liêng, nên phong trào phục dựng, xây mới cổng làng ngày càng nở rộ...
Tôi từng được nghe nhà “Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc và họa sĩ Quách Đông Phương – người bỏ hàng chục năm trời để đi khắp các làng quê Bắc bộ chụp hình cổng làng, lý giải: Cổng làng là sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt, có tính cách phòng thủ. Khi loạn lạc, giặc giã, có báo biến, cổng làng được đóng lại. Vào ban đêm, bao giờ cũng có các đội tuần phu canh gác. Nhà có cổng, làng cũng vậy. Cổng là ranh giới ước lệ giữa làng này và làng khác, biểu hiện quyền uy của làng xã. Cổng phân chia phần đất thổ cư và phần đất canh tác, phân chia cuộc sống người dương và cuộc sống cõi âm. Cổng làng gồm cổng tiền và cổng hậu, cổng trước thường hướng Đông - Nam đón gió lành. Cổng hậu nhìn ra hướng Tây mặt trời lặn. Cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam.
Tôi cũng đã nhiều lần như miên man bên các cổng làng bằng đất nung xưa cũ để nghe tiếng đồng vọng cổng làng trong thơ của Bàng Bá Lân: “Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màn/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”; nghe giai điệu ca khúc “Trống hội cổng làng” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Và tôi đã biết một điều, cổng làng là nơi vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, không chỉ chứng kiến những thăng trầm của chính ngôi làng đó, mà còn chứng kiến những thăng trầm cuộc đời của mỗi con người. Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác… Muốn có một hình ảnh cổng làng riêng sưởi ấm cho tâm hồn mình, đã nhiều lần tôi vương vấn trước cổng Thành Vinh.
Năm trước, tôi đưa mẹ về vui hội làng Đông Cự (xóm 5, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên). Mẹ tôi là người của phố bao nhiêu năm, mà luôn nhớ về gốc gác. Ngày khánh thành cổng làng Đông Cự thật náo nhiệt. Mẹ vẫn nhớ năm xưa, làng có cổng, có chùa bề thế … Nay, Hưng Tân là xã điểm xây dựng NTM nên ngoài điện - đường - trường - trạm khang trang, kinh tế mở mang, người dân chú trọng phát triển văn hóa gia đình, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cổng làng được dựng lại. Bác tôi, một cựu chiến binh nay tuổi đã ngoài 75, đầu tóc bạc phơ, cười bảo: “Cổng làng được xây bằng tình nghĩa, lòng dân quê mình con ạ. Người đi xa về góp tiền, nhà khá giả trong xóm góp tùy tâm, người nghèo thì thôi. Rơm rạ là gốc tích của người ra đi, cổng là chứng nhân lịch sử đón người vinh quy trở lại. Cổng làng là chứng nhân, là ý chí và nguồn sức mạnh…”. Khác với cổng làng Trung đồ sộ gần đó, cổng làng Đông Cự nhỏ hơn, xây theo lối nhất quan, cao thanh, giản đơn và thoát tục.
Cuộc sống ngày một đi lên, những miền quê chuyển mình đi lên, cuộc sống người dân dần ấm no, trù phú hơn. Việc bảo tồn tôn tạo các giá trị truyền thống được chú trọng. Nhiều làng quê, làng ngoại ô và thậm chí cả khối phố nở rộ phong trào phục chế, xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Với tôi, đó là một nét rất đáng mừng xen lẫn một vài nỗi băn khoăn. Tôi đã nghe chuyện ở một vùng lũ của tỉnh bạn: Cán bộ xã, thôn quyết định xây dựng các cổng làng bề thế, xây xong chưa có tiền nên nợ chủ thầu thi công. Sau cơn lũ lịch sử, người dân vừa nhận được tiền cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, ngay lập tức bị cán bộ xã, thôn trừ tiền nợ tiền đóng góp xây cổng làng.
Những chuyến tác nghiệp ngược xuôi trong tỉnh, tôi cũng đã thấy nhiều cổng làng văn hóa to và đồ sộ lắm. Nhiều huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương… tập trung vào việc xây dựng lại cổng làng. Đến nay nhiều huyện đạt trên 50% số làng xây được cổng làng mới; như Đô Lương có 100% làng văn hoá có cổng làng. Với tôi, nhiều cổng làng hoành tráng nhưng không trọn vẹn. Cổng làng thì to mà đời sống người dân vẫn rất nghèo; có cổng ở bản làng miền núi đẹp nhưng đẹp theo kiến trúc của người Kinh chứ không phải mang bản sắc của dân tộc mình; đường làng thì hẹp lại dựng cổng theo kiểu tam quan; nhiều cổng làng, cổng chào dựng xong bị bỏ bê, quên lãng nên nứt nẻ, bị bôi bẩn vẽ bậy. Và như đã nói, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu sau mỗi cổng làng ấy là cuộc sống người dân luôn no ấm, yên bình và đậm đà bản sắc riêng…
Tôi vẫn muốn quê tôi có lại cái cổng làng, nhưng càng mong muốn hơn quê không còn nghèo đói. Rồi lại mong những cái cổng làng sau tiếp được mọc lên, dẫu giản đơn hay kỳ vĩ thì nó cũng phải thể hiện được tâm hồn, tính cách của quê; mỗi người sống sau cái cổng ấy đều thực hiện tốt những dòng chữ ghi trên cổng, để ai đi xa cũng nhớ - khi về lại kính cẩn cúi đầu bước qua.
Bài, ảnh: Thanh Sơn