(Baonghean.vn) - Xung quanh việc thu các khoản quỹ phí được đề cập trong các phiên họp HĐND, cử tri các địa phương trong tỉnh đã bày tỏ ý kiến đối với vấn đề này.
Cử tri Hoàng Văn Phương, xóm 1, xã Ngọc Sơn ( Đô Lương): Không nên vận động người nghèo đóng góp quỹ vì người nghèo
Trong đóng góp các loại quỹ phí ở địa phương, tôi thấy băn khoăn đối với việc đóng góp quỹ vì người nghèo. Đây là việc làm cần thiết ,tuy nhiên việc ban mặt trận của xóm tới nhà để thu phí 10.000 đồng/ hộ đối với tất cả các gia đình, không phân biệt hộ nghèo hay hộ khá giả, theo tôi điều này chưa hợp lý. Bởi vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo mà các hộ nghèo, tức là đối tượng được nhận sự ủng hộ đó, cũng phải đóng góp vào chính quỹ đó. Tôi đã bày tỏ ý kiến này với ban mặt trận xóm, sau đó ban mặt trận đã giảm cho tôi một nửa số tiền.
Tôi không băn khoăn về số tiền nhiều hay ít, mà chỉ thấy tính chất của việc đóng góp cần có sự xem xét thu đối tượng nào cho có ý nghĩa, đúng mục đích. Hơn nữa, có nhiều hộ nghèo phải chạy ăn từng bữa thì 5 nghìn đồng hay 10 nghìn đồng cũng là số tiền rất vất vả họ mới có thể có được. Vì thế tôi cho rằng: “Quỹ vì người nghèo không nên vận động người nghèo phải đóng góp”.
Cử tri Hoàng Văn Đức, xã Nghi Trường, Nghi Lộc: Cần công khai, minh bạch việc thu và sử dụng các khoản đóng góp của dân
Ngoài các khoản đóng góp theo quy định của nhà nước ,còn cần rất nhiều khoản đóng góp tự nguyện của
nhân dân. Đó là việc huy động tài lực của nhân dân để làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng,thực hiện dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy; huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa, khuôn viên, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở khu dân cư, xây dựng đường giao thông bê tông theo chuẩn nông thôn mới. Những công trình này ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần rất nhỏ, phần lớn là do nhân dân đóng góp làm nên. Riêng năm 2016, nhân dân xóm 1 thống nhất mỗi khẩu đóng góp 750.000 đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông nội thôn.
Từ thực tế ở địa phương, tôi thấy trừ những hộ gia đình còn khó khăn thì các khoản đóng góp hàng năm chưa phải là quá cao đối với người dân. Điều người dân quan tâm là: tiền thu của dân để làm cái gì, làm như thế nào, kết quả ra sao.
Do vậy, để có sự đồng thuận của nhân dân trong thu các khoản đóng góp tự nguyện, cần phải thực hiện dân chủ rộng rãi, tạo cho người dân thấy rằng sự đóng góp là cần thiết cho chính bản thân mình, gia đình mình. Cần công khai, minh bạch từ khâu ra chủ trương cho đến quá trình triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng, sử dụng tiền dân đóng góp đúng mục đích, thanh quyết toán công khai rõ ràng. Những hộ gia đình vì điều kiện kinh tế còn khó khăn thì có thể thu chậm, thu nhiều lần để họ có điều kiện đóng góp.
Cử tri Nguyễn Thị Thành, xã Nghi Phú, TP Vinh: Tăng phí vệ sinh môi trường cần đi đôi với việc tăng hiệu quả bảo vệ môi trường
Chúng tôi sinh sống trên địa bàn xã Nghi Phú ( TP Vinh) và đã đóng góp đầy đủ các loại quỹ phí của địa phương. Bên cạnh đó chúng tôi có một cửa hàng kinh doanh quần áo quy mô nhỏ trên địa bàn phường Hưng Dũng, và tôi thấy việc đóng các loại phí liên quan đến cửa hàng nơi tôi kinh doanh chưa thỏa đáng. Ví như việc UBND phường tiến hành thu phí vệ sinh môi trường đối với các hộ kinh doanh chưa hợp lý và chưa quyết liệt.
Cùng là các ki ốt kinh doanh nhưng nhiều hộ chây ỳ không đóng phí vệ sinh nhưng các lực lượng chức năng vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, năm nay phí vệ sinh môi trường lại tăng quá nhiều khiến người dân chúng tôi gặp khó khăn. Đề nghị các cơ quan chức năng có lộ trình tăng trong thời gian hợp lý hơn. Và điều quan trọng là sau khi tăng thu phí vệ sinh môi trường thì phải cho người dân thấy được hiệu quả giữ gìn vệ sinh môi trường rõ nét hơn thì chúng tôi mới vui vẻ đóng góp.
Cử tri Lô Văn Phúc, xã Bồng Khê (Con Cuông): Phân định rõ quỹ nào là bắt buộc, quỹ nào là tự nguyện
Hiện nay ở địa phương người dân chúng tôi phải đóng 8 loại quỹ. Khi nhà nước phát động các loại quỹ người nông dân chúng tôi đều chấp hành. Mặc dù vậy, chúng tôi mong muốn và kiến nghị cấp trên nên giảm bớt một số loại quỹ không cần thiết, phân định rõ quỹ nào là quỹ bắt buộc, quỹ nào là quỹ tự nguyện chứ hiện nay nhiều loại quỹ chồng chéo quá.
Mặt khác, chúng tôi cũng băn khoăn sau khi thu các loại quỹ của dân như quỹ khuyến học, quỹ người nghèo, quỹ chất độc da cam có đến tay người hưởng không? Riêng Quỹ Chữ thập đỏ mặc dù đã phát động và người dân chúng tôi tham gia đóng góp, nhưng đa phần người dân vẫn chưa hiểu quỹ này dùng để làm gì và ai hưởng?
Vì vậy cần công khai minh bạch việc sử dụng các loại quỹ sau khi thu.
Cử tri Hồ Đức Toán, giáo xứ Thanh Dạ, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu): Thu quỹ hợp lý người dân sẽ đồng tình
Về cơ bản người dân chúng tôi đồng tình với các loại quỹ phí hiện nay.
Như trongnăm 2017, địa phương thu 3 loại quỹ: Quỹ bảo trợ trẻ em; Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ phòng chống thiên tai, cả 3 loại quỹ này đều mang tính thiết thực.
Đối với Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đền ơn đáp nghĩa thể hiện tính nhân đạo, uống nước nhớ nguồn; Quỹ phòng chống thiên tai rất xác thực bởi hiện nay do biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt xảy ra thường xuyên nên nhà nước phải và nhân dân cùng chung tay khắc phục.
Cử tri Trần Bạch Mai, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò: Người dân vẫn phải đóng góp rất nhiều khoản quỹ
Theo tôi được biết nay chỉ còn hai loại quỹ là quỹ phòng chống lụt bão và quỹ an ninh quốc phòng là bắt buộc. Tuy nhiên hàng năm, người dân phải đóng rất nhiều loại từ Quỹ vận động tự nguyện như: quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ từ thiện, quỹ khuyến học, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng, chống ma túy…
Vấn đề đáng nói là khoản đóng góp tự nguyện, chỉ mang tính vận động nhưng hầu như nhà nào cũng phải đóng nên người dân chúng tôi cũng không rõ giữa khoản đóng bắt buộc và khoản tự nguyện. Nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân phải đóng góp rất nhiều khoản quỹ, phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, các loại quỹ theo hình thức vận động tự nguyện nhưng địa phương đã từng quy định về thu và đóng các loại quỹ do địa phương đặt ra và hộ dân nào không thực hiện hoặc không đóng đầy đủ, bị gây khó khăn khi xin xác nhận các loại giấy tờ làm cho người dân rất bức xúc.
Theo tôi nghĩ, việc thu quỹ, đặc biệt là các quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ vì trẻ thơ, quỹ người cao tuổi… là cần thiết để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, việc thu quỹ được thực hiện minh bạch, công khai, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thì sẽ nhận được sự ủng hộ và sự “tự nguyện” của người dân.
Nhóm PV - CTV