Tạo sinh kế thoát nghèo trên miền đất khó

Xóm Bình Hải từ lâu đã được xem là vùng đất khó của xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) bởi địa hình hiểm trở, cách xa khu vực trung tâm. Vì lẽ đó mà bà con nơi đây có hoàn cảnh sống khá khó khăn, chật vật. Việc xây dựng các mô hình kinh tế thoát nghèo cũng thực hiện ở lác đác vài hộ, do gặp khó trong huy động nguồn vốn. Vì vậy, khi mô hình nuôi vịt của chị Trần Thị Ngọc Ngân dần đi vào quy củ và phát triển ổn định đã khiến cho bà con nơi đây có thêm niềm tin để tìm hướng thoát nghèo.

bna_chi_tran_thi_ngoc_ngan2420288_742021.jpgChị Trần Thị Ngọc Ngân. Ảnh: CTV

Gặp gỡ để tìm hiểu thêm về mô hình đặc biệt này, chị Ngân chia sẻ, việc nung nấu mô hình đã có từ lâu nhưng chỉ khi được hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo” của LĐLĐ huyện thì chị mới dám triển khai. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, chị đã mua 500 con vịt giống và thuốc thú y để tiến hành tiêm phòng cho vịt. Tận dụng lợi thế tự nhiên khi gia trại nằm cạnh đập tràn, lại có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc, tép, cá khe nên chi phí về thức ăn chăn nuôi được cắt giảm nhiều, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon.

Để có đầu ra ổn định, chị liên hệ với các tư thương trong vùng trước khi xuất chuồng từ 10 - 15 ngày. Ngoài bán vịt thương phẩm, chị còn tự chế biến các món ăn từ vịt để bán cho các nhà hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện, xã. Sau hơn 15 tháng, hiện gia đình chị đã xuất chuồng được hơn 800 con vịt, trừ chi phí còn lại lãi ròng trên dưới 17 triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp chị quay vòng vốn mở rộng mô hình mà còn có thêm nguồn tiết kiệm để hồi trả lại khoản vốn vay từ nguồn quỹ.

Tại huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều chị em xây dựng được mô hình kinh tế từ nguồn Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo”. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã có 33 nữ công nhân, lao động nghèo được thụ hưởng nguồn vốn vay, từ đó đã tạo được nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả. Cũng như chị Trần Thị Ngọc Ngân, gia đình chị Kha Thị Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Tam Hợp (Tương Dương) thuộc diện khó khăn.

Để tăng thu nhập, ngoài công việc ở trường, chị Hằng trồng thêm cây mét trên vùng đất rừng mà gia đình nhận chăm sóc. Sau khi thu hoạch đợt mét đầu tiên, số tiền chị có được chỉ đủ để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình mà không đủ để chị trồng thêm đợt mới, đất rừng đành bỏ không. Chính lúc này, 10 triệu đồng từ Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo” đã giúp chị đủ tiền để đầu tư đợt mét mới và mua thêm giống cây dược liệu để trồng dưới tán mét. Sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn, sự chịu khó, chăm chỉ của chị Hằng những thửa đất rừng đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn.

Chị Kha Thị Hằng với mô hình trồng mét. Ảnh: CTV

Tại huyện Tương Dương, địa bàn có nhiều lao động từ ngoại tỉnh và nước ngoài phải trở về do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn hỗ trợ từ Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo” đã trở thành “phao cứu sinh” đối với nhiều gia đình.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Tương Dương, trong 2 năm, LĐLĐ huyện đã tiến hành khảo sát, làm thủ tục cho 35 đoàn viên vay vốn đúng quy trình, đúng mục đích, đồng thời thường xuyên quản lý, theo dõi hiệu quả vốn vay. Tuy nguồn vốn cho vay không lớn, song các đoàn viên được vay vốn đã biết lựa chọn đúng mô hình phù hợp với địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn quỹ

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo nữ công LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của công nhân, viên chức, lao động cùng với hoạt động cho vay vốn có hiệu quả của Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo”, hàng năm quỹ đã hỗ trợ cho hàng trăm nữ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn để làm thêm nghề phụ, giúp chị em tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, có nhiều hoàn cảnh đến từ địa bàn miền núi của tỉnh. Với những đối tượng này, khoản hỗ trợ đó nay lại càng ý nghĩa và phát huy hiệu quả”.

Từ nguồn quỹ "Vì nữ công nhân lao động nghèo" mà chị Ngân đã tìm được cho mình mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: CTV

Nhiều năm qua, hoạt động của Quỹ “Vì nữ công nhân, lao động nghèo” có ý nghĩa thiết thực và không ngừng lan tỏa sâu rộng tới các huyện, thị. Cụ thể, nếu như năm 2015, tổng số nguồn quỹ do LĐLĐ các cấp quản lý chỉ là 1.450.460.300 đồng thì đến nay, tổng quỹ hiện có là 3.185.935.875 đồng. Trong đó, 2.060.000.000 đồng đang được vay bởi 5 LĐLĐ huyện (Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa) và 2 CĐCS (Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An).

Có thể khẳng định, nguồn Quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo” đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tháo gỡ và giải quyết kịp thời những khó khăn trong cuộc sống của CNVCLĐ nữ có thu nhập thấp trong tỉnh, tạo điều kiện để họ có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đồng thời góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai các dự án vay vốn cho thấy, hầu hết các dự án đang có quy mô nhỏ, số vốn cho vay hạn chế, thời hạn cho vay và hoàn trả vốn chỉ trong vòng 2 năm. Vì thế, hiệu quả kinh tế của các dự án chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu mong muốn của đông đảo nữ CNVCLĐ.

Nhờ quỹ vay vốn vì nữ CNLĐ nghèo mà chị Hằng đã có thể tiếp tục với mô hình trồng mét. Ảnh: CTV


“Với 10 triệu đồng, hầu hết chị em mới chỉ dừng lại ở những mô hình kinh tế nhỏ nên thu nhập đem lại chưa cao. Chúng tôi mong có thể tiếp cận với nguồn vốn vay nhiều hơn để tập trung cho những mô hình lớn hơn, sau 2 năm chuyển sang cho mô hình khác như vậy thì sẽ có hiệu quả hơn”

chị Cao Thị Châu, đoàn viên công đoàn thị xã Thái Hòa

Băn khoăn của chị Châu cũng là nỗi niềm chung của nhiều chị em. Theo đó, nhiều chị em cho rằng, việc quản lý nguồn vốn quỹ ở cơ sở còn nhiều bất cập. Vì mỗi người được vay 10 triệu đồng thông qua hình thức tín chấp nên phải qua rất nhiều đầu mối nhỏ lẻ, việc thu lãi suất cũng vất vả. Để thực hiện được những công đoạn này, cán bộ nữ công phải là những người thật sự nhiệt tình và chịu khó. Có như vậy nữ CNLĐ nghèo mới có thể tiếp cận với nguồn vốn.
Cán bộ LĐLĐ thị xã Thái Hòa kiểm tra mô hình nuôi gà được vay vốn từ Quỹ vì nữ CNLĐ nghèo. Ảnh: CTV

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng không thể phủ nhận hoạt động của Quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo” đã góp phần có hiệu quả vào chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nữ CNVCLĐ nói chung và nữ công nhân lao động nghèo thuộc địa bàn xã miền núi nói riêng. Đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện vai trò chăm lo đời sống người lao động của tổ chức công đoàn, đồng thời khẳng định tổ chức công đoàn thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên công đoàn.