Việc tổng kết, công bố số liệu là từ kết quả của cuộc tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính nhằm phục vụ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…
Cuộc tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tại Nghệ An được triển khai thực hiện từ ngày 1/3/2021 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1-30/5/2021 nhằm thu thập thông tin của các doanh nghiệp, HTX và đơn vị hành chính sự nghiệp, hiệp hội; Giai đoạn 2 từ ngày 1-30/7/2021 nhằm thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thuộc đối tượng phải thu thập thông tin.
Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2021 cho thấy, trên địa bàn Nghệ An có 10.829 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động, tăng 37,65% so với tổng điều tra kinh tế năm 2017 và tăng 91,8% so với năm 2012. Như vậy, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2017-2021 là 6,6% (mỗi năm tăng 592 doanh nghiệp). Số lượng lao động trong các doanh nghiệp là 197.698 lao động, tăng 2,98%; thu nhập bình quân gần 6,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 941,3 nghìn đồng/tháng so với năm 2017).
Đối với điều tra cơ sở hành chính, kết quả rà soát, đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 2.886 cơ sở thuộc khối hành chính, sự nghiệp, hiệp hội (giảm 42,9% so với năm 2017). Nguyên nhân giảm là do một số đơn vị hành chính và cơ quan sự nghiệp hành chính sáp nhập theo Nghị quyết của Quốc hội. Tương ứng với đó, số lao động trong khối hành chính sự nghiệp giảm 20,59% còn 93.124 người.
Về khối các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đến tháng 7/2021 có 603 cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tăng 11,4% so với thời điểm điều tra năm 2017. Tổng số chức sắc, lao động làm việc thường xuyên trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là 3.471 người.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần, trách nhiệm cao của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức triển khai, thực hiện tổng điều tra về kinh tế và cơ sở hành chính phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, kết quả tổng điều tra là cơ sở quan trọng nhằm đánh giá sự phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng người lao động của các cơ sở kinh tế, cơ sở hành chính; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế, cơ sở hành chính… Qua đó, phục vụ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… của tỉnh.
Để tiếp tục hoàn thiện kết quả tổng điều tra về kinh tế và cơ sở hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Cục Thống kê tỉnh, Sở Nội vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống biểu mẫu, biên soạn và phát hành và công bố minh bạch, rộng rãi các kết quả điều tra theo đúng quy định của pháp luật; Rà soát, chuẩn hóa số liệu điều tra hàng năm và trong 10 năm để tính toán lại chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm...
Dịp này, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tổng điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được Bộ Nội vụ tặng Bằng khen; 2 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tổng điều tra kinh tế năm 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng Bằng khen; 10 tập thể, 10 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021.