Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Kịp thời điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công, cắt giảm vốn từ dự án không giải ngân được sang dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, ngành, địa phương.
Công tác giải ngân vốn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư công từ ngân sách Nhà nước. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án lớn, quan trọng quốc gia có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Thông tấn xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Phát triển (100%), Văn phòng Quốc hội (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (100%)...
Bên cạnh đó, vẫn còn 9/50 bộ và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban Dân tộc (100%) Bộ Thông tin và Truyền thông (96,79%), Bộ Công Thương (65,4%)...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nguyên nhân do năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều nhiệm vụ, dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua mới được giao kế hoạch chi tiết; một số địa phương không đảm bảo nguồn thu để phân bổ cho các dự án do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công; đền bù giải phóng mặt bằng đang là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch được giao, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ước hết tháng 1/2022 còn 20 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70% như: Ủy ban Dân tộc (0%), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,92%), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (5,89%)...