Phá hàng loạt chuyên án lớn
Vài năm trở lại nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin thì loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng diễn ra ngày càng nhiều. Qua nắm bắt tình hình, Công an huyện Nghi Lộc phát hiện nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi, chiếm đoạt số tiền lớn của người dân trên địa bàn nội huyện, nội tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác. Vì vậy, nhiều chuyên án lớn đã được xác lập với quyết tâm đấu tranh đến cùng với lại tội phạm này.
Điển hình như ngày 2/8/2020, Công an huyện Nghi Lộc chủ trì phối hợp với Công an xã Sùng Phài, Công an TP. Lai Châu phá thành công chuyên án 720L về “Sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản” bắt Trần Thị Ngọc, SN 1997 trú tại xã Sùng Phài. Số tiền mà Ngọc lừa đảo, chiếm đoạt được của các bị hại lên đến 3,5 tỷ đồng. Để bắt được đối tượng này, Công an huyện Nghi Lộc đã phải dày công lần tìm dấu vết của đối tượng trên không gian mạng, sau đó xác minh và đến tận địa bàn Lai Châu để phá án.
Trước đó vào tháng 7/2020, Công an huyện Nghi Lộc cũng đã phối hợp với Công an huyện Giao Thủy ( Nam Định) bắt giữ Lê Thị Trang, SN 1997 trú ở Nam Định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trang đã sử dụng 5 tài khoản ngân hàng giả mạo để bán hàng online, yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc trước khi chuyển hàng. Sau khi khách chuyển tiền cọc thì Trang chặn tài khoản, cắt liên lạc. Chỉ trong thời gian ngắn Trang đã lừa đảo các bị hại trên khắp cả nước trót lọt 30 vụ việc, số tiền gần 500 triệu đồng.
Không chỉ bắt các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao ở ngoại tỉnh, mà Công an huyện Nghi Lộc còn phá nhiều chuyên án xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ví như chuyên án 0220L ngày 21/2/2020 bắt giữ Lê Thị La Na, SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn. Na đã dùng facebook để lừa đảo bán hàng online để chiếm đoạt khoảng 200 triệu đồng. Tiếp đó là chuyên án 420L ngày 14/4/2020 bắt Nguyễn Đình Tuấn, SN 1993 trú tại xã Vĩnh Thành, Yên Thành với hành vi dùng facebook lừa bán khẩu trang y tế, sim điện thoại. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc thì Tuấn chặn liên lạc và không chuyển hàng.
Nhận diện thủ đoạn của tội phạm
Thiếu tá Nguyễn Đình Cường - Đội trưởng Đội CSHS-KT-MT (Công an huyện Nghi Lộc) cho biết, công tác đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ phải nỗ lực hết mình. Bởi đây là loại tội phạm mới, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động phạm tội chủ yếu trên không gian mạng nên tính ẩn danh cao khiến công tác truy vết rất khó khăn. Hơn nữa, để đấu tranh với loại tội phạm này, các trinh sát không chỉ phải tinh thông công nghệ thông tin mà còn phải di chuyển nhiều địa điểm, liên hệ phối hợp với nhiều địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh với mức chi phí lớn.
Thiếu tá Nguyễn Đình Cường cũng cho biết, song song với đấu tranh phá án, công an huyện Nghi Lộc cũng đã tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận biết các dấu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và cách phòng chống với nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh các khối xóm, qua các đợt công tác ở cơ sở... Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ công an huyện Nghi Lộc cũng đã trực tiếp phối hợp với các cấp ủy, chính quyền giúp người dân nhận biết các hình thức của tội phạm sử dụng công nghệ cao như: đánh bạc qua mạng (cá độ bóng đá, lô đề, các trò chơi online có cược tiền…), lừa đảo qua mạng.
Ví như trường hợp chị B.T.T ở xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc, vì nghe theo lời rủ rê chơi số đề của một tài khoản facebook mang tên “Nguyễn Công Thuận” nên đã nhiều lần chuyển cho đối tượng tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi mất nhiều tiền, chị B.T.T đã trình báo công an huyện Nghi Lộc. Sau khi lập chuyên án 118L để đấu tranh, Công an Nghi Lộc đã xác minh được 16 đối tượng liên quan trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, và bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Nhật Rôn đều SN 1995. Vụ án sau đó được xét xử, Nguyễn Nhật Rôn bị xử 30 tháng tù giam, Nguyễn Phúc 12 tháng tù giam.
Đại diện Công an huyện Nghi Lộc chỉ rõ, các hành vi lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay là sử dụng mạng xã hội facebook và zalo làm phương tiện gây án. Chúng thường hack facebook để chiếm quyền điều khiển, sau đó dùng facebook chiếm được nhắn tin cho người thân, bạn bè của nạn nhân để vay tiền. Một hình thức khác mà tội phạm sử dụng công nghệ cao thường áp dụng là giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện, làm giả các lệnh bắt gửi qua zalo để đe dọa các nạn nhân có dính líu đến buôn ma túy, rửa tiền và yêu cầu nạn nhân chuyển hết tiền vào tài khoản để điều tra. Hoặc các đối tượng phạm tội sẽ lập các facebook giả danh người nước ngoài, sau đó nhắn tin làm quen các phụ nữ nhẹ dạ để lấy lòng tin. Tiếp đó thông báo gửi quà từ nước ngoài về và phối hợp với đồng bọn yêu cầu nạn nhân gửi chi phí nhận quà.
Một số đối tượng khác thì tìm các tài khoản facebook bán hàng online để lừa đặt mua hàng với số lượng lớn như vụ việc của đối tượng Nguyễn Minh Tuấn ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tuấn đã lập facebook giả danh Việt kiều ở nước ngoài để đặt mua hàng của các nạn nhân trong nước. Sau khi lừa đặt hàng và sẽ chuyển tiền, Tuấn xin số tài khoản của bị hại, rồi sử dụng dịch vụ nhắn tin SKYPE có đầu số nước ngoài nhắn cho nạn nhân với nội dung ngân hàng nước ngoài thông báo có tiền sắp chuyển vào tài khoản. Rồi Tuấn gửi kèm một đường truy cập do hắn tự tạo giả mạo các ngân hàng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền Westernunion. Khi nạn nhân nhập mật khẩu tài khoản trên đường truy cập đó thì Tuấn chiếm luôn tài khoản, rút toàn bộ tiền mà nạn nhân có. Chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, trong số các nạn nhân bị Tuấn lừa có chị N.T.T ở xã Bồi Sơn (Đô Lương) bị chiếm đoạt 200 triệu đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, tội phạm sử dụng công nghệ cao là hình thức tội phạm mới, có tính chất, mức độ gây thiệt hại đặc biệt lớn, được Interpol đặt ngang hàng với tội phạm khủng bố. Sớm nhận diện loại tội phạm này, chỉ trong thời gian ngắn, Công an huyện Nghi Lộc đã triệt phá được 8 chuyên án lớn cả ngoại tỉnh và trong tỉnh. Thời gian tới, bên cạnh tăng cường đấu tranh, triệt xóa, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị sập bẫy của những đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.