TAND Hà Nội vừa chuyển hồ sơ vụ án Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) cùng 21 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC lên TAND Cấp cao tại Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử phúc thẩm.

Đến nay có 15 trong tổng số 22 bị cáo có đơn chống án. Ngoài ra, anh Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) kháng cáo đề nghị được trả lại tài sản.

152823-1.jpgBị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên sơ thẩm vụ án thứ hai. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, ngày 22/1, bản án sơ thẩm đã tuyên có nêu về việc kê biên tài sản của bị cáo Trịnh Xuân Thanh gồm Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); xe Mazda CX5 đã giao cho con trai bảo quản. Ngoài ra, tòa cũng phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh, cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương); phong tỏa chứng khoán của vợ chồng ông Thanh, không cho chuyển nhượng để đảm bảo thi hành án.

Không đồng ý nội dung phán quyết này, anh Trịnh Hùng Cường đã làm đơn đề nghị được trả lại Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, ôtô Mazda CX5. Anh Trịnh Hùng Cường cho rằng đây là tài sản do ông bà cho mình, không thuộc tài sản phải thi hành án.

Trước đó, sau bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) kháng cáo kêu oan. Bị cáo Thanh cho rằng, bị cáo không tham gia vào các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản. Bị cáo Thanh nhận mức án tổng hợp hai tội danh này là tù chung thân.

Bị cáo Phùng Đình Thực (nhận 9 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khoản 3, Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999) cho rằng, tòa chưa cá thể hóa hành vi, trách nhiệm của từng bị cáo trong Ban Tổng giám đốc PVN, dẫn đến chưa đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của bị cáo trong việc chỉ đạo thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, khiến bị cáo cảm thấy mình bị hàm oan. 

Hầu hết các bị cáo kháng cáo còn lại đều xin giảm nhẹ hình phạt tù, giảm nhẹ mức bồi thường dân sự, xem xét áp dụng bổ sung các tình tiết giảm nhẹ... Trong đó có các bị cáo: Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh...

Riêng đơn kháng cáo của bị cáo Trương Quốc Dũng (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) không xin giảm nhẹ hình phạt tù mà chỉ xin giảm nhẹ mức bồi thường dân sự và giảm tiền án phí dân sự. Bị cáo nhận 17 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, phải bồi thường 2,3 tỷ đồng và nộp 79 triệu tiền án phí dân sự.