Phát hiện 359 đơn vi có vi phạm
Trong năm 2018, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 277 cuộc thanh tra hành chính tại 580 đơn vị, phát hiện 359 đơn vị có vi phạm với số tiền và kiến nghị xử lý hơn 92,7 tỷ đồng; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý hơn 19.817m2 đất. Qua thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 64 tổ chức, 147 cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc.
Toàn ngành cũng đã thực hiện 1.229 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 7.345 cá nhân, tổ chức. Qua đó, ban hành 2.617 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 2.298 cá nhân và 319 tổ chức với số tiền xử phạt vi phạm là hơn 11,1 tỷ đồng. Vi phạm tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công thương và Khoa học & Công nghệ.
Trong năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 6.861 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổng số đơn thư các cơ quan hành chính nhận được là 8.150 đơn. Tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền là 384 vụ việc, tăng 15% so với năm 2017. Các cơ quan đã giải quyết được 370 vụ việc. Trong năm, trên địa bàn tỉnh có 4 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp đang được giải quyết.
Về công tác phòng chống tham nhũng, qua công tác tự kiểm tra nội bộ thì không phát hiện hành vi vi phạm tham nhũng. Qua công tác thanh tra đã phát hiện 359 đơn vị có vi phạm với số tiền và kiến nghị xử lý hơn 92 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thụ lý 6 vụ/20 bị can; Tòa án nhân dân đã xét xử 5 vụ/8 bị can.
Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã phát hiện gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân hơn 17,1 tỷ đồng. Qua thanh tra cũng phát hiện 46 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 110 tổ chức, 449 cá nhân có vi phạm trong thực thi nhiệm vụ công vụ.
Còn nhiều hạn chế
UBND tỉnh đánh giá, công tác thanh tra đã đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, các kết luận thanh tra ngoài việc kiến nghị xử lý số tiền sai phạm còn chú trọng kiến nghị các hình thức xử lý đối với cá nhân có hành vi sai phạm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có nhiều chuyển biến, số công dân đến trụ sở, đơn thư khiếu nại giảm so với năm 2017.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc phức tạp, điểm nóng được quan tâm xử lý có hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phòng ngừa tham nhũng được thủ trưởng các cơ quan và tổ chức chính trị được quan tâm, các ngành tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng.
Tuy nhiên, nhiều tồn tại hạn chế cũng được chỉ ra như: việc đôn đốc, thu hồi từ các kết luận, quyết định sau thanh tra chưa có kết quả cao, số tiền tồn đọng vẫn còn lớn. Một số ngành chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân, vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị có nơi thực hiện chưa đầy đủ.
Việc xử lý đơn còn lòng vòng, trùng lặp, không đúng quy định và phù hợp với thực tế nên không dứt điểm. Còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai nhưng không chịu sửa, làm cho việc giải quyết kéo dài, cá biệt có cơ quan thực hiện không đúng trách nhiệm, thẩm quyền, có hành vi bao che, cố ý làm sai.
Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả cao, việc kê khai, công khai minh bạch tài sản còn mang tính hình thức, chưa có cơ sở khẳng định tính chính xác tài sản, thu nhập của người kê khai.
Một số ít cán bộ, công chức còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi. Các cơ quan đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc tự kiểm tra nội bộ về công tác phòng chống tham nhũng, còn coi nhẹ công tác này.