Thiếu, yếu các phòng chức năng
Buổi sáng, đoàn đã khảo sát trực tiếp tại 4 trường học, gồm: Trường THPT Thanh Chương 1, Trường THPT Thanh Chương 3, Trường THCS Tôn Quang Phiệt, Trường Mầm non thị trấn Dùng.
Qua khảo sát cho thấy, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo từ sớm. Bằng chứng là cả 4 trường này đều đạt chuẩn quốc gia ở giai đoạn 2001 - 2004.
Tuy nhiên, do các trường được công nhận đạt chuẩn cách đây hơn 15 năm, cơ sở vật chất cơ bản được xây dựng ở giai đoạn đó nên hiện nay đã xuống cấp.
Cụ thể, tại Trường THPT Thanh Chương 1 hiện đang thiếu phòng đa chức năng và khu hành chính quản trị không đảm bảo; hay Trường THPT Thanh Chương 3, mặc dù đủ các phòng chức năng nhưng diện tích chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu.
Tương tự tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt, phòng thực hành Hóa – Sinh chỉ đáp ứng 60% yêu cầu; phòng thực hành đang phải sử dụng phòng truyền thống; phòng tin học, ngoại ngữ chưa đảm bảo về diện tích, trang thiết bị phòng ngoại ngữ không sử dụng được; thiếu phòng giáo dục nghệ thuật, phòng thường trực, công đoàn, phòng tư vấn.
Đối với Trường mầm non thị trấn Dùng, ngoài các phòng học gắn với khu vực vệ sinh cho trẻ được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp thì khu vực trải nghiệm, trang thiết bị phục vụ cho trẻ vui chơi, hoạt động ngoài trời chưa đảm bảo; thiếu một số phòng chức năng; tỷ lệ giáo viên chưa được bố trí đúng chuẩn theo quy định…
Hiện tại các trường nêu trên chưa được thẩm định để công nhận lại theo quy định và nếu thẩm định lại chắc chắn cũng không đạt chuẩn.
Tỷ lệ trường chuẩn chỉ đạt 51,56%
Buổi chiều, làm việc với UBND huyện Thanh Chương, đoàn đã ghi nhận kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện với 90/128 trường đã được công nhận, đạt 70,03%.
Huyện cũng đã quan tâm thẩm định, công nhận lại các trường đạt chuẩn sau thời hạn 5 năm theo quy định với tổng 36 trường thuộc 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS.
Bên cạnh đó, vấn đề được đoàn giám sát quan tâm là trên địa bàn huyện hiện có 24/90 trường mầm non, THCS, THPT quá thời hạn công nhận trường chuẩn chưa được thẩm định công nhận lại, đồng nghĩa là không còn danh hiệu trường chuẩn. Nếu trừ 24 trường chưa được thẩm định công nhận lại, thì số trường đạt chuẩn quốc gia thực chất trên địa bàn Thanh Chương chỉ còn 66 trường, đạt 51,56%.
Ngoài ra có 5 trường đến hạn để thẩm định nhưng chưa đưa vào kế hoạch để thẩm định công nhận lại. Vậy trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tham mưu của Phòng Giáo dục - Đào tạo trong công tác này như thế nào cần phải làm rõ.
Báo cáo với đoàn giám sát về công tác xây dựng trường chuẩn, Quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương Nguyễn Thị Hằng cho rằng, thời gian qua, đơn vị đã chủ động chỉ đạo các trường học quá hạn công nhận trường chuẩn tự kiểm tra, đánh giá.
Qua kiểm tra có 4 trường mầm non; 5 trường THCS tự đánh giá không đảm bảo đủ các điều kiện đạt chuẩn. Bên cạnh đó Phòng Giáo dục huyện chỉ đạo các trường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch đầu tư để hoàn thiện các tiêu chuẩn.
Thực tế cho thấy, vẫn còn một số địa phương chưa quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng trường chuẩn; chưa bám sát lộ trình, chưa có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn.
Cùng với quan tâm để có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đối với các trường hết thời hạn công nhận và trong lộ trình xây dựng chuẩn, đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện quan tâm đến các tiêu chí nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, kể cả chất lượng giáo dục tại các khu tái định cư cũng như tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm, tạo kỹ năng sống và môi trường sư phạm sạch sẽ, an toàn cho học sinh…