(Baonghean) - Trong tháng 8, đoàn công tác chúng tôi lên Tương Dương để kiểm tra công tác phát hành báo chí, khi nắm qua tình hình ở Bưu điện, lãnh đạo Bưu điện huyện khẳng khái: Huyện đã hình thành mạng lưới phát hành khép kín từ huyện đến thôn bản. Mỗi xã có 1 bưu tá, làm việc theo chế độ hợp đồng trách nhiệm nên việc phát hành tốt lắm! 8 xã, thị trấn trên tuyến Quốc lộ 7 và 3 xã vùng trong (Yên Na, Yên Hòa, Nga My) cách huyện lỵ 50-60 km báo đảng đến tay bạn đọc trong ngày. 3 xã: Yên Tĩnh, Yên Thắng, Xiêng My, sau 2 ngày báo đến tay người đọc; xã biên giới Tam Hợp 3 ngày có báo đọc; các xã thượng nguồn sông Nậm Nơn (Hữu Khuông, Luân Mai, Mai Sơn), đường xá cách trở nhưng muộn lắm cũng 1 tuần là báo đến độc giả.

Xuống làm việc với lãnh đạo 2 xã Yên Hòa và Yên Thắng, ông Mộng Văn Sính - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa nói: Báo Nhân Dân và báo Nghệ An được cấp phát đầy đủ. Mỗi loại tôi cũng có một tờ.  Chủ tịch xã Yên Thắng còn lấy trong tủ làm việc ra 2 số báo (30/7 và 2/8) khoe, báo Nghệ An của tôi đây. Hỏi Lô Văn Thành - bưu tá xã Yên Hòa về việc chuyển phát báo, anh nhanh nhảu: “Báo chí trên chuyển về hàng ngày và tôi cũng chuyển cho họ trong ngày với bản gần, bản xa thì 2 ngày một lần”. Còn xã Yên Thắng, bên cạnh báo cáo phát báo kịp thời, đầy đủ, chị bưu tá còn cho đoàn xem cuốn sổ ký nhận công văn báo chí hàng ngày trong sổ ghi rất rõ ràng có cả tên, địa chỉ, ngày nhận, với chữ ký ngoằn nghèo.

Nghe xã báo cáo và xem cuốn sổ ký nhận báo chí, một thành viên trong đoàn công tác rỉ tai: “Sổ sách rõ ràng, bí thư nói như đinh đóng cột, miền núi làm được rứa là tốt lắm, phải viết bài khen nha anh!”. “Được, nhưng phải đến một vài đối tượng mua cấp báo tìm hiểu và kiểm tra danh sách cấp phát đã”.

Xuống bản Coọc, xã Yên Hòa - bản trung tâm, nằm sát UBND xã trên Quốc lộ 48B, vào nhà bác Lượng - người uy tín (theo tiêu chuẩn bác được cấp 1 số báo Nghệ An), nhưng thực tế được nhận 2 loại: Báo Nhân Dân và báo Nghệ An. “Họ phát cho bác có đều không?”. “Không đều, lâu lâu mới được nhận một lần”. “Báo đâu rồi”. “Ở trong tủ đây”. Bác mở tủ ôm ra một chồng toàn là báo Nhân Dân và báo Nghệ An, mỗi loại có tới 2-3 tờ/số. Ví như báo Nghệ An: ngày 25/7 hai tờ và các số ra ngày 26, 29, 30/7 đều 3 tờ/ngày; báo Nhân Dân số ra từ 29-30/7 mỗi ngày có 2 tờ. Điều đáng tiếc, hôm đó đã ngày 8/8 rồi mà báo Nghệ An tháng 8 bác vẫn chưa nhận được số nào.

Tới bản Xiêng Líp (Yên Hòa) cũng nằm sát Quốc lộ 48B  việc cấp phát báo cho bí thư bộ và người có uy tín càng tồi tệ hơn. Vào nhà bác Nghĩa - thuộc đối tượng người uy tín được cấp phát báo, hỏi bác có nhận được báo Nghệ An thường xuyên không! Bác hài hước trả lời: “Có, nhưng cháu nó làm bên xã Yên Tịnh lấy về cho xem!”. Đến Bí thư chi bộ Lương Văn Thôn, các thành viên đoàn kiểm tra thật ngao ngán khi nghe đồng chí này nói mỗi tháng được bưu tá xã phát cho 2 lần, mỗi lần một cục to với cơ man các loại (Tiền Phong, Nông Thôn, Nông Nghiệp, Văn Hóa, Pháp Luật, Nhân Dân, Nghệ An…), trong khi nhà của bưu tá Lô Văn Thành chỉ cách đây 500 mét.

801659_small_103874.jpg

Tháng 7 và đầu tháng 8, Bí thư Chi bộ bản Xiềng Líp không có báo Nghệ An
và báo Nhân Dân.

Kiểm tra trong tủ lưu trữ báo của vị bí thư chi bộ này, tháng 7 và tháng 8 năm 2013 không có báo Nhân Dân và Báo Nghệ An mặc dù thời điểm kiểm tra đã là ngày 8/8, còn tháng 6 lác đác có 2 loại báo này nhưng mỗi loại đều 3 tờ/ngày; Riêng Tiền Phong ngày 9/6 có tới 10 tờ đang nguyên tệp. “Tại sao báo không đủ, không đều?”. “Ta không biết. Nó đưa cho mình chỉ có từng ấy” -  ông Thôn trả lời. Gọi bưu tá đến để chứng kiến sự việc và chất vấn vì sao báo phát không kịp thời, vượt số lượng quy định, lại không đủ các số ! Thành  đứng lặng như trời trồng.

Việc cấp phát báo đảng cho người uy tín và chi bộ tại xã Yên Thắng có phần khá hơn, nhưng toàn bộ các số báo ra ngày 3 - 7/8/2013, Bưu điện huyện chuyển về mấy ngày rồi vẫn đang nằm nguyên tại nhà bưu tá Lương Thị Đắm. Hỏi tại sao chưa phát, Đắm nói mấy ngày nay mưa chưa đi được. Ừ cho là mưa không đi được xa. Nhưng hỏi “Tại sao Bí thư chi bộ Trung Thắng - Vi Văn Mái, chỉ cách nhà bưu tá Đắm mười bước chân mà vẫn không đưa để không có báo đọc từ số 1 - 8/8” thì Đắm ngồi im.

Báo, tạp chí của Đảng là tài liệu, tiếng nói chính thống của Đảng, giúp các tổ chức đảng và đảng viên, người uy tín ở các vùng nông thôn, nhất là nông thôn miền núi làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đấu tranh với các tư tưởng quan điểm sai trái, phản động, các hành vi tiêu cực, các tệ nạn xã hội, tạo sự đồng thuận đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững  quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị.

Kiểu cấp phát báo vô trách nhiệm của các bưu tá như trên rõ ràng không chỉ đã làm trái nguyên tắc quy định, trái lương tâm của nhân viên bưu chính mà còn làm mất vai trò, vị trí của báo chí, gây ảnh hưởng xấu đến công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng trong Đảng và nhân dân là rất đáng chê trách. Và càng chê trách hơn là đã làm sai, làm kém, còn báo cáo láo, cấp ủy cơ sở và ngành chuyên môn quan liêu không kịp thời phát hiện ngăn chặn. Nếu tình hình này không sớm khắc phục, thì hậu quả là thông tin, báo chí của Đảng không đến được cán bộ, đảng viên, nhân dân. Do đó, công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng ở đó khó đem lại kết quả tốt, ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.


Hải Yến