(Baonghean)- Những ngày đầu năm 2012 này, khi mùa Xuân vẫn còn đang ở lại, thì doanh trại của Trung đoàn 764 (Bộ CHQS tỉnh) lại như càng thêm "xuân" hơn, bởi sự hiện diện của 50 nữ tân binh về trong mùa huấn luyện. Vốn dĩ chốn thao trường chỉ quen với hình ảnh các chàng lính trẻ, nay lại có nữ chiến sỹ, cũng lăn, lê, bò toài. Tôi lại nhớ lời một bài hát của nhạc sỹ Thuận Yến "Ở nơi xa, mẹ có hay chăng/ Con gái mẹ đã thành chiến sỹ..."
Theo Thiếu tá Nguyễn Huy Chung, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 764, gần đây nhất là từ năm 2003, đơn vị (lúc đó còn là Tiểu đoàn 41) mới có nữ tân binh. Hình ảnh của các nữ chiến sỹ xuất hiện ở đơn vị huấn luyện tân binh đã như làm dịu đi không khí đẫm mồ hôi của thao trường. Bộ đội nữ thì hẳn nhiên là có chút khác biệt với nam giới. Nhưng vào quân đội, tất thảy đều phải tuân theo kỷ luật, bởi "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội". Tuy nhiên, bộ đội, nhưng là bộ đội nữ, thì vẫn có những gì đó rất riêng.
Các nữ tân binh luyện tập bắn súng.
Tại khu vực sân huấn luyện của trung đoàn, chúng tôi được chứng kiến đội hình của Trung đội 8 (Đại đội 3, Tiểu đoàn 41) đang trong buổi tập đội ngũ của 25 nữ tân binh. Mặc dầu chỉ mới mấy ngày vào đời quân ngũ (từ 8/2), nhưng xem ra, cánh chị em cũng hàng lối đã đâu ra đấy.Thiếu úy Nguyễn Thị An (Trung đội phó) vừa sửa động tác chào cho từng chiến sỹ đúng điều lệnh, vừa nói: "Huấn luyện nữ tân binh tất nhiên cũng có cái khó riêng. Tay chân thiếu nữ vốn mềm mại, nay dập khuôn theo đúng điều lệnh nghiêm nghỉ quân đội, bước đầu cũng phải uốn nắn nhiều. Nhưng được cái các em đều có nhận thức, xác định tư tưởng tốt nên cũng thuận lợi cả thôi!".
Năm nay, Trung đoàn 764 tiếp nhận 50 nữ tân binh (trong tổng số 137 người đợt này). Các chiến sỹ nữ đến từ nhiều miền quê của 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Từ Triệu Sơn, Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh) cho đến Bố Trạch, Minh Hóa (Quảng Bình), vào tận Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thủy của Thừa Thiên - Huế. Trong đó, Nghệ An đông nhất với 24 người, Thanh Hóa 4 người, Hà Tĩnh 9 người, Quảng Bình 6 người, Quảng Trị 4 người và Thừa Thiên-Huế 3 người.
Đây là số chiến sỹ do Quân khu giao trung đoàn tổ chức huấn luyện, được tuyển từ 6 tỉnh trực thuộc. Một điều thật đáng khâm phục khi trong số 50 nữ chiến sỹ, có 3 bạn đã tốt nghiệp đại học, 13 tốt nghiệp cao đẳng và 12 tốt nghiệp trung cấp. Tân binh Đinh Thị Hòa, sinh năm 1988, ở Trung đội 7, quê ở xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc-Nghệ An), đã từng tốt nghiệp khoa Toán ĐH Vinh năm 2010, cũng đã từng là cô giáo gia sư khá "mát tay" cho nhiều lứa học trò. Ngày mới vào đơn vị, được bố chở đến, nhìn cảnh quan, bạn bè, Hòa đãhòa nhập rất nhanh. "Cho đến bây giờ, em vẫn chưa thấy gì gọi là khó khăn anh ạ!". Cô cựu SV khoa Toán này rắn rỏi. Chắc lẽ, những năm tháng sinh viên đã kịp làm cầu nối cho Hòa dễ dàng đến với môi trường quân đội hơn chăng?
Chưa hẳn vậy, bởi như Lê Thị Thương, sinh năm 1990, cũng là cựu SV Cao đẳng Kế toán của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (cơ sở Thanh Hóa), nhà ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) thì thú nhận: "Em cũng đã...khóc vài lần vì nhớ nhà. Hồi đi học, trường gần nhà, đây là lần đầu tiên xa nhà, lại thấy nhiều bạn gần nhà có người thân đến thăm nên em...tủi thân!". Còn Nguyễn Thị Mai Thảo, cô gái xứ Huế thì khá mơ mộng: "Em ra với xứ Nghệ lần đầu tiên trong đời, thấy xứ Nghệ nhộn nhịp hơn so với nét lặng lẽ của xứ Huế. Người xứ Nghệ cũng thiệt là thân thiện, dễ mến. Nhưng chỉ có tiếng nói hơi...chưa quen, nên em toàn phải im lặng ngồi nghe để hiểu từ từ!".
Một ngày của các nữ tân binh bắt đầu từ giờ báo thức, tập thể dục sáng để tiếp nối các chương trình huấn luyện theo giáo án, buổi tối tổ chức sinh hoạt tập thể các cấp. Hôm chúng tôi đến đơn vị, đã hơn 1 tuần là chiến sỹ nhưng các cô gái vẫn vẹn nguyên nụ cười thiếu nữ. Khi giơ máy ảnh lên, mặc dầu đang chờ đến lượt đoàn y, bác sỹ Đội vệ sinh - phòng dịch (QK4) khám tổng thể sức khỏe lần cuối, các nữ tân binh vẫn nhoẻn cười rạng rỡ, tay giơ lên thành biểu tượng chữ V, nghiêng đầu làm duyên và cười rúc rích. Những ngày đầu này, các nữ tân binh cơ bản huấn luyện ngoại khóa, học và thực hiện 11 chế độ trong ngày của quân đội, biết các điều lệnh nghiêm, nghỉ, tiến, lùi, chào...
Nghe thì dễ, nhưng ở nhà, vốn quen được cưng chiều, nếu không xác định tư tưởng tốt, có ý chí vững vàng thì cũng khó hòa nhập. Như chiến sỹ Phạm Thị Hòa, là con út trong gia đình 4 anh chị em, quê ở Kim Liên (Nam Đàn), chắc cũng hay được chiều lắm. Mặc dầu năm nay mới 19 tuổi, nhưng Hòa khá rắn rỏi: "Vào quân đội, em rất muốn được phục vụ lâu dài trong môi trường này, có lẽ do em học từ bố, bởi bố cũng đang là sỹ quan quân đội. Em vào đơn vị thấy rất vui, lại được đánh bóng chuyền thường xuyên, là môn thể thao mà em thích".
Hầu như tất cả các nữ tân binh chúng tôi gặp, đều chung một nguyện vọng là được phục vụ lâu dài trong quân đội. Đó là nguyện vọng đẹp đẽ và cao cả. Trong số họ, có hơn 1 nửa đã tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH và trung cấp, nay chọn con đường binh nghiệp, vẫn biết là lắm chông gai, nhưng một khi đã chọn, nghĩa là các bạn đã xác định một hướng đi đáng tự hào.
Chị cả của 50 nữ tân binh là Cao Thị Phương Thái (sinh năm 1987) quê mãi tận Trung Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình), là đảng viên từ năm 2010 đã rất ra dáng đàn chị khi được giao ngay làm tiểu đội trưởng " Em xác định tư tưởng phục vụ lâu dài trong quân đội, lại là đảng viên, nên thường xuyên nhắc nhở mọi người, đầu tiên là dỗ dành mỗi khi các bạn...khóc vì nhớ nhà".
Xin kết lại bài viết này bằng lời của tân binh Nguyễn Thị Mai Thảo, sinh năm 1988, quê ở Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), là người xa nhà nhất. Khi được hỏi "Qua báo Nghệ An, em có muốn nhắn gửi gì về cho gia đình không?", Thảo trả lời: "Con ở đây được đơn vị quan tâm chu đáo, chúng con được huấn luyện tốt. Ba mẹ ở trong nớ đừng lo gì cả nhen. Bữa sau con về, ba mẹ thấy con khác nhiều lắm đó!".