(Baonghean)- Một thời chưa xa, địa danh Nhôn Mai (Tương Dương) luôn gợi lên trong tâm tưởng mỗi người về sự cheo leo, heo hút, là chốn sơn cùng thủy tận, thâm sơn cùng cốc. Giờ khác, xã rẻo cao biên giới này không còn vời vợi xa cách.

Khi con đường thông tuyến

Gần 10 năm trước, lần đầu tiên đến Nhôn Mai, tôi phải ngồi thuyền ngược sông hết 5 giờ, vượt bao thác ghềnh hiểm trở, rồi cuốc bộ 2 giờ nữa mới tới được trung tâm xã. Nếu tính cả quãng đường từ Vinh lên bến Thượng Lưu (Yên Na) thì lên tới non 2 ngày. Lần này, xe khách xuất phát từ Vinh, ngược quốc lộ 48, lên trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) rồi rẽ theo tuyến đường Tây Nghệ An. Ước tính quãng đường khoảng 250km, thời gian đi khoảng hơn 7 giờ đồng hồ, nghĩa là ăn bữa trưa ở Vinh và có thể lên Nhôn Mai ăn bữa tối.

images1789115_nhon_mai_1.jpgBản Nhôn Mai (trung tâm xã Nhôn Mai- Tương Dương) đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Công Kiên

Khi lần đầu tiên đến Nhôn Mai, tôi cứ nghĩ nơi đây sẽ còn rất lâu mới có đường nhựa đi qua. Bởi núi non trập trùng và hiểm trở, sông suối chằng chịt và quanh co, sức lực đâu mà mở đường? Một cụ già Khơ mú ở bản Xói Voi nói rằng: “Ta nghe nói có những chiếc xe làm bằng sắt chở được mấy chục người nhưng chưa được thấy, có lẽ ở đây phải thêm mấy đời nữa mới được tận mắt nhìn”.

Và, ngay cả lúc Chủ tịch xã Kha Dương Tiến nói về tuyến đường Tây Nghệ An qua địa bàn nhưng tôi vẫn nghĩ là con đường... trong mơ. Hiện ông Tiến là Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, gặp lại ông không dấu được vẻ vui mừng: “Bây giờ đường đã có, điện lưới  đã đến nhiều bản, cánh sóng của các nhà mạng đã vươn tới, học sinh đã có nhà ở bán trú. Những điều ao ước bấy nay đã thành sự thật, chỉ còn thiếu chợ nhưng hàng hóa thì không thiếu, cửa hàng tạp hóa đang thi nhau mọc lên”.

Niềm vui của bà con xã Nhôn Mai (Tương Dương) khi con đường Tây Nghệ An thông tuyến. Ảnh: Công Kiên.

 Theo chân Chủ tịch xã Lương Xuân Hiệp đi dọc con đường Tây Nghệ An, tôi được chứng kiến bao sự đổi thay, các công trình phúc lợi dân sinh đã được kiên cố hóa. Những đứa trẻ tung tăng đến trường trên những chiếc xe đạp, khác xa với cảnh băng rừng, lội suối năm xưa. Anh Hiệp lên Nhôn Mai vào thời điểm tuyến đường Tây Nghệ An hoàn thành, việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, tạo đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Hướng đi đã mở

“Có đường, có điện là cách nghĩ, cách làm của bà con tự khắc thay đổi, không ít hộ gia đình đã thể hiện sự năng động, nhanh nhạy trong cung cách làm ăn, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng”- vị Chủ tịch trẻ nói một cách hào hứng. Để minh chứng điều vừa nói, anh dẫn tôi sang bản Thằm Thẩm - điểm giáp ranh giữa huyện Tương Dương và Quế Phong.

Mô hình thí điểm trồng cây chanh leo của Và Bá Ka, bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

 Cách trung tâm xã gần 20km, từ khi đường thông tuyến, gần 20 hộ đồng bào Khơ mú và Mông cuộc sống đã đổi khác. Bà con bắt đầu vượt ra khỏi cách làm ăn tự cung tự cấp để chuyển sang sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, 7 hộ ở Thằm Thẩm đang được thí điểm dự án trồng cây chanh leo và hứa hẹn một sự “đổi đời”. Nơi đây chỉ cách trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong)- “thủ phủ”  cây chanh leo hơn 10km, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng gần như tương đồng.

Trong 7 gia đình trồng chanh leo, hộ của Và Bá Ka được đánh giá là hiệu quả nhất. Với hơn 269 gốc, từ đầu mùa đến nay gia đình anh đã thu nhập được gần 50 triệu đồng, hiện trong vườn vẫn chưa thu hoạch hết. Và Bá Ka (SN 1986) là Bí thư chi bộ bản, vừa nhiệt tình tham gia công tác xã hội, vừa siêng năng và biết cách làm ăn. Chúng tôi ghé thăm đúng lúc anh vừa trở về từ hội nghị biểu dương nông dân sản xuất giỏi do huyện tổ chức và được báo cáo tham luận về kinh nghiệm làm giàu.

Niềm vui của Và Bá Ka khi lứa chanh leo đầu tiên đã thu về 50 triệu đồng, trong vườn hiện vẫn chưa thu hoạch hết. Ảnh: Công Kiên.

Đúng 9 năm trước, từ 10 triệu tiền vay vốn của Ngân hàng CSXH, Và Bá Ka mua 2 con bò nái và tiếp tục đầu tư sinh lời. Đến nay, gia đình anh có 37 con bò, 7 con trâu, 10 con lợn và hàng trăm con gà đen; ngoài ra còn có 0,5 ha ruộng nước, 30 gốc mận và 200 gốc đào bán vào dịp Tết. Năm 2015 anh tham gia dự án thí điểm trồng chanh leo. Bình quân từ năm 2012- 2015, Và Bá Ka thu nhập gần gần 100 triệu đồng/ năm; riêng năm 2016 lên tới 150 triệu đồng.

Nhưng Và Bá Ka vẫn chưa phải là “quán quân”, ở Nhôn Mai phải kể đến ông Và Bá Chày (bản Thằm Thẳm) với hơn 1,5ha ruộng nước, mấy sào ao cá, hơn 50 con trâu-bò, 30 con lợn, gà đếm không xuể, đào và mận cả rừng. Ở bản Huồi Cọ có ông Và Xay Pó có hơn 70 con trâu- bò, tính bình quân mỗi con 20 triệu đồng, vị chi đã có 1,4 tỷ. Nếu tính cả ruộng và các loại cây trồng, vật nuôi khác, ông Pó đã có trong tay xấp xỷ 2 tỷ đồng.

Phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa là hướng đi có nhiều triển vọng đối với bà con xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên.

Anh Lương Xuân Hiệp chia sẻ: “Từ những điển hình này đã mở ra hướng làm ăn mới cho bà con Nhôn Mai, đó là phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời phát huy những cây trồng có nhiều ưu thế như chanh leo, đào, mận và các loại sản vật của địa phương”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN