(Baonghean) - Khi mới vác ba lô từ huyện Diễn Châu vào Vinh để gia nhập Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao, Lê Thị Thắm rất sợ tập cử tạ vì nghĩ mình sẽ thấp đi sau mỗi lần nâng lên hạ xuống tạ. Nhưng bằng niềm đam mê và chịu khó, cô gái trẻ này liên tục giành được huy chương ở các giải đấu và hiện nay là “con át chủ bài” của cử tạ Nghệ An.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu. Bố Thắm, ông Lê Đình Thám (SN 1952) là bộ đội về hưu, mẹ là bà Đặng Thị Trinh (SN 1954) làm nông nghiệp. Thắm là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Cuộc sống không mấy khá giả nhưng Thắm được bố mẹ và anh chị em hết sức cưng chiều. Không ai trong gia đình nghĩ rằng Thắm có duyên với các môn thể thao. Năm Thắm học đến lớp 9, trong kỳ thi chuyển cấp, cả nhà mong cô gái này đỗ vào trường công lập. May mắn không mỉm cười với Thắm khi em thiếu 0,5 điểm. Lúc này, nhớ đến lời hứa của thầy Hoàng, sau nhiều đêm suy nghĩ Thắm quyết định gia nhập Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh Nghệ An.
Nhớ lại ngày bén duyên với môn cử tạ, Lê Thị Thắm (SN 1992) hào hứng chia sẻ: “Đó là vào năm học lớp 8, thầy giáo dạy thể dục hỏi em là có muốn tập môn cử tạ không. Lúc đó, em chẳng nghĩ gì nhiều và nghe mọi người “dọa” là tập cử tạ sẽ lùn người đi nên em rất sợ và từ chối. Đến năm em học lớp 9, thầy Quân, giáo viên chủ nhiệm lớp của Thắm quen với thầy Vũ Đức Hoàng ở Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh và đã giới thiệu em với thầy Hoàng. Em được thầy nhận vào trung tâm luôn mà không cần phải thử”. Lúc đó, Thắm cao 1m61 nặng 64 kg.
Năm 2007, Thắm chính thức vào trung tâm để làm quen với các môn thể thao. Ban đầu, Thắm sợ hãi và muốn từ bỏ. Lúc này, thầy giáo Hoàng đã phải trấn an cô học trò nhỏ bằng cách hứa khi vào trung tâm hợp với môn nào thì tập môn đó chứ không nhất thiết phải là cử tạ. “Mọi người về hết, em buồn lắm. Sáng hôm sau em ra chỗ phòng tập để làm quen với các môn thể thao. Thấy mọi người tập tạ, em sợ lắm. Em khóc và đòi về nhà nghỉ không tập nữa. Lần đó, may có mấy người cùng tuổi với em và cũng vào cùng đợt nên em mới "có gan" tập cùng. Nhờ có sự dẫn dắt của thầy Hoàng, em dần dần làm quen và đam mê với môn thể thao này”, Thắm cho biết. Được sự quan tâm và hướng dẫn của thầy, cô trong trung tâm, cô gái này dần mạnh dạn, tiếp thu môn học rất nhanh. 9 tháng sau khi gia nhập trung tâm, Thắm tham gia giải vô địch cử tạ trẻ toàn quốc. Trong giải này, Thắm ẵm một lúc 2 HCĐ.
Bên cạnh những buổi tập căng thẳng để tham gia các giải vô địch, Thắm còn tham gia học tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh để tính chuyện tương lai làm HLV. 8 năm bén duyên với môn cử tạ, Thắm đã giành rất nhiều thành tích đáng nể. Năm 2010, Thắm đạt 1 HCB, 2 HCĐ tại đại học TDTT toàn quốc; Năm 2011 đạt 2 HCV, 1 HCB vô địch cử tạ trẻ toàn quốc; Năm 2012, Thắm đạt 3 HCV giải vô địch cử tạ toàn quốc; Năm 2013, em tiếp tục đưa về cho đoàn cử tạ thêm 3 tấm HCV; Tiếp nối chuỗi thành tích đó, năm 2014 Thắm giành 2 HCV, 1 HCB và phá 2 kỷ lục trong giải vô địch cử tạ toàn quốc. Những ngày trung tuần tháng 8/2015, Thắm cùng đoàn đang tham gia giải vô địch cử tạ toàn quốc ở Thành phố Hồ Chí Mình. Nói chuyện với Thắm khi em đang chuẩn bị lên sàn, không run sợ, không hồi hộp cô gái này tự tin cho biết sẽ cố gắng hết mình để mang huy chương cao nhất về cho đoàn thể thao của tỉnh.
Luôn sát cánh bên Thắm từ những này em mới bén duyên với môn cử tạ, HLV Vũ Đức Hoàng chia sẻ: “Thắm là một cô gái chịu khó, năng động, tiếp thu rất nhanh. Là con gái nhưng Thắm luôn chủ động vượt qua khó khăn trong lúc luyện tập, khi nhớ gia đình. Với những thành tích mà Thắm đạt được, tôi rất tự hào về học trò nhỏ của mình. Hiện nay trong đoàn, Thắm là VĐV được đặt nhiều kỳ vọng nhất. Với thành tích là 3 HCB năm 2008, Thắm được gọi lên tuyển nhưng lúc đó tôi thấy em còn non quá nên giữ em lại tập luyện thêm. Năm 2010, Thắm chính thức lên tuyển để tham gia thi đấu”. Lịch học, lịch thi đấu dày đặc khiến Thắm ít có thời gian về thăm gia đình. Với Thắm, mục tiêu bao giờ cũng là huy chương cao nhất trong mỗi giải đấu. Bên cạnh đó, cô gái này còn mơ ước được gắn bó lâu dài với môn cử tạ. “Em đang cố gắng học thật tốt để sau này khi hết tuổi làm VĐV thì sẽ làm HLV để truyền dạy môn thể thao này đến các thế hệ sau”, Thắm tâm sự.
Vĩnh Liêm - Thành Hằng