(Baonghean.vn)- Con của 2 người lính đồng hương, cùng đơn vị trong cuộc chống đế quốc Mỹ, đều chịu di chứng chất độc da cam dioxin từ 2 người bố tìm đến nhau bằng tình yêu, viết nên cổ tích.

images1883544_bna_58fca42e48738.jpgGia đình anh, chị Phan Thị Yến. Ảnh: Xuân Hòa

 Ở  xóm 3, xã Hưng Chính (TP.Vinh), không khó để tìm ra nhà của vợ chồng chị Phan Thị Yến (SN 1979), bởi ngày cưới đôi vợ chồng đều nhiễm dioxin này khiến bao người dân nơi đây rơi nước mắt. Phần vì mừng vì hạnh phúc cho hai người con của hai cựu chiến binh, phần nữa vì thương anh chị đều mang tật nguyền trên cơ thể.

Gặp chúng tôi, chị Phan Thị Yến tâm sự khá khó khăn do dị tật hở hàm ếch. Chị cho hay: Từ khi mới sinh ra đã mang khuyết tật trong người khi bị hở hàm ếch, trí não chậm phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa. Gia đình thương con đưa chị đi khám thì mới biết chị nhiễm chất độc dioxin từ người bố là ông Phan Đình Minh tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam trở về.

Thương con gia đình cũng chạy vạy bán lúa non đem chị đi chữa trị, phẫu thuật nên dần bệnh tật chị cũng đỡ hơn. Nhưng do trí não phát triển chậm nên chị cũng không làm được gì nhiều. Ở xã cạnh bên, đồng đội cũ của ông Minh là ông Ngô Xuân Thụy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí cuộc sống còn khó khăn hơn, ông Thụy lại có 2 con bị nhiễm chất độc dioxin từ bố. Chia sẻ với khó khăn của bạn, tuần nào ông Minh cũng sang thăm bạn, khi thì vài bát gạo, lúc mớ rau. Mỗi lần sang thăm đồng đội ông Minh luôn chở theo người con gái Phan Thị Yến đi cùng.

Mỗi lần như thế, chị Yến thường chơi đùa với người con trai đầu của ông Thụy là anh Ngô Xuân Bình (SN 1976). Cũng do chất độc da cam - dioxin anh Bình bị teo chân, sống lưng bị lệch và phát âm khó. Anh Bình và chị Yến cứ thế lớn lên và trở thành đôi bạn thân thiết. 

Ngoài làm hoa lụa, hàng ngày chị Yến còn nhận sửa quần áo để thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Ảnh: Xuân Hòa

“Tôi đã dị tật nhưng anh ấy lại còn bị nặng hơn nhiều, gia đình anh ấy còn một người em cũng bị nhiễm dioxin, bị thiểu năng trí tuệ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Nên khi lớn lên tôi nói muốn lấy anh làm chồng khiến ai cũng bất ngờ. Nhưng ai cũng hiểu, chúng tôi yêu nhau” - chị Yến nhớ lại.

Năm 2004, một đám cưới nhỏ được gia đình và bà con đứng ra thu xếp cho đôi vợ chồng khuyết tật. Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, đẩy chú rể co quắp trong chiếc xe lăn lên hôn trường ra mắt mọi người đã khiến những người có mặt, chứng kiến trào nước mắt. Chắc sẽ cũng chẳng có đám cưới nào mà người rơi nước mắt nhiều đến thế. Mừng cho đôi vợ chồng cùng về một mái ấm.

Cưới xong cuộc sống vợ chồng chị Yến gặp muôn vàn khó khăn khi chị xin việc nhiều nơi không nhận, anh Bình thì ốm đau thường xuyên. Mãi chị mới xin được làm nhân viên cho một cơ sở sản xuất hoa tươi tại TP.Vinh. Người chủ tốt bụng thỉnh thoảng còn cho thêm chị đôi đồng để về lo cho người chồng khuyết tật. Không dư dả nhưng như vậy cũng coi như tạm đủ sống. Thương vợ chồng anh chị hai bên nội ngoại cũng quyên góp dựng cho căn nhà cấp 4 để ở riêng.

Hạnh phúc đến với vợ chồng chị Yến khi năm 2005, chị Yến sinh được bé trai Ngô Xuân Hoàn khỏe mạnh, bụ bẫm. Người con khỏe mạnh như tiếp thêm sức mạnh cho cả hai anh chị.

Đến năm 2012, để tạo việc làm cho những trường hợp khuyết tật, Hội phụ nữ xã Hưng Chính đã giúp chị Yến đi học miễn phí một khóa làm hoa lụa. Bằng sự cần cù, nỗ lực học hỏi, cộng với chút khéo tay, chị đã tạo ra những sản phẩm đẹp được nhiều người khen ngợi. Chưa hết, chị còn là điểm tựa cho những người không may mắn bị khuyết tật tìm đến làm nghề, học nghề.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường thay đổi, sản phẩm hoa lụa không còn được ưu chuộng, tổ sản xuất của những người phụ nữ khuyết tật không còn hoạt động nữa. Duy chỉ còn chị Yến là người vẫn bám trụ với nghề. Chị tự đứng ra nhập nguyên liệu rồi làm hoa bán cho khách. 

Theo lời chị Yến, dù vẫn bán được hoa nhưng chi phí nguyên liệu cao nên mỗi lẵng hoa làm ra cũng không có lời là bao. Do vậy, chị tiếp tục học thêm nghề may mặc. “Công việc này cũng khá phù hợp với khả năng của bản thân và hoàn cảnh của tôi. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” mình phải linh động để chèo lái gia đình” - chị Yến nói.

Bé Ngô Xuân Hoàn chăm sóc bố. Ảnh: Xuân Hòa

Với chiếc máy may, hàng ngày chị nhận sửa đồ cho bà con trong vùng, mỗi ngày kiếm được 50.000 - 60.000 đồng. Số tiền ít ỏi ấy cũng giúp chị trang trải bớt những chi phí hàng ngày và lo cho con ăn học. Chị Yến tâm sự: “Sửa quần áo được xem là nghề lượm lặt, nhưng mình chịu khó thì cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Người khác có nhiều sự lựa chọn, thì với tôi phải bám lấy những công việc như vậy để sống”.

Người phụ nữ ấy luôn tâm niệm, mình khiếm khuyết cơ thể nhưng không được “khuyết nghề”. Phải sống, phải lao động, không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn để xã hội, mọi người ghi nhận. “Người bình thường họ cố gắng một thì tôi phải nổ lực gấp mười lần. Hạnh phúc của tôi vô cùng đơn giản đó là hằng ngày được nhìn thấy chồng và con tôi luôn vui vẻ, gia đình hạnh phúc”, chị Yến chia sẻ.

Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn lao của anh chị chính là cháu Hoàn khi cháu sinh ra khỏe mạnh, thông minh và hiện đang học lớp 5. Nhìn đứa con khỏe mạnh ai cũng mừng và đó là cái kết có hậu cho cuộc tình của những con người mang trong mình nỗi đau chiến tranh có tên dioxin.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN