(Baonghean.vn)- Tàu, thuyền muốn ra vào cảng Lạch Vạn phải ngóng giờ thủy triều, không ít tàu thuyền mắc cạn vỡ cả mạn, hư hỏng chân vịt… Nhiều chủ tàu buộc phải chuyển cảng khác, thậm chí bỏ nghề.
Tàu vỡ mạn, gãy chân vịt vì mắc cạn
Một buổi sáng sớm cuối tháng Tư, dọc theo bờ đê biển vòng về cửa Vạn ngày biển lặng. Những tưởng sẽ gặp những chuyến tàu đầy ắp cá thu, cá hố, nhưng cái mà chúng tôi nhìn thấy là cảnh đìu hiu, những con tàu buồn bã nằm ghếch ven bờ.
Bắt gặp một người đàn ông ngồi bó gối bên mớ lưới cũ trên tàu. Ông là Phạm Ngọc Sâm, chủ tàu cá NA-3712 TS (51 tuổi, ngụ xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc). Ông Sâm thở dài: "Thời gian này đang vào mùa cá hố, cá thu nên mỗi chuyến đi có thể lời cả trăm triệu. Thế nhưng, tàu thuyền nằm ở Lạch Vạn phải chờ con nước lên mới ra bể được. Nước chưa lên, mấy anh em trên tàu không có việc chi làm đành ra ngồi sửa lưới cho đỡ buồn".
Như muốn giải thích thêm về điều thở than của người bạn thuyền, ông Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi, xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc) cho biết: “Lạch Vạn bị bồi cạn nên tàu ra vào gặp rất nhiều khó khăn. Cứ 10 tàu ra vào lạch thì có tới 7 cái bị gãy trụ, gãy chân vịt, có tàu mắc cạn bị vỡ luôn”.
Cảng Lạch Vạn không chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân Diễn Châu mà còn là nơi tránh trú bão, trao đổi hàng hoá, hậu cần nghề cá của nhiều địa phương trong tỉnh và tàu thuyền tỉnh bạn. Số lượng tàu thuyền lên đến hàng nghìn chiếc, tính riêng đội tàu thuyền của xã Diễn Ngọc đã có khoảng 500 phương tiện các loại”.
Trước thực trạng lạch bị bồi đắp khiến tàu thuyền ra vào cảng khó khăn, nhiều chủ tàu buộc chuyển sang cập ở các cảng lạch Cờn (Hoàng Mai), lạch Quèn (Quỳnh Lưu), lạch Hội (Cửa Hội) ... khiến cho chi phí mỗi chuyến đi biển của bà con ngư dân bị đội lên.
Anh Ngô Trí Nguyên (28 tuổi), chủ của 2 tàu cá công suất 650 CV là NA-96999 TS và NA-96888 TS bức xúc: “Vì tàu nhà tôi có công suất lớn nên từ lâu nay đã phải chuyển về lạch Quèn đẻ neo đậu chứ không dám đưa tàu về đây vì nước quá cạn. Việc chuyển cảng như vậy khiến cho chi phí mỗi chuyến tăng lên từ 20 - 25 triệu. Trong khi đó, về neo đậu ở cảng mới, chúng tôi buộc phải bán tôm cá rẻ hơn so với mặt bằng chung vì không có mối tiêu thụ tôm cá.”
Khó cho phát triển nghề biển
Trước thực trạng luồng lạch bị bồi cạn khiến tàu thuyền gặp khó khăn, nhiều ngư dân bị mất nghề khi kế mưu sinh bị hư hỏng, không có vốn tái sản xuất. Điển hình như ông Nguyễn Văn Trung (xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc), anh Thái Nguyên (xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc),... vì bị mắc cạn khiến tàu bị vỡ, đành phải bỏ nghề đi biển.
Đặc biệt, có nhiều ngư dân rất muốn đầu tư đóng tàu to, máy lớn, nhất là từ khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, dài ngày, khai thác các loài hải sản có giá trị cao. Song, vì lý do luồng lạch không đáp ứng được yêu cầu nên đành phải từ bỏ ý định.
“Chúng tôi tha thiết mong muốn Nhà nước có phương án nạo vét cửa lạch để giải quyết tình trạng bồi lắng, tạo điều kiện giúp ngư dân ra vào cảng thuận lợi, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão sắp tới” - anh Lê Văn Lợi (xã Diễn Ngọc) bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: tình trạng bồi lắng ở vùng lạch Vạn đã diễn ra nhiều năm nay khiến cho tàu thuyền của ngư dân xã Diễn Ngọc nói riêng và huyện Diễn Châu nói chung, gặp rất nhiều khó khăn khi ra vào cảng. Hiện địa phương cũng đã tiếp thu các kiến nghị của bà con và trình lên các cơ quan chức năng để có biện pháp nạo vét, tạo điều kiện để bà con yên tâm bám biển, phát triển kinh tế biển.
Như Sương