(Baonghean) - Một khúc sông trên dòng Nậm Nơn, Sông Cả (Nặm Pao), hay một ngọn núi trong trí tưởng tượng của người xưa, đó như cõi thần tiên. Kỳ thực, đó vẫn là những nơi chúng ta có thê tìm thấy trên mặt đất...

images1042175_kh_c_s_ng_lam_ch_y_qua_x__chi_kh____con_cu_ng.jpgKhúc sông Lam chảy qua xã Chi Khê - Con Cuông

Dòng sông Lam chảy qua xã Chi Khê (Con Cuông), tạo thành những vực nước sâu hàng chục mét, trong đó có vực nước gần ngọn núi Pu Cụa. Vực nước này, bà con người Thái gọi là Văng Cụa. Xuôi xuống một quãng là vực Văng Xằng. Người ta tin rằng Văng Xằng, Văng Cụa vốn là chốn rồng ở. Tại đồng ruộng bậc thang Tổng Chai, cách đó chừng 2 km, có 1 tảng đá trắng rất lớn nổi bật trên cánh đồng lúa. Người dân trong bản gọi là “còn đóng” (tảng đá trắng). Người ta tin rằng, nó được rồng khuân từ sông Lam về. 

Trong vùng lưu truyền truyện cổ tích kể: Ngày xưa, khi không biết rõ người bản Đình hay bản Chai có nàng con gái của chủ mường vô cùng đẹp. Nàng có nước da trắng, đôi tay biết múa dẻo và đặc biệt giọng hát của nàng hay đến nỗi con suối cạnh bản cũng phải dừng lắng nghe mỗi khi nàng cất lời. Con trai lũ lượt mang pí (chiếc sáo nứa có 4 lỗ), mang khèn đến thổi thâu đêm, suốt sáng nhưng không làm rung động được người con gái đẹp. Cho đến một ngày, có chàng trai lạ ghé chơi. Chàng cưỡi trên con ngựa trắng bờm và đuôi dài chấm đất, phong thái ra dáng con nhà quan. Thế nhưng, không ai biết chàng đến từ mường nào, cũng chẳng ai dám hỏi lai lịch vì nể sợ. Người nhà trải chiếu mời, chàng không ngồi chỉ khăng khăng đòi ngồi trên chiếc nong. Chẳng ai biết rằng, chính tiếng hát của nàng đã vang xa đến thủy cung nơi rồng ở. Dần dà, rồng đã nảy sinh lòng cảm mến nên mới hóa thân thành chàng trai lạ, đến tỏ tình. Người ta cho rằng chàng trai không dám ngồi vào chiếu vì trên mông rồng có gai, sẽ mắc vào chiếu.
 
Tảng đá cạnh đồng lúa Tổng Chai được cho rồng khuân về từ sông Lam.
 
 
Người bản lấy làm lạ, nhưng chẳng biết phải làm sao biết được lai lích của vị khách phương xa. Để lấy lòng người đẹp, trai bản mới thi trổ tài xem ai khỏe nhất. Chàng trai rồng biết đây là cơ hội để chiếm trái tim người đẹp, bảo rằng bản thân có sức khỏe, khuân nổi tảng đá lớn từ sông Lam về gần bản cho trai gái ngồi chơi. Chẳng ai dám tin, nhưng đã là lời thách đố thì ai nấy đều ra cánh đồng lúa cạnh bản chứng kiến. Thế là chỉ cần một cái phẩy tay, tảng đá lớn từ phía dòng sông bay đến rơi xuống, trước sự hoảng sợ của mọi người. Lúc này, ai nấy đều biết chàng trai do rồng hóa thành mới có sức mạnh đến vậy. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy. Thế là chỉ vì nóng lòng muốn chiếm trái tim người đẹp, chàng trai đã để lộ thân phận của mình. Khi trai gái trong bản đã đi hết, chàng trai chỉ còn nước chuồn về thủy cung. Cũng từ đó, không ai dám tiếp xúc với chàng nữa, vì dân bản ai nấy đều sợ rồng Văng Xằng, Văng Cụa vẫn thường bắt người xuống sông về làm người hầu.
 
Thế rồi, vào những  đêm thanh vắng, dân bản trong vùng nghe văng vẳng tiếng pí vè vè, vập vập và tiếng hát của chàng trai rồng. chàng ngôi trên tảng đá trắng hát rằng: “Rồng Văn Xằng, Văng Cụa Chính là ta đây”. Tiếng hát ai oán, buồn bã. Không có được người đẹp, nhưng rồng không làm mưa, làm gió hại người bản mà lặng thầm trở về thủy cung, sau đó vì nhớ làng nhớ người bản, chàng còn về bản Đình làm “con nuôi” của một người họ Ngân. Sau khi qua đời, mới trở lại thủy cung. Rồng chỉ trở lại bản, khi cha mẹ một nhà họ Ngân có việc mời “về ăn cơm”. Vì thế mỗi khi một nhà trong dòng họ này có việc dù lớn (làm nhà, đám cưới, đám tang) hay việc nhỏ (làm gọi vía) thì trời lập tức đổ mưa. Người bản cho rằng, đó là rồng làm mưa “về ăn cơm”.
 
Ngày nay, tảng đá trắng được cho là do rồng sông Nặm Pao khuân về, nằm ở cạnh cánh đồng Tổng Chai, là nơi canh tác lúa nước của bản Chai và bản Đình (xã Chi Khê). Hai vực nước Văng Xằng và Văng Cụa vẫn còn đó là hai khúc sông Lam có hình bụng rồng chảy qua địa phận xã Chi Khê. Những cụ cao niên trong bản tin rằng, đó là nơi rồng ở!
 
Theo sưu tầm của tác giả Lô Hoan, đăng trên tạp chí Mường Xủng (CLB Văn học - Nghệ thuật huyện Tương Dương) gần đây thì tại địa điểm đặt Thủy điện Khe Bố (xã Tam Đình – Tương Dương) ngày nay, cũng có một khúc sông gọi là Văng Cụa (tác giả phiên âm là Văng Của). Cũng có một câu chuyện dân gian về địa danh này, và một số địa danh trên sông Nậm Nơn. 
 
Rồng ở Văng Tan trên sông Nậm Nơn, một hôm hóa thành chàng trai đẹp đi chơi mường người thì gặp một cô gái mặt tròn, nước da đẹp, nên đem lòng si mê. Cô gái giới thiệu quê ở Văng Cụa, sau khi về thăm nhà nàng, chàng trai xin được cưới về làm vợ và được chấp thuận. Chỉ có bà mẹ chồng là không ưa tính nết nàng dâu, nên nhân khi chàng rồng đi vắng bà đưa lời đay nghiến khiến cô gái rồng khóc than thảm thiết, bèn hóa thành cô gái đẹp xin đi thuyền và được hai cha con cho đi nhờ. Để dáp lại ân tình này, cô gái rồng mời hai cha con xuống chơi thủy cung, ra về còn cho một chiếc lồng và dặn về đến nhà mới được mở xem. Hai cha con tò mò, về dọc đường mở ra xem, đàn tôm trong lồng nhảy ra mất một nửa. Từ đó, hình thành mỏ tôm bản Xiềng Tắm và Mường Lằm. Còn chàng trai rồng sau khi về không thấy vợ đâu, liền nổi giận làm mưa to lũ lụt cuốn băng núi rừng. Từ đó, sông Nậm Nơn trở nên nham nhở, lắm thác, nhiều ghềnh...
 
Một địa danh khác cũng từ lâu đã tồn tại trong tâm thức của người Thái ở Nghệ An, đó là ngọn núi có tên là Phá Bún. Ngọn núi mà từ khi còn nhỏ người viết bài này đã nghe bà cố nội hát: “Tôi sắp men Nậm Mộ ăn rau phắc cát hoong/ Men Nậm Khoong ăn phắc cát kèo/ Đi họ ngoại ở ở phía Phá Bún, Phá Đài/ Thăm anh em ở phía đường xa”. Sau nay, đọc một bài viết của nhà văn Quán Vi Miên, tôi mới biết địa danh này cũng xuất hiện trong truyện thơ dân gian Khủn Chưởng của người Thái ở Phủ Quỳ. Ngọn núi này được xem núi Mường Trời, nơi trai gái đến cầu duyên. Địa danh này cũng như Văng Cụa, Văng Tan có thực ở chốn mường người, trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn. Trên ngọn núi này, vào những năm 60 của thế kỷ trước, là nơi phỉ “Chậu Phạ” từ Lào sang quấy phá bản mường, giết hại người dân.
 
Như vậy, những địa danh như Mường Trời, Phá Bún, Phá Đài hay Văn Xăng, Văng Cụa không chỉ là cổ tích mà là những nơi ngày nay chúng ta có thể đặt chân tới. Có lẽ, không gian cổ tích này chỉ là “hồi quang” của cõi người. Thế chính những chuyện dân gian đã biến những miền đất vốn gần gũi, đẹp đẽ trở thành huyền thoại. Những không gian thực ấy, có ý nghĩa như một bảo tàng sống, của cổ tích!
 
Bài, ảnh:Hữu Vi